Đông Phi - nỗi sợ mang tên "người bạch tạng"
(Cadn.com.vn) - Tại nhiều quốc gia ở Đông Phi hiện đang xuất hiện dạng tội phạm mới, tội ác tàn sát người bị bệnh bạch tạng để lấy nội tạng dùng cho các nghi lễ mê tín - ma thuật.
Trẻ em - đối tượng bị săn đuổi
Chỉ trong vòng 6 tháng trở lại đây, có 15 người, chủ yếu là trẻ em bị bắt cóc, cưỡng hiếp và giết hại sau đó bị chặt lấy chân tay, hộp sọ để dùng cho các nghi lễ ma thuật ở Đông Phi.
Ông Lexen Kachama, Tổng thanh tra cảnh sát quốc gia cho biết, cách đây hơn 1 tháng, cảnh sát bắt quả tang một người đàn ông đang siết cổ một bé trai bạch tạng 16 tuổi. Tại Malawi, 6 tháng gần đây, có 6 người bạch tạng bị giết hại. Với thực trạng bức xúc như vậy, cảnh sát Malawi ra lệnh cho nhân viên sẵn sàng bắn bất cứ ai nếu có hành động tấn công, sát hại người bạch tạng. "Chúng ta không thể đứng nhìn những người bạch tạng bị giết như động vật, họ cũng là con người cần được pháp luật bảo vệ" - Tổng thanh tra Lexen nhấn mạnh.
Không chỉ có Malawi, tại Tanzania tình trạng sát hại người da đen bạch tạng cũng rơi vào tình trạng báo động. Cách đây 6 năm, Thủ tướng Tanzania Mizengo Pinda cảnh báo và yêu cầu mọi người cảnh giác trước dạng tội phạm nguy hiểm này, cho phép bắt giữ bất kỳ ai nếu mang theo chân tay hoặc các bộ phận nội tạng của người bạch tạng.
Một trong số những vụ sát hại trẻ bạch tạng thương tâm nhất là vụ giết bé trai 18 tháng tuổi Yohana Bahati ở huyện Chato, miền bắc Tanzania hồi đầu tháng 2 vừa qua. Thi thể nạn nhân được tìm thấy ở gần nhà nhưng không còn nguyên vẹn. Đây là vụ giết người lấy nội tạng thứ hai xảy ra chưa đầy 2 tháng tại khu vực này.
Theo các nguồn tin, các bộ phận chân tay của Yohana Bahati được bán trao tay cho một pháp sư với giá 75.000 USD.
Bé trai bạch tạng người Malawi đang được cha mẹ trông coi kỹ càng. |
Do cuồng tín, mê muội
Từ lâu, nhiều người dân có niềm tin mê muội rằng, những đứa trẻ sơ sinh có màu da trắng ở Châu Phi, nơi phần lớn là người da đen đã bị coi là nỗi bất hạnh, thậm chí còn bị sát hại ngay khi lọt lòng.
Sự mê tín này bắt nguồn từ chuyện hoang đường cho rằng, trẻ bạch tạng là kết quả của mối quan hệ không bình thường giữa phụ nữ da đen với ma quỷ nên nó ngấm sâu vào máu thịt nhiều người. Ngoài nỗi sợ bị săn đuổi, người bạch tạng còn phải hứng chịu bất hạnh do bệnh tật gây ra do thiếu sắc tố, mất khả năng tự bảo vệ cơ thể trước tia cực tím từ ánh nắng mặt trời nên dễ bị bỏng, ung thư da, mù lòa và nhiều hệ lụy sức khỏe khác.
Sự khác biệt kép này đẩy người bạch tạng Châu Phi đến bước đường cùng, bị coi là phù thủy, và gần đây người ta còn cường điệu hóa sức mạnh ma mị của một số bộ phận cơ thể của nhóm người này. Ví dụ tứ chi, hộp sọ, bộ phận sinh dục, mắt và lưỡi đều có thể trở thành bùa hộ mệnh, thậm chí còn có lời đồn, uống máu người bạch tạng sẽ có sức mạnh vô biên, sống lâu trăm tuổi, làm ăn phát đạt. Theo nữ phóng viên ABC, Mỹ, người chứng kiến cảnh chặt tay chị Mariam Stanford 28 tuổi, nạn "cướp tay" người bạch tạng không khác gì trong phim kinh dị, vừa tàn bạo, dã man lại trắng trợn.
Tình trạng suy thoái kinh tế, hệ thống giáo dục tồi tàn và tình trạng dân trí thấp, và cả những huyền thoại kinh dị chính là nguyên nhân dẫn đến làn sóng tội phạm săn đuổi người bạch tạng. Theo các huyền thoại này, người bạch tạng là ma quỷ, không biết đau, vì thế có thể cắt, chặt chân tay họ thoải mái. Lòng tin mù quáng này không chỉ hâm nóng thời sự vốn đã sôi lên ở Đông Phi nay lại càng nóng bỏng thêm, khiến nhu cầu tiêu thụ bùa hộ mệnh có nguồn gốc từ người bạch tạng tăng đột biến.
Kim Hùng
(Theo DM)