Báo Công An Đà Nẵng

BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 2 HĐND TP ĐÀ NẴNG KHÓA IX, NHIỆM KỲ 2016-2021:

Đồng lòng đồng sức hoàn thành chức trách, không phụ lòng tin của nhân dân

Thứ sáu, 12/08/2016 09:31

(Cadn.com.vn) - Hôm qua (11-8) là ngày cuối cùng của Kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021. Trong phần chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu (ĐB) HĐND TP tiếp tục đặt nhiều câu hỏi với lãnh đạo thành phố và các ngành chức năng về các vấn đề nóng đang được cử tri quan tâm: công tác quản lý bảo vệ rừng, an toàn thực phẩm, dạy bơi cho học sinh tiểu học, quản lý thông tin trên mạng Internet, xử lý ô nhiễm môi trường...

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Xuân Anh phát biểu bế mạc.

Còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN & PTNT TP cho biết, việc quản lý, bảo vệ rừng không chỉ là trách nhiệm của ngành NN & PTNT mà đã được phân cấp cho các địa phương, vì vậy chính quyền các quận, huyện cũng phải chịu trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng. Tư lệnh ngành NN & PTNT TP cũng đề nghị Sở Tài nguyên- Môi trường khi cấp phép khai thác rừng phải yêu cầu đơn vị khai thác phải trồng rừng thay thế, hạn chế cấp phép phá rừng để khai thác khoáng sản và cấp phép kinh doanh trên đất rừng, đất nông nghiệp; hạn chế cấp phép kinh doanh chế biến gỗ và giám sát việc trồng rừng thay thế đảm bảo rừng được tái sinh.

Về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP), ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết: Hiện nay thành phố đã thành lập BCĐ ATTP và đã xây dựng kế hoạch dài hơi đến năm 2020 về ATTP; chỉ đạo Sở  NN & PTNT xây dựng đề án giám sát ATTP từ nơi sản xuất đến  bàn ăn, kiểm soát về rau, củ, quả, thịt cá, gia súc gia cầm, thực phẩm tươi sống và kiểm soát  đầu vào của thực phẩm ở các chợ đầu mối. Ngành Công thương cũng xây dựng Đề án kiểm soát thực phẩm tại siêu thị, điểm ăn uống và đang xúc tiến đánh giá, xếp hạng các cửa hàng đảm bảo ATTP cho người dân. Ngành Y tế thì phối hợp các ngành liên quan kiểm soát bữa ăn trường học, khu công nghiệp, đảm bảo thực phẩm an toàn, không gây ngộ độc.

Về vấn đề dạy, học bơi hè 2016, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD- ĐT khẳng định, chủ trương dạy bơi cho học sinh tiểu học là rất cần thiết.  Trong mùa hè 2016, Sở đã chỉ đạo và phát động phong trào bơi lội cho học sinh không chỉ tại các hồ bơi trong ngành Giáo dục, mà liên hệ với các cơ sở có bể bơi trên toàn thành phố để tạo điều kiện cho các em đến bơi. Hưởng ứng chủ trương dạy bơi cho học sinh, nhiều nhà đầu tư đã đăng ký xây dựng bể bơi, hiện đã có 6 bể bơi di động thực hiện ở Q. Sơn Trà, 3 công ty đăng ký xây dựng bể bơi kiên cố tại Sơn Trà, Hải Châu, Cẩm Lệ... đã góp phần giải quyết nhu cầu bơi của học sinh. Sau khi học bơi, học sinh phải đảm bảo bơi được ít nhất 25m, mỗi lần nổi trên mặt nước ít nhất 30 giây mới được cấp giấy chứng nhận. Hiện Sở tiếp tục kêu gọi các nguồn để xây dựng, lắp đặt bể bơi ở các địa phương khó khăn như Hòa Vang, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Sơn Trà và sẽ dạy bơi liên tục suốt cả năm học (trừ mùa đông), dạy theo phương pháp “cuốn chiếu”, các em lớp 5 trước, đến lớp 4, đảm bảo khi tốt nghiệp tiểu học, tất cả học sinh đều biết bơi.

Về quản lý thông tin trên mạng inernet, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông (TTTT) cho biết đã tham mưu UBND TP thành lập tổ công tác báo chí cung cấp thông tin cho báo chí một cách chính thống về các vấn đề KT-XH; theo dõi, phát hiện những thông tin không chính xác, phối hợp các cơ quan liên quan tiến hành xác minh, xử lý những người thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, bịa đặt, kích động. Sở  cũng có các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn để đảm bảo các thông tin không đúng sự thật không được lưu hành; đã xử lý gần 30 trang web, 1 trang facebook vi phạm.

Cam kết bảo vệ môi trường và nâng cao thương hiệu “Thành phố đáng sống”

Phát biểu tại Kỳ họp, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ  cho rằng, các vấn đề cần chủ động giải quyết sớm, không nhất thiết phải đợi đến kỳ họp mới đưa ra. Chủ tịch UBND TP đề nghị tại các cuộc họp của UBND TP sẽ mời các đại biểu HĐND tham dự, không giới hạn bất cứ cuộc họp nào và có thể đưa ra các vấn đề cần quan tâm, thậm chí chất vấn lãnh đạo UBND TP đồng thời đề  nghị Sở TTTT mở website trao đổi thông tin giữa HĐND và UBND các cấp để  có thể trao đổi, giải quyết nhanh chóng các vấn đề. Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết: Việc xử lý các ý kiến, kiến nghị là cần thiết, là ưu tiên hàng đầu.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại kỳ họp.

Về lĩnh vực bảo vệ  môi trường, Chủ tịch UBND TP thành phố cam kết  sẽ yêu cầu chủ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải thay thế  nhà máy không đạt yêu cầu tại các  KCN Liên Chiểu,  Thanh Vinh. Khi nhà đầu tư đã cam kết, nếu không thực hiện đúng thì không chỉ đóng cửa từng nhà máy mà có thể đóng cửa cả KCN. Đối với KCN Hòa Khánh hiện nay hệ thống thu gom nước thải đã vỡ nát, nước thải ngấm vào đất mùa khô, tràn ra vào mùa mưa. Ngân sách thành phố sẽ  đầu tư khoảng 60 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý mới, đảm bảo chất lượng thu gom xử lý sẽ tốt hơn, không còn ngấm, tràn ra sông hồ. Đối với bãi rác Khánh Sơn, hiện nay việc che bạt, phun hóa chất xử lý mùi hôi đã giảm bớt ô nhiễm, tuy nhiên để cắt nguồn xả thải chảy ra môi trường, thành phố giao Sở TN- MT lựa chọn công nghệ, đấu thầu để sắp tới xây dựng cơ sở xử lý nước thải đảm bảo chất lượng tốt. “Phải làm nghiêm túc, đấu thầu công khai, minh bạch”. Về tiến độ các công trình Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho biết: Tháng 11-2016 sẽ đấu thầu, khởi công nhà máy xử lý nước thải Liên Chiểu; cuối tháng 10-2016 phải xây dựng xong nhà máy xử lý chất thải tại cơ sở giết mổ gia súc tập trung Đà Sơn, nếu không sẽ đóng cửa; tháng 9-2016  phải xong nhà máy nước thải Sơn Trà. Đối với âu thuyền Thọ Quang, Chủ tịch UBND TP cho biết: “Sắp tới sẽ thu tiền dịch vụ đối với tàu cá đậu trong âu thuyền chứ không cho không. Anh nào xả thải, gây ô nhiễm  thì xử phạt, không cho vào neo đậu”. Các nhà máy trong KCN thủy sản Thọ Quang sẽ kiểm tra việc xả thải, đảm bảo không nhà máy nào xả thải khi không qua xử lý. Đối với việc ô nhiễm môi trường đất đá ở Hòa Nhơn, thành phố đã chỉ đạo siết chặt quản lý các phương tiện khai thác đất đá, giám sát tốc độ, buộc các chủ mỏ cam kết để xảy ra vi phạm sẽ xử lý vì thế tình hình xe ben vi phạm thời gian gần đây có giảm.

Để giữ được hình ảnh Đà Nẵng đẹp trong mắt người dân và du khách, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đề nghị lực lượng CA, chính quyền phải đảm bảo trong sạch, không dính dáng đến tội phạm, tăng cường đấu tranh trấn áp tội phạm. Thành phố vừa ban hành bộ tiêu chí đo lường chỉ số ANTT, đó cũng là cách để đo lường năng lực quản lý Nhà nước của Trưởng CA phường, Chủ tịch phường. “Lâu nay khen quá nhiều, chê rất ít. Có khen phải có chê...”, Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị phải tăng cường hiệu quả hoạt động lực lượng tuần tra  8394, đồng thời chỉ đạo CATP lắp đặt camera toàn thành phố, kêu gọi toàn dân, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp vào chương trình phủ sóng camera phòng chống tội phạm. Chủ tịch UBND TP khen lực lượng CA đã tích cực điều tra, khám phá nhiều vụ án khó như vụ 2 người Trung Quốc bắn nhau, vụ giết người ở đường Lê Đình Thám nhưng hiện vẫn còn “nợ” vụ tài xế taxi bị sát hại hồi tháng trước. “Phải tìm ra hung thủ, tốn bao nhiêu cũng chi, đừng bao giờ mệt mỏi”, Chủ tịch UBND TP khích lệ.

Biểu quyết thông qua các nghị quyết HĐND.

Lãnh đạo UBND TP và các sở, ban, ngành phải nhập cuộc

Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Nguyễn Xuân Anh, UVT.Ư  Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP đánh giá cao và biểu dương thái độ làm việc hết sức nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao của các vị đại biểu HĐND và cảm ơn đồng bào, cử tri TP đã quan tâm theo dõi, tham gia ý kiến góp phần quan trọng làm cho kỳ họp thành công tốt đẹp. Về nhiệm vụ  từ nay đến cuối năm 2016, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Xuân Anh đề nghị UBND TP chỉ đạo rà soát, đối chiếu và có giải pháp đẩy nhanh tiến độ đối với các chỉ tiêu chưa đạt 50% KH năm, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu KTXH năm 2016. Phải tiếp tục chống thất thu, nợ đọng thuế, phấn đấu vượt thu ít nhất 10% so với KH. Tiếp tục chú trọng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch - xây dựng của TP; tiến hành rà soát quy hoạch ngành phù hợp với chiến lược phát triển của từng ngành, đồng thời phù hợp với quy hoạch chung của TP đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt. Về vấn đề môi trường: Phải ưu tiên đầu tư nguồn lực để tập trung xử lý dứt điểm, căn cơ các điểm nóng về môi trường, có lộ trình xử lý phù hợp, đồng thời quan tâm đầu tư giải quyết các điểm bị ngập sâu, kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân. Về an toàn vệ sinh thực phẩm, Chủ tịch HĐND TP đề nghị toàn hệ thống chính trị phải thực sự vào cuộc. Cần có sự kiểm duyệt, thanh tra, giám sát ngay từ khâu chăn nuôi, trồng trọt đến chế biến và phân phối ra thị trường, phải xử phạt thật nặng đối với cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn. Về an ninh trật tự, an toàn giao thông, ông đề nghị các ngành chức năng đặc biệt là công an kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, hạn chế trên các lĩnh vực quản lý nhà nước nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, nhất là trong công tác quản lý cư trú, quản lý đối tượng, quản lý người nước ngoài. Thường xuyên mở các đợt cao điểm rà soát, tấn công, trấn áp mạnh các loại tội phạm. Không thể để các đối tượng băng nhóm, giang hồ, xã hội đen, bảo kê, đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê, ma túy, cờ bạc với những hình ảnh xăm trổ, ngông nghênh trên phố, coi thường pháp luật và tính mạng con người. Nếu chúng ta để tồn tại những điều này chắc chắn sẽ làm hoen ố, vấy bẩn hình ảnh đẹp của Đà Nẵng. “Thành phố chúng ta không phải và sẽ không bao giờ là mảnh đất đáng sống với những đối tượng này”, ông Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh. Về công tác cải cách thủ tục hành chính, ông Nguyễn Xuân Anh đề nghị phải tăng cường cơ chế phối hợp, đẩy mạnh ứng dụng CNTT bảo đảm giải quyết nhanh, gọn, khoa học, thuận tiện, rút ngắn thời gian cho nhân dân. Phải nghiêm túc xin lỗi công dân, tổ chức nếu giải quyết chậm trễ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh các vi phạm, kể cả trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm. Ông Nguyễn Xuân Anh kết luận: “Nhiệm vụ từ nay cho đến cuối năm 2016 còn rất nhiều và nặng nề trong khi thời gian còn rất ít. Vì vậy, đề nghị UBND TP, các sở, ngành cần sớm xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của HĐND TP trên cơ sở đó đề ra các giải pháp quyết liệt, phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra. Lãnh đạo UBND TP và thủ trưởng các sở, ban, ngành phải nhập cuộc với tinh thần tiến công mạnh mẽ, không lùi bước trước bất cứ khó khăn, trở ngại nào; không được đùn đẩy, né tránh, thờ ơ, vô cảm. Tất cả phải đồng lòng, đồng sức để hoàn thành chức trách được giao, không phụ lòng tin của nhân dân.

K.Thanh

ÔNG LÊ QUANG NAM ĐƯỢC BẦU LÀ ỦY VIÊN UBND TP ĐÀ NẴNG NHIỆM KỲ 2016-2021

Cuối giờ sáng nay 11-8,  Kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX đã tiến hành bầu ông Lê Quang Nam, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường thành phố làm Ủy viên UBND TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2016-2021. Với 48/49 đại biểu HĐND TP bỏ phiếu tán thành, ông Lê Quang Nam đã trúng cử là Ủy viên UBND TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2016-2021.

Ông Lê Quang Nam sinh năm 1970, trình độ chính trị cao cấp, trình độ chuyên môn tiến sĩ kỹ thuật chuyên ngành năng lượng và môi trường. Trước đó ông là Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, tháng 1-2016, ông được chỉ định vào Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Quận ủy, giữ chức Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ, nhiệm kỳ 2015-2020. Đầu tháng 7-2016, ông Nam được điều động giữ chức Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường thành phố.

K.Thanh