Báo Công An Đà Nẵng

“Dreamer” bị xóa sổ, Mỹ rối bời

Thứ năm, 07/09/2017 08:02

Biểu tình đã bùng nổ khắp nước Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump hủy bỏ chương trình Tạm hoãn trục xuất trẻ em nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ (DACA). Trong khi đó, chính phủ Mexico ra thông báo lấy làm tiếc về quyết định này và tỏ rõ lo ngại sâu sắc bởi sự bất ổn mà hàng ngàn trẻ em Mexico phải đối mặt. 

Biểu tình phản đối Tổng thống Donald Trump ra quyết định hủy bỏ DACA. Ảnh: MSN

Sau nhiều lần nâng lên đặt xuống và bất chấp những lời kêu gọi của các nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, Tổng thống Donald Trump cuối cùng vẫn quyết định dừng chính sách từ thời người tiền nhiệm Barack Obama, vốn bảo vệ cho gần 800.000 di dân được cha mẹ đưa vào Mỹ bất hợp pháp, thường được gọi là thế hệ “Dreamer”. 

Ông Trump cho Quốc hội Mỹ có 6 tháng để hành động nếu muốn tiếp tục cho phép các đối tượng nhập cư này ở lại Mỹ. Tổng chưởng lý nhiều bang ở Mỹ tuyên bố sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý để bảo vệ DACA. 

Ảnh hưởng 800.000 người

Chỉ với tuyên bố ngắn ngủi “Chương trình DACA đã bị hủy”, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đánh dấu kết thúc sắc lệnh hành chính của cựu Tổng thống Barack Obama, vốn được áp dụng trong 5 năm qua.

Năm 2012, Tổng thống Obama thông qua chương trình DACA nhằm bảo vệ gần 800.000 người trẻ nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Chương trình này cho phép những người nhập cư dưới 31 tuổi, đến Mỹ từ khi còn là trẻ con, có thể nộp đơn xin hoãn trục xuất. Điều này có nghĩa là chính phủ sẽ không trục xuất họ trong 2 năm và cho họ cơ hội làm việc hợp pháp ở Mỹ. Những người này có thể tái nộp đơn xin DACA nếu họ vẫn đáp ứng yêu cầu và giới chức Mỹ sẽ quyết định từng trường hợp có thể ở lại hay không.

Nhưng từ khi quyết định tranh cử cho đến khi nhậm chức, ông Trump đưa việc trục xuất người nhập cư trái phép làm trọng tâm trong kế hoạch làm việc. Tuy nhiên, việc này vấp phải làn sóng phản đối gay gắt. Các lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng người nhập cư góp phần quan trọng vào nền kinh tế và chấm dứt chương trình này sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. 

Những phản ứng gay gắt

Kể từ khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1, Quốc hội đã không thể thông qua bất kỳ đạo luật lớn nào, đặc biệt là thất bại trong việc cải tổ đạo luật chăm sóc y tế Obamacare. Quốc hội cũng chia rẽ cay đắng về vấn đề người nhập cư. Và quyết định của ông Trump làm bùng nổ gay gắt những tranh cãi về vấn đề này.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố quyết định của chính quyền ông Trump là “tàn nhẫn” và “sai trái”. “Đây là quyết định mang tính chính trị và là câu hỏi về mặt đạo đức”, ông Obama nhấn mạnh. Trong khi đó, theo bà Nancy Pelosi, người đứng đầu của đảng Dân chủ tại Hạ viện, “quyết định của Tổng thống Trump là hành động chính trị hèn nhát và là cuộc tấn công đáng hổ thẹn nhằm vào những người trẻ vô tội ở các cộng đồng trên khắp nước Mỹ”. Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc của đảng Dân chủ Tom Perez cũng cho rằng, việc chấm dứt DACA là hành động đáng hổ thẹn về mặt đạo đức. Theo ông, Mỹ là quốc gia duy nhất mà thế hệ “Dreamer” này gọi là quê cha đất tổ và họ “không đáng bị đẩy lùi vào bóng tối”.

Làn sóng biểu tình phản đối quyết định của ông Trump bùng nổ khắp nước Mỹ và ở Mexico. Chính phủ Mexico cũng đã ra thông báo lấy làm tiếc về quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và tỏ rõ lo ngại sâu sắc bởi sự bất ổn mà hàng ngàn trẻ em Mexico phải đối mặt. Bộ Ngoại giao Mexico tuyên bố sẽ hành động để Quốc hội Mỹ đưa ra một giải pháp nhanh chóng về vấn đề này.

Chương trình DACA, ngoài bảo vệ những người theo gia đình nhập cảnh vào Mỹ từ thời niên thiếu khỏi bị trục xuất, còn cho phép họ được học tập và làm việc, cũng như phục vụ trong quân đội Mỹ. Hầu hết những người nhập cư đến Mỹ từ khi còn là trẻ nhỏ đến từ Mexico và các quốc gia Mỹ Latinh khác.

KHẢ ANH