Dư âm Ngày sách Việt Nam
(Cadn.com.vn) - Ngày Sách Việt Nam 21-4 hàng năm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã diễn ra lần đầu tiên trong cả nước trong đó có thành phố Đà Nẵng gần một tháng qua. Ngày Sách Việt Nam năm nay như là sự khởi đầu và cũng có thể hiểu là sự tiếp nối cho một phong cách sống văn hóa của người Đà Nẵng.
Có người nghĩ bụng: Chuyện đọc sách là của mấy người rảnh rỗi, của mấy ông nhà văn nhà thơ chớ còn mình quanh năm đầu tắt mặt tối, chạy ăn chẳng đủ, lấy đâu thời gian đọc sách. Nói vậy nhưng trên thực tế, không ít lần chúng ta phải tiếp xúc với sách. Đọc sách để biết cách làm ăn có hiệu quả hơn. Đọc sách cùng với con cái để giúp chúng học bài đạt điểm cao. Đơn giản thì đọc sách để giải trí, nhưng từ đó, qua những nhân vật trong sách, người đọc có điều kiện đi vào những ngõ ngách cuộc đời, hiểu thêm những tâm trạng, đồng cảm với những số phận, giúp mình vượt qua những sóng gió của cuộc đời. Thực ra việc đọc sách, đọc báo vẫn tồn tại trong đời sống người dân, kể cả ở nông thôn, nhất là các đô thị.
Tuy nhiên, để trở thành mối quan tâm của các cấp quản lý, lãnh đạo, để xây dựng một thói quen, một nhu cầu, một nếp sinh hoạt thường xuyên, cần luôn hâm nóng, luôn nuôi dưỡng, kèm theo sự hướng dẫn, gợi ý chủ đề, định hướng nội dung. Tất nhiên chúng ta rất tôn trọng sở thích riêng tư của mỗi cá nhân khi chọn sách đọc, nhưng đồng thời, cũng cần có những hoạt động tuyên truyền trong các tổ dân phố, khu dân cư về những sách, báo, tạp chí cần tham khảo nhân các sự kiện lớn, như kỷ niệm ngày thành lập Đảng, kỷ niệm ngày giải phóng Đà Nẵng, ngày toàn thắng 30-4, Chiến thắng Điện Biên Phủ, kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày Quốc khánh...
Chẳng hạn ngay trong những ngày này, khi dư luận trong nước và quốc tế đang phẫn nộ về việc Trung Quốc ngang nhiên bất chấp luật pháp quốc tế và chủ quyền của đất nước ta, đưa giàn khoan HD-981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc hoạt động nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; thì đây chính là thời điểm chúng ta nên hướng bà con đọc những sách có liên quan đến chủ quyền dân tộc, nhất là những sách về lịch sử dân tộc, về những anh hùng giữ nước, về những tấm gương của chiến sĩ ta đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biên giới đất liền, trên biển đảo...
Chúng ta cần những ngày hội sách chung tại những nơi công cộng, nhưng cần hơn là mỗi người cần tạo ra thói quen đọc sách thường xuyên của riêng mình, hoặc của mỗi gia đình. Bên cạnh đó, cùng với các thư viện trường học, bưu điện xã, tại mỗi khu vực dân cư, tại các thị trấn, thị tứ, các khu phố, cần xây mới hoặc củng cố, nâng cấp hệ thống phòng đọc để giúp bà con tiếp cận với sách thường xuyên hơn. Khi hạ tầng đọc sách đã được củng cố, sẽ đến lúc có thể chúng ta đưa vào chỉ tiêu thi đua danh hiệu Gia đình văn hóa thêm một nội dung là mỗi thành viên trưởng thành trong các gia đình mỗi năm đảm bảo ít nhất đọc 1 tác phẩm văn học. Làm được như vậy, thật là sang trọng cho phong cách sống văn hóa của mỗi người.
Nại Hiên