Đóng giả Công an để lừa đảo
Sau khi trao đổi trực tiếp qua video call với người bị hại, đối tượng lừa đảo đóng giả Công an tiếp tục gửi “lệnh bắt” bị hại, đồng thời yêu cầu người bị hại nhập thông tin tài khoản ngân hàng vào trang web, ứng dụng giả mạo “Bộ Công an” do chúng lập ra để lừa chiếm đoạt tiền. Từ cuối tháng 6-2022 đến nay, Công an TP Quy Nhơn (Bình Định) nhận hơn 10 đơn của bị hại về thủ đoạn này.
Gần đây nhất, cuối tháng 6-2022, chị Võ Thị Hồng N. (1998, trú P. Lê Lợi, TP Quy Nhơn) nhận được cuộc gọi từ số thuê bao “0902.583.360”, đầu dây bên kia có giọng nói giống như giọng của tổng đài tự động, nội dung “Công ty chuyển phát nhanh EMS thông báo bạn có đơn hàng quá hạn chưa nhận, đề nghị bấm phím 9 để biết thêm chi tiết”. Khi chị N. bấm phím 9, thì có một người nam nói giọng miền Bắc yêu cầu chị Nhung cung cấp họ tên, năm sinh, số CCCD, địa chỉ để tra đơn hàng. Chị N. không nghi ngờ nên cung cấp các thông tin theo yêu cầu cho đối tượng.
Đối tượng thông báo chị N. có một đơn hàng gồm 2 sổ tiết kiệm và 4 thẻ ngân hàng gửi sang Manila (Philippines) bị Công an TP Hà Nội giữ lại tại sân bay, đây là hàng cấm nên yêu cầu chị N. đến Công an TP Hà Nội để làm việc. Sau đó, có người dùng số điện thoại “02471.098.900” (hiển thị cuộc gọi từ TP Hà Nội) gọi cho chị N. Đối tượng xưng tên Trần Thanh Tùng, điều tra viên của Công an TP Hà Nội, thông báo chị N. liên quan đến một vụ án. Cụ thể, chị N. đã mở nhiều tài khoản ngân hàng rồi giao cho đồng bọn sử dụng để mua bán ma túy, rửa tiền, hiện đã có lệnh bắt giam chị N.
Đối tượng tự xưng điều tra viên Trần Thanh Tùng cũng cho hay do chị N. không thể đến ngay Công an TP Hà Nội làm việc nên sẽ tạo điều kiện làm việc qua điện thoại. Sau đó, đối tượng gọi video call bằng ứng dụng Viber cho chị N., đối tượng mặc trang phục Công an và quay lệnh bắt có dấu đỏ cho chị N. xem.
Chị N. thấy họ tên, năm sinh, số CCCD, địa chỉ trùng với lai lịch của chị nên lo sợ. Tuy nhiên chị N. quên rằng trước đó chính chị đã cung cấp những thông tin này cho đối tượng xưng là nhân viên của công ty chuyển phát nhanh. Sau đó, các đối tượng thay phiên nhau gọi điện dọa bắt chị N. liên tục từ 8 giờ đến 14 giờ cùng ngày. Các đối tượng yêu cầu chị N. muốn chứng minh không liên quan đến vụ án, vô tội, để không bị bắt giam thì chị N. phải kê khai tài sản và mở một tài khoản tại Ngân hàng Vietcombank có đăng ký banking, chuyển toàn bộ số tiền hiện có vào tài khoản này để bọn chúng phong tỏa, giám sát. Chị N. đã gửi 290.000.000 đồng trong tài khoản và đã bị chiếm đoạt.
Tương tự, ngày 12-6, chị Nguyễn Thùy D. (1996, trú P. Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) cũng bị chiếm đoạt 220 triệu đồng với thủ đoạn đối tượng mặc trang phục Công an gọi video, gửi lệnh bắt cho chị D. Khác với trường hợp của chị N. đối tượng yêu cầu chị D. cài đặt ứng dụng “Phần mềm bảo mật” trên điện thoại chị D. Ứng dụng này ẩn các tin nhắn SMS gửi đến điện thoại của chị D. đồng thời sao chép nội dung các tin nhắn này (bao gồm các tin nhắn OTP của ngân hàng) rồi gửi cho đối tượng.
Các bị hại đều cho biết sở dĩ tin lời các đối tượng là do thấy đối tượng gọi video mà mặc trang phục Công an, các lệnh bắt ghi đúng tên mình. Công an TP Quy Nhơn khuyến cáo: Không công khai thông tin cá nhân trên mạng xã hội, không cung cấp thông tin cá nhân cho người dùng số điện thoại lạ gọi đến hỏi thông tin.
Để làm việc với công dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập đến người cần mời làm việc. Cơ quan Công an không gửi văn bản qua điện thoại; không làm việc qua điện thoại, không yêu cầu công dân chuyển tiền, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, gửi đường link hay cài ứng dụng vào điện thoại của người dân. Do đó, khi thấy bất cứ cuộc gọi nào tự xưng là Công an điều tra vụ án, người dân cần đến ngay trụ sở cơ quan Công an gần nhất để trình báo.
Lê Giang