Báo Công An Đà Nẵng

Đông Nam Á 2013: Thiên tai và biểu tình

Thứ tư, 01/01/2014 14:57

(Cadn.com.vn) - 2013 được cho là năm nhớ đời ở Đông Nam Á với thảm họa thiên tai kinh hoàng nhất trong lịch sử loài người và các cuộc biểu tình lớn hậu bầu cử.

Đông Nam Á trải qua nhiều thảm họa năm 2013: sự cố tràn dầu, dịch sốt xuất huyết bùng phát, động đất, lũ lụt lớn... Nhưng hai sự cố lớn nhất là ô nhiễm khói mù xuyên biên giới ảnh hưởng đến nhiều quốc gia như Singapore, Malaysia, Indonesia, và đặc biệt là siêu bão Haiyan tàn phá Philippines.

Ắt hẳn người dân Đông Nam Á không thể quên được khoảng thời gian khi cuộc khủng hoảng ô nhiễm khói mù hoành hành vào cuối tháng 6. Ô nhiễm bắt đầu từ những đám cháy rừng rộng lớn ở Indonesia, nhưng chính người dân ở Singapore và Malaysia mới là những nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn cả.

Vì không thể trừng phạt các Cty trồng cọ, vốn phải chịu trách nhiệm về các vụ cháy rừng, các đám mây đen mù mịt trở thành bệnh dịch quấy nhiễu các nước láng giềng. Nhưng các đám mây vào cuối tháng 6 là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong những năm gần đây, gây ra các chỉ số ô nhiễm không khí tăng cao đến mức kỷ lục tại Singapore và Malaysia, tạo làn sóng chỉ trích chính phủ Jakarta mạnh mẽ.

Trong động thái chưa từng có, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono xin lỗi Singapore, Malaysia và chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, lời xin lỗi của ông xem ra khá muộn mằn bởi vì trước đó, một số cấp dưới của ông khuấy động mọi việc khi coi thường sự đau khổ của các nước láng giềng.

Lúc đó, người ta cứ nghĩ thật may mắn cho Philippines khi họ không phải chịu ảnh hưởng từ các đám mây đen. Nhưng có lẽ các đám mây đó chỉ là bất tiện nhỏ so với tác động kinh khủng của siêu bão Haiyan, vốn cướp đi sinh mạng của hơn 6.000 người trên toàn miền Trung Philippines, khiến khoảng 4 triệu người phải di dời và hơn 1.700 người vẫn mất tích.

Haiyan là cơn bão mạnh nhất lịch sử Philippines và cả thế giới. Và thảm họa này một lần nữa khiến con người phải suy ngẫm kỹ càng về bàn tay phá hoại của con người, cũng như lỗ hổng của các quốc đảo nhỏ như Philippines dưới tác động khắc nghiệt của biến đổi khí hậu.

Philippines vẫn đang rất cần sự giúp đỡ để hồi phục trong năm 2014. Ảnh: CNN

Một thảm họa khác - do con người tạo ra - là những cáo buộc vi phạm bầu cử ở Malaysia và Campuchia. Đương nhiên, các cáo buộc này đốt cháy thành những cuộc biểu tình rộng lớn ở cả hai nước. Ở Malaysia, hàng trăm ngàn người tập trung tại Kuala Lumpur phản đối kết quả bầu cử vốn giúp đưa liên minh chính quyền chỉ chiếm đa số mong manh lên nắm quyền. Hàng loạt các cuộc biểu tình, trong đó lây lan sang các tỉnh khác đã biến thành "cơn sóng thần Malaysia".

Ở Campuchia, hàng chục ngàn người cũng xuống đường phản đối kết quả cuộc bầu cử mang lại chiến thắng cho đảng Nhân dân Campuchia (CPP). Đảng cầm quyền giành được đa số mong manh sau khi chỉ giành được 68 ghế so với 55 ghế của phe đối lập. Hiện, đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) tiếp tục biểu tình đòi Thủ tướng Hun Sen từ chức cũng như tiến hành bầu cử lại.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Thái Lan cũng đang phủ bóng lên nền chính trị toàn khu vực đang trỗi dậy mạnh mẽ này.  Sau nhiều tuần bị bao vây bởi các cuộc biểu tình đường phố, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã tự mở đường "máu" bằng việc giải tán Quốc hội và thông báo tổ chức bầu cử vào ngày 2-2-2014.

Thật kỳ lạ, phe đối lập vẫn ngoan cố. Đảng Dân chủ đối lập tuyên bố tẩy chay bầu cử, thay vào đó kêu gọi thành lập một "Hội đồng nhân dân" không được bầu lên nắm quyền. Có lẽ phe Dân chủ đang ấp ủ tham vọng trở lại nắm quyền thật sự sau 2 thập kỷ "bị đánh cắp". Điều này giải thích vì sao họ cứ bất chấp tất cả để tỏ thái độ gây hấn, theo đuổi cải cách thông qua biện pháp vi hiến và thậm chí phi dân chủ.

Năm 2013 đến hồi kết thúc. Điều quan trọng là phải nhớ những bài học đau đớn từ các đám mây mù, thảm họa Haiyan và các cuộc biểu tình liên quan đến bầu cử.

Nhưng chúng ta hãy cứ hy vọng. Năm 2014 sẽ là một năm hiền hòa hơn, thiên tai ít hơn, cả tự nhiên và nhân tạo.

Khả Anh