Báo Công An Đà Nẵng

Đột phá từ "5 xây", "3 chống"... (Bài cuối: Chống các biểu hiện quan liêu, tiêu cực)

Thứ hai, 02/10/2017 12:10

Khi đến giải quyết hồ sơ, thủ tục tại cơ quan công quyền, các địa phương thường không cấm nhưng cũng chưa có nơi nào "cổ súy" người dân, công dân mang theo máy ghi hình, ghi âm, điện thoại di động... để ghi lại thông tin, hình ảnh về tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ của CBCCVC. Thế nhưng tại quận Liên Chiểu, "động thái" này lại được UBND quận khuyến khích, ủng hộ. Vì sao lại có chuyện... tự làm khó mình như thế?

Năm 2014, là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chỉ thị 29 của Thành ủy, UBND quận Liên Chiểu đã dẫn đầu khối quận, huyện về công tác cải cách hành chính, văn thư lưu trữ (trong ảnh: Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến trao Bằng khen cho Q. Liên Chiểu năm 2014).

"Bằng các phương tiện như: máy ghi hình, ghi âm, điện thoại di động...khi giao tiếp, giải quyết hồ sơ, công việc, ông - bà hãy cung cấp cho chúng tôi những thông tin, hình ảnh về tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của CBCCVC UBND quận Liên Chiểu trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, nhất là trong việc thực hiện "5 xây" là xây dựng đội ngũ CBCCVC trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu và "3 chống" là chống các biểu hiện quan liêu, tiêu cực, bệnh hình thức. Thông tin, hình ảnh mà quý ông, bà cung cấp cho chúng tôi sẽ được xem xét, kiểm chứng, xử lý theo thẩm quyền phân cấp quản lý CBCCVC và công khai theo quy định. Việc làm của quý ông, bà sẽ là hành động thiết thực góp phần xây dựng đội ngũ CBCCVC có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển của quận Liên Chiểu và thành phố Đà Nẵng.

Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm cung cấp thông tin, hình ảnh và ý kiến đóng góp của quý ông, bà"...

Trên đây là nội dung khuyến cáo được "treo" trong mục "Phản ánh 5 xây, 3 chống" của trang thông tin điện tử quận Liên Chiểu thời gian qua, đi kèm với nội dung trên nội dung khuyến cáo nêu trên là địa chỉ tiếp nhận phản ánh của công dân. Có thể thấy rằng, nếu lướt qua thì nội dung khuyến cáo nêu trên sẽ là "phép lợi thế" dành cho tổ chức, công dân khi đến giải quyết công việc, hồ sơ tại cơ quan nhà nước; nhưng ngẫm kỹ thì thấy nó lại tác động trực tiếp đến ý thức, trách nhiệm với công việc của đội ngũ CBCCVC khi thực thi công vụ.

"Khi giải quyết công việc, ngoài sự quan sát, theo dõi của lãnh đạo, cán bộ đồng nghiệp, thì luôn có cảm giác xung quanh mình đang có hàng trăm cặp mắt soi xét, ghi lại mọi hành động, cử chỉ, như vậy thử hỏi có ai dám tỏ thái độ hách dịch, cửa quyền hay thiếu trách nhiệm được không", một cán bộ tại bộ phận một cửa UBND Q. Liên Chiểu tâm sự. Nói là thế, nhưng theo cán bộ này, bản thân anh cũng như hầu hết CBCCVC không thấy khó chịu khi luôn có cảm giác bị soi xét, theo dõi, mà thực ra "nếu mình tận tâm với công việc, làm hết việc chứ không hết giờ, đem lại sự hài lòng cho người dân thì máy móc, phương tiện ghi hình, ghi âm cũng chỉ là vật trang trí mà thôi", anh cười nói.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Phòng Nội vụ Q. Liên Chiểu, mặc dù khuyến cáo này được treo trong thời gian khá dài, nhưng đến nay nó vẫn ở trong tình trạng "treo", tức là chưa nhận được bất cứ thông tin, hình ảnh phản ánh về tinh thần, thái độ không đúng mực trong công việc của CBCCVC UBND quận. Nói về quá trình thực hiện "5 xây", "3 chống" trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận Đàm Quang Hưng cho rằng, năm 2014 là năm đầu tiên triển khai thực hiện nội dung Chỉ thị, vì thế một số cơ quan, đơn vị và UBND các phường còn lúng túng, nội dung đăng ký thực hiện nhiệm vụ của nhiều cá nhân và một số tập thể thường giống nhau, chung chung, không định lượng được kết quả thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề này đã được khắc phục, thay đổi theo chiều hướng tích cực, đặc biệt đã được cụ thể hóa thành những hành động thiết thực và có thể đo lường được thời gian ngắn sau đó.

"Hàng năm, trên cơ sở kế hoạch đề ra, UBND quận tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất về công tác CCHC, cũng như việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính tại 100% cơ quan, đơn vị thuộc quận. Qua công tác kiểm tra đã phát hiện một số các sai phạm trong công tác giải quyết thủ tục hồ sơ cho tổ chức, công dân. Một số cơ quan, đơn vị vẫn còn hồ sơ trễ hẹn trên thực tế; tình trạng CBCCVC tại một số cơ quan, đơn vị, bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả tại quận, phường ra về khi chưa hết thời gian quy định vẫn còn xảy ra", ông Hưng nêu thực tế. Đồng thời cho biết, đối với các cá nhân và tập thể có hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, UBND quận phê bình, nhắc nhở, đồng thời yêu cầu làm bản kiểm điểm, nghiêm túc chấn chỉnh và không để lặp lại sai phạm.

 UBND Q. Liên Chiểu khuyến khích người dân khi đến làm thủ tục, hồ sơ nên mang theo máy ảnh, ghi âm để ghi lại thái độ, trách nhiệm của CBCCVC quận.

Kèm với giải pháp, Chủ tịch UBND quận Đàm Quang Hưng dẫn con số cụ thể để chứng minh. Theo đó, kết quả đánh giá tỷ lệ bình quân mức độ thực hiện cam kết nội dung "5 xây", "3 chống" của CBCCVC và người lao động quận qua 3 năm (2014-2016) cho thấy, tỷ lệ bình quân CBCCVC tại quận đạt mức độ tốt đối với các tiêu chí có sự chuyển biến tích cực qua từng năm. Các tiêu chí "5 xây, "3 chống" năm 2016 có tỷ lệ bình quân cao hơn so với các năm trước đó, hầu hết ở mức tốt trên 90%. Đặc biệt, 100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của quận đều đúng và sớm hẹn. "Như vậy cho thấy, mức độ nhận thức của CBCCVC và người lao động ngày càng được nâng cao trong việc thực hiện nội dung 5 xây, 3 chống", ông Hưng khẳng định.

Cũng theo ông Hưng, thời gian qua, UBND quận luôn khuyến khích các cơ quan, đơn vị thực hiện các mô hình hay, cách làm hiệu quả để tạo sự thuận lợi, đồng thời tạo sự thân thiện, gần gũi với tổ chức, công dân khi thực hiện các giao dịch hành chính tại đơn vị. Qua đó, các mô hình hay tại UBND các phường đều được lãnh đạo quận triển khai nhân rộng cho UBND các phường còn lại trên địa bàn. Điển hình như mô hình "Móc khóa an ninh", "Cấp giấy tạm trú tại nhà cho học sinh, sinh viên, công nhân tại các khu nhà trọ", "UBND phường phối hợp với Ban Nghĩa trang thành phố thực hiện lồng ghép cấp giấy chứng tử và đơn xin cải táng để rút ngắn thời gian cho hộ gia đình xin được an táng tại nghĩa trang thành phố"; "Ban hành giấy xác nhận thay đổi địa chỉ tổ dân phố và gửi cho người dân để tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính"...

Có thể còn nhiều việc phải làm, cần có nhiều chuyển biến tích cực hơn nữa, nhưng thực sự, sự ra đời và đi vào cuộc sống của Chỉ thị 29 đã tác động lớn đến nhận thức, tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ CBCCVC Q. Liên Chiểu nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung. Nói như Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Trần Đình Hồng, việc xác định những nội dung, lĩnh vực phức tạp, bức xúc, nổi cộm của các cơ quan, đơn vị và đề ra các giải pháp thực hiện đã góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập còn tồn tại, cải thiện hiệu quả trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, qua đó phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. "Phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn", đây cũng là mục tiêu cuối cùng mà Chỉ thị 29 hướng tới.

DOÃN HÙNG