Báo Công An Đà Nẵng

Đột nhập lãnh địa voi rừng (2)

Thứ ba, 04/03/2014 12:52

* KỲ CUỐI: TÀI SẢN CỦA DÂN GẮN VỚI TÍNH MẠNG ĐÀN VOI

(Cadn.com.vn) - Người dân tác động vào rừng tự nhiên để mưu sinh dẫn đến việc môi trường sống của voi bị xâm hại. Và ngược lại, voi “ngược xuôi” tìm nơi ăn, chốn ở cũng khiến con người thất điên bát đảo. Sự tác động qua lại giữa “đôi bên” khiến cuộc sống của người dân lẫn voi gặp phải khó khăn về lương thực và tính mạng. Làm sao để dung hòa môi trường sống giữa người và voi đang là vấn đề cần được các ngành khẩn trương quan tâm.

Nói về đàn voi rừng hung dữ trên, già làng Hồ Văn Mười kể lại: “Vào một đêm giữa năm 2006, lúc đó mới 7 giờ tối, tôi đang ở nhà trên, còn vợ con đang xay gạo ở nhà dưới. Đàn voi nghe tiếng chó sủa đã về làng. Nhà tôi ở ngay đỉnh đồi nên chúng nó vào trước. Lúc đó nghe tiếng nó kêu, tôi bin đèn nhìn ra thấy hoảng hốt. Đàn voi 5 con to lừng lững đứng giữa sân. Một con đầu đàn tiến vào nhà dùng chiếc vòi quật ngã cây đòn tay. Nó quắp lấy cây đòn tay vụt về phía tôi, lúc đó tôi lao nhanh chui xuống gầm sàn nhà nên đoạn gỗ bay không trúng. Vợ con hoảng sợ nên chui hết xuống gầm sàng. Nó đập phá một lúc rồi đi về khu vực rẫy”.

“Thời điểm đó tôi đang làm nhà cho ông Mười, đàn voi về trong đêm ai cũng khiếp. Lúc đó tôi xuống bếp lấy cốc lên để uống rượu. Nghe mọi người nói voi về, tôi hoảng hốt vội cầm đèn pin soi ra thì khuất vườn lá chuối không thấy, soi tiếp sát đất thấy 4 chân con voi to như 4 cột nhà. Nó bắt đầu tiến vào nhà ông Mười dùng chiếc vòi đập phá các cây đang gác trên sườn nhà mới làm. Mọi người sau một lúc trấn tĩnh mới gọi nhau lấy chiêng trống đánh ầm ầm lên để xua đuổi voi. Tối hôm đó ai cũng sợ hãi, cả đêm không ngủ”, anh Nguyễn Văn Toan, người lâu năm gắn bó với khu vực này xác nhận câu chuyện của già làng.

Người dân Khe Dưng kể lại việc nhìn thấy con voi cao to phá nương rẫy.

Anh Toan nhà ở TT Trà My nhưng lên mưu sinh bằng nghề thợ mộc tại thôn 5, Trà Đốc từ năm 2005. Do vậy mọi chuyện ở đây anh đều nắm rõ. Khi chúng tôi thắc mắc đàn voi lúc trước có đến 5 con, nhưng sao bây giờ chỉ còn có 3 con? Anh Toan “bật mí” cho biết: “2 trong số 5 con đã chết. Một con chết do mắc bẫy dây cáp của người dân. Bẫy xiết vào chân lâu ngày bị hoại tử dẫn đến chết voi. Xác con voi này chính năm 2009 tôi lên rừng kéo gỗ phát hiện tại khu vực giáp ranh giữa Phước Gia với Trà Đốc. Lúc phát hiện trong chân con voi vẫn còn sợ dây cáp. Con thứ hai về phá rẫy bị người dân Sông Trà bắn chết”.

Do gắn bó lâu năm với người dân nơi đây nên anh Toan hiểu rõ sự khó khăn, khổ cực của người dân khi liên tục bị voi về phá nương rẫy. “Từ năm 2006 đến nay, voi liên tục về làng. Lương thực làm ra không đủ ăn do voi tàn phá. Thế nhưng các ngành chức năng chưa có biện pháp quan tâm, hỗ trợ người dân. Việc UBND xã Trà Đốc hỗ trợ cho mỗi hộ dân 50kg gạo đó là vấn đề trước mắt. Còn về lâu dài, huyện, tỉnh cần quan tâm, hỗ trợ kịp thời”, anh Toan bày tỏ.

Anh Nguyễn Văn Toan (bìa phải) kể chuyện gặp voi.

Theo tìm hiểu của P.V, ngoài khu vực thôn 5, xã Trà Đốc, đàn voi hay di chuyển về hướng suối Na Cau (thuộc xã Tiên Lãnh, H. Tiên Phước) và về khu vực rừng già giáp ranh giữa xã Trà Đốc với hai xã Phước Gia, Phước Trà (thuộc H. Hiệp Đức). Tuy nhiên diện tích rừng khu vực này đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi người dân phát nương làm rẫy và phá rừng trồng cao su, nên việc voi lại di chuyển là điều có thể dự báo.

Hạt Kiểm lâm H. Bắc Trà My thống kê, diện tích rừng tự nhiên tại khu vực giáp ranh trên chỉ còn chưa đến 300ha. Việc người dân xâm hại đến diện tích rừng nói chung và nơi cư trú của đàn voi nói riêng là có thật. Nhiều lần được lực lượng kiểm lâm lập biên bản xử lý. Mới đây đã phát hiện, lập biên bản xử lý 4 vụ xâm hại rừng khu vực thôn 5, Trà Đốc. Trong đó có 3 vụ người ngoài địa phương đến phá rừng trồng keo, làm rẫy...

“Trước sự việc trên, Hạt Kiểm lâm đã tham mưu, kết hợp với xã thường xuyên tuyên truyền cho người dân không được phá rừng lấy đất canh tác tại khu vực trên. Đồng thời lên phương án, xây dựng kế hoạch để bảo vệ người dân cũng như đàn voi không bị xâm hại”, ông Nhàn- Kiểm lâm phụ trách địa bàn khu vực Trà Đốc cho biết thêm. Bên cạnh đó, Hạt kiểm lâm Bắc Trà My cũng xác nhận đàn voi trên lúc trước có 5 con, nhưng hiện tại theo phản ánh của người dân chỉ còn 3 con.

Hiện trường voi rừng bị sát hại ở Quảng Nam năm 2010.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, Quảng Nam có đến gần 10 con voi rừng bị sát hại. Trong đó tại khu vực giáp ranh Bắc Trà My- Tiên Phước có đến 5 con. Vì môi trường sinh sống bị xâm lấn, cuối năm 2005 một voi con đã lạc xuống tận TT Bắc Trà My và bị người dân xua đuổi. Cuối cùng con này không tìm được bầy, do đuối sức nên đã chết ở bìa rừng. Nhân viên kiểm lâm sau đó phát hiện, tiến hành hỏa thiêu. Thống kê của Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 2 đàn voi số lượng không quá 20 con, đó là đàn sống ở địa phận giáp ranh các huyện Bắc Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước như đã nói ở trên và một đàn ở khu vực giáp ranh Nông Sơn, Nam Giang, Phước Sơn.

Trước thực trạng trên, làm thế nào để dung hòa môi trường sống giữa người và voi, cũng như có những sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại cần được các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam khẩn trương quan tâm, giải quyết.

Trần Tân