Báo Công An Đà Nẵng

Đốt thực bì, "thiêu" luôn rừng thông

Thứ ba, 19/03/2019 14:00

Tiến hành đốt điều khiển để giảm thiểu nguy cơ cháy rừng nhưng dẫn đến cháy cả trăm nghìn mét vuông rừng thông phòng hộ, sản xuất... là sự việc hy hữu đã xảy ra tại lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Đăk Đoa (H. Đăk Đoa, Gia Lai). Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng sự việc mới được báo cáo đến các cấp có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý.

Nhiều diện tích rừng thông bị cháy đen từ gốc đến ngọn không có khả năng phục hồi.

Sau khi nắm được thông tin vụ việc, ngày 16-3, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai phối hợp với Hạt Kiểm lâm H. Đăk Đoa, UBND xã Hà Đông và BQL RPH Đăk Đoa tiến hành kiểm tra, xác minh tại hiện trường. Từ trung tâm xã Hà Đông (H. Đăk Đoa), chúng tôi vượt hơn 10km đường rừng để đến Tiểu khu 407 thuộc lâm phần BQL RPH Đăk Đoa, nơi xảy ra vụ cháy rừng. Dù đã hơn 3 tháng qua kể từ khi bị cháy đến khi các cơ quan chức năng nắm được thông tin nhưng nhìn từ xa, trên sườn đồi đã hiện ra cả những vệt xám loang lổ của khu vực rừng thông bị ngọn lửa đốt cháy. Tiếp tục ngược sườn đồi, cả một khu vực rộng hàng trăm nghìn mét vuông vẫn nham nhở đầy muội than, những thân cây thông bị cháy sém từ gốc đến tận ngọn. Phía dưới tán thông, những loại cây mọc xen bên dưới đã bị ngọn lửa thiêu rụi hoàn toàn.

Ông Nguyễn Hồng Quân- Phó trưởng Ban phụ trách BQL RPH Đăk Đoa cho biết: diện tích rừng này bị cháy vào thời điểm đầu tháng 12-2018 khi đơn vị thực hiện đốt trước có điều khiển tại các lô rừng trồng thông tại tiểu khu trên. Mặc dù trong quá trình thực hiện có giám sát của cán bộ phụ trách địa bàn và tổ đội nhận giao khoán rừng nhưng khi thực hiện do gió đổi hướng khiến ngọn lửa bùng cháy mạnh. Lực lượng giám sát không đủ khả năng để khống chế ngọn lửa và lửa đã cháy lớn và cháy lan qua một số khu vực khác. "Qua quá trình triển khai thì đơn vị cũng thấy là cán bộ giám sát  chưa được kỹ và thời điểm hướng dẫn người dân thì chưa được chặt chẽ. Đơn vị sẽ rút kinh nghiệm để thời gian tới làm chặt chẽ hơn!", ông Quân thừa nhận. Lý giải về việc chậm báo cáo cơ quan chức năng có liên quan, ông Quân cho hay: "Từ khi thực hiện công tác đốt trước có điều khiển Ban cũng đã theo dõi và kiểm tra thì xác định phần trên ngọn cây thông vẫn còn xanh nên không báo cáo cấp trên vì cây thông có khả năng phục hồi và sống được".

Với cách "nhìn" trên, mãi hơn 3 tháng đến ngày 15-3, các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Gia Lai mới nhận được thông tin về vụ việc cháy rừng và tổ chức kiểm tra. Qua đó, xác định có hơn 105.000 m2 rừng thông sản xuất và rừng phòng hộ được trồng năm 2003, 2004 và 2010 bị cháy, thuộc 2 Tiểu khu là 407 và 412 thuộc địa giới hành chính xã Hà Đông. Trong đó, hơn 104.000m2 rừng thông được xác định là cháy lướt dưới tán có khả năng phục hồi, còn hơn 1.000m2 được xác định cháy không có khả năng phục hồi. Chưa kể, trong quá trình kiểm tra tại lô 8, khoảnh 2, Tiểu khu 412, đoàn kiểm tra phát hiện có 1 đám rẫy trồng một số cây bời lời của  một hộ dân bị lửa cháy từ rừng thông lan sang làm chết 88 cây.

Trực tiếp kiểm tra tại khu vực rừng thông bị cháy, ông Trương Văn Nam- Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai nhận định: "BQL RPH Đăk Đoa đã xử lý thực bì đốt trước nhưng xử lý không đúng thời điểm. Theo quy trình là đốt từ khoảng 6-9 giờ hoặc từ 17 giờ trở đi, nhưng ở đây người thi công đường ranh cản lửa đã đốt sớm hơn hoặc muộn hơn nên gió đổi hướng khiến ngọn lửa bùng lên mới táp lên cây như thế này. Sau khi kiểm tra, chúng tôi yêu cầu chủ rừng phải bố trí lực lượng tuần tra canh gác 24/24 giờ trong ngày đảm bảo phát hiện kịp thời khi nguồn lửa phát sinh và huy động lực lượng dập tắt ngay không để xảy ra cháy lớn". Đối với diện tích hơn 1.000m2 rừng thông được xác định bị cháy không có khả năng phục hồi, đoàn kiểm tra đã đề nghị Hạt Kiểm lâm H. Đăk Đoa tiến hành lập biên bản và xử lý theo quy định. Đồng thời, đơn vị chủ rừng phải trồng lại diện tích bị cháy trên. "Bên cạnh đó, đối với một số diện tích nương rẫy của người dân bị cháy lan qua, đề nghị chủ rừng phải tính toán lại diện tích, thiệt hại để bồi thường, hỗ trợ cho người dân", ông Nam cho biết thêm.

Tây Nguyên đang vào cao điểm mùa khô cũng như khu vực này nằm trên đồi cao, gió mạnh, thực bì dễ cháy nên việc thực hiện công tác phòng chống cháy rừng là cấp thiết. Tuy nhiên, việc xử lý chưa được nghiêm ngặt và thiếu khoa học đã dẫn đến sự việc cháy rừng hy hữu trên. Điều đó cho thấy, các đơn vị chủ rừng cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại và chấn chỉnh công tác này, tránh để xảy ra những vụ việc tương tự.

MINH TÂN