Báo Công An Đà Nẵng

Động lực để Đà Nẵng bứt phá

Thứ hai, 21/06/2021 20:41

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thành trung tâm KT-XH của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại và tài chính, tháng 3-2021, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép nghiên cứu, lập Đề án xây dựng Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính khu vực (TTTCKV). Đây sẽ là “cú hích”, động lực đưa kinh tế Đà Nẵng bứt phá, phát triển lên tầm cao mới…

Một trong những phối cảnh kiến trúc Dự án Đà Nẵng Gateway – Dự án trọng điểm của Đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành TTTCKV.

Cơ hội và thách thức

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh khẳng định: Việc xây dựng TP trở thành TTTCKV là cơ hội để đưa kinh tế TP bứt phá phát triển trong thời gian tới. Khi TTTCKV hình thành và đi vào hoạt động sẽ nâng tầm vị thế của TP, thu hút các định chế tài chính nước ngoài cũng như đón đầu cơ hội dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư quốc tế đến TP Đà Nẵng, kéo theo sự phát triển của hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, tài chính phụ trợ... giúp cho kinh tế TP phát triển sôi động hơn, mạnh mẽ hơn. Ông Trần Minh Dõng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng, chia sẻ thêm: Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng có quy mô nhỏ, vừa và siêu nhỏ nên nguồn lực tài chính hạn chế. Nếu TP có một TTTCKV sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp nội địa trong việc tiếp cận được nhiều nguồn vốn đa dạng, nhất là nguồn vốn nước ngoài, từ đó, có nguồn lực mạnh để đầu tư khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển SXKD, đẩy mạnh xuất khẩu...; đồng thời, các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài cũng có nhiều cơ hội tiếp cận, đầu tư kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Đà Nẵng cũng đối mặt với nhiều thách thức khi xây dựng TTTCKV. Trước hết là quy mô nền kinh tế TP vẫn còn khiêm tốn, hiện Đà Nẵng chỉ có hơn 30.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp đến, thị trường tài chính - ngân hàng còn nhỏ bé, hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn TP thời gian qua tuy phát triển tốt nhưng vẫn còn non trẻ và thiếu kinh nghiệm trong dịch vụ tài chính quốc tế, phân tích thị trường, thẩm định dự án... Ngoài ra, TP vẫn chưa có sàn giao dịch chứng khoán cũng như thiếu vắng các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp như: các quỹ đầu tư, các công ty ủy thác, các nhà môi giới tiền tệ, v.v... Những yếu tố này sẽ làm giảm sức hấp dẫn của TP về giao dịch thương mại, kinh doanh, đầu tư và tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển trở thành TTTCKV.

Cần cơ chế đặc biệt

Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng, chia sẻ: Để xây dựng thành công TTTCKV, Đà Nẵng cần được hưởng những cơ chế đặc biệt vượt trội hoàn toàn và có thể cạnh tranh được các TTTC trong khu vực. Bên cạnh đó, TP cần có chủ trương, chính sách nâng cao tính chuyên nghiệp của thị trường tài chính; thị trường hóa cao độ các dịch vụ tài chính tương thích với các thông lệ, chuẩn mực của quốc tế thông qua việc sửa đổi luật lệ, quy định, chính sách... Tiếp đến là cần đa dạng hóa các thành phần tham gia thị trường tài chính, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Đặc biệt, để thu hút các định chế tài chính quốc tế - đặc điểm cốt yếu của một TTTC, TP cần giải bài toán về chính sách thuế, chính sách tiền tệ và cơ sở hạ tầng, trong đó, bao gồm hạ tầng giao thông, viễn thông, logistics, thanh toán, v.v...

Theo tiến sỹ Đặng Tùng Lâm, Trưởng Khoa Tài chính (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng), TP cần đào tạo và thu hút được những nhân lực có kỹ năng và trình độ chuyên sâu trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, công nghệ... “So với TPHCM và Hà Nội, Đà Nẵng khó cạnh tranh trong việc xây dựng và phát triển TTTC truyền thống. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi căn bản toàn diện phương thức kinh doanh, là cơ hội rất lớn cho Đà Nẵng cân nhắc nếu phát triển TTTC có thể phát triển theo hướng phi truyền thống trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số”, tiến sỹ Đặng Tùng Lâm chia sẻ thêm. Ngoài ra, theo ông Trần Minh Dõng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng, TP cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TP đầu tư mở rộng và phát triển SXKD, xuất khẩu, nhất là chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn do dịch COVID-19 gây ra cho doanh nghiệp.

PHÚ NAM

Ông Nguyễn Văn Phụng - Giám đốc Sở Tài chính TP Đà Nẵng thông tin: Đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành TTTCKV sẽ bao gồm các dự án đầu tư trên nhiều lĩnh vực, trong đó, trọng điểm là Dự án Khu phức hợp trung tâm tài chính - thương mại - vui chơi giải trí - chung cư cao cấp (Đà Nẵng Gateway). Dự án sẽ được xây dựng trên khu đất có diện tích khoảng 8,4ha tại đường Võ Văn Kiệt (Q.Sơn Trà) với vốn đầu tư khoảng 47.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD) từ nguồn vốn huy động của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Để triển khai đề án này, ngày 25-3-2021, UBND TP đã có Quyết định số 965/ QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác lập Đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành TTTCKV do ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP làm Tổ trưởng, 2 Tổ phó gồm Giám đốc Sở Tài chính và Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư và 8 thành viên là đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành hữu quan.