Báo Công An Đà Nẵng

Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn chậm tiến độ vì khan hiếm đất san lấp

Thứ năm, 08/07/2021 10:54

Đang vào giai đoạn tăng tốc thì dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua Quảng Trị và Thừa Thiên Huế thiếu nguồn đất san lấp, giá san lấp tăng mạnh so với dự toán khiến tiến độ của công trình này bị chậm ở một số gói thầu.

Một số khu vực của dự án hiện đang thiếu đất san lấp mặt bằng.

Ông Nguyễn Vũ Quý - Giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, chủ đầu tư dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn cho biết, tại một số gói thầu, các nhà thầu thi công công trình đang trong tình trạng thiếu nguồn đất san lấp. Cùng với đó, giá đất san lấp tăng mạnh hơn nhiều so với dự toán khiến việc thi công dự án gặp nhiều khó khăn, chậm tiến độ.

Cụ thể, hiện tiến độ thủ tục cấp giấy phép khai thác nhiều mỏ đất còn chậm, dẫn đến thiếu đất san lấp khiến các gói thầu số 5 và 6 chỉ mới đạt khoảng 30% do thiếu hụt 500.000m3 đất. Trước khó khăn này, chủ đầu tư đã kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên - môi trường xin cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công dự án. Theo ông Quý, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đề xuất chính quyền địa phương kiến nghị cho phép nâng công suất khai thác trong thời gian thăm dò nâng cấp mỏ, được bổ sung các mỏ không đấu giá quyền khai thác trong khu vực dự án, rút ngắn thời gian cấp phép khai thác đất đối với các mỏ mới, mở rộng diện tích khai thác các mỏ trong giai đoạn khai thác.

"Mỏ đất thì không thiếu, nhưng thủ tục cấp phép thì chậm hơn so với kế hoạch, chính vì vậy trong thời gian này khối lượng không đáp ứng kịp tiến độ. Vừa rồi Ban đã làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế để kiến nghị đẩy nhanh tháo gỡ các vướng mắc. Ngoài việc đôn đốc về khối lượng tại các mỏ cũ thì hiện chính quyền địa phương cũng bắt tay tháo gỡ thêm mấy vị trí khai thác đất mới để dự án tiếp cận và đang nhanh chóng triển khai. Khi các mỏ mới được cấp phép thì tiến độ sẽ được đẩy nhanh", ông Quý thông tin. Cùng với đó, chủ đầu tư cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế việc quản lý giá đất tại các mỏ, nhưng đến nay giá đất vật liệu vẫn rất cao khiến các nhà thầu thi công dự án đối mặt với rất nhiều khó khăn. Hiện tại giá đất vật liệu của các mỏ ở Thừa Thiên Huế bán ở mức khoảng 45.000 đồng/m3, còn giá đất san lấp chở đến tận công trình 55.000 đồng/m3.

Bên cạnh việc thiếu đất san lấp, dự án hiện có gói thầu XL03 chậm tiến đội.  Gói thầu với tổng chiều dài hơn 11km có tiến độ 21 tháng (từ tháng 4-2020 đến tháng 1-2022) được đánh giá là phức tạp, trong đó có vị trí tại địa phận Mỹ Chánh (H. Hải Lăng) phải đào bốc hơn 300.000 khối đất đá. Nguyên nhân là đợt mưa bão cuối năm 2020 làm sụt trượt ta luy dương, trôi cầu tạm, đường công vụ và phát sinh nước ngầm nên phải mất thời gian xử lý kỹ thuật. Hiện tại đơn vị tư vấn đã tiến hành khoan khảo sát thiết kế và trình Bộ GTVT duyệt phương án xử lý để bắt tay khắc phục đẩy nhanh tiến độ bù lại khối lượng chậm trễ.

Về tiến độ tổng quan, chủ đầu tư dự án cho biết, cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện đã hoàn thành được khoảng hơn 60% khối lượng công việc. Trừ một số vị trí vướng mắc về mặt bằng, phát sinh xử lý nền đất yếu thì các hạng mục cơ bản sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021.

Theo chủ đầu tư, hiện cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã hoàn thành hơn 60% khối lượng công việc, nhiều hạng mục sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021.

Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn có chiều dài khoảng 98km với tổng mức đầu tư theo dự toán là 7.669 tỷ đồng, đi qua địa bàn 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh làm đại diện chủ đầu tư. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công vào tháng 9-2019. Với tổng cộng 11 gói thầu, từ khi phát lệnh khởi công đến nay, cơ bản tất cả các gói đang đồng loạt thi công. Theo phê duyệt, giai đoạn đầu Dự án có mặt cắt ngang với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền 12m. Riêng các đoạn nền đường đào sâu có quy mô 2 làn xe, bề rộng nền 23m; các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền 23m. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe. Để thực hiện dự án, đơn vị đại diện chủ đầu tư và chính quyền tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã thành lập 9 khu tái định cư, di dời 191 hộ dân nằm trên tuyến.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn sau khi khớp nối với đoạn La Sơn - Túy Loan đóng vai trò rất quan trọng trong bước đột phá, khơi dậy tiềm năng kinh tế chưa được khai thác ở vùng đất phía Tây và tạo điều kiện lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng.

Bảo Nam