Báo Công An Đà Nẵng

Dự án cầu Rồng: Biểu tượng mới của Đà Nẵng trong tương lai

Thứ năm, 16/07/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Ngày 19-7-2009: Tại TP Đà Nẵng sẽ diễn ra 2 sự kiện đáng nhớ đó là khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Thuận Phước nằm ở cửa sông Hàn là cầu treo dây võng lớn nhất nước và chính thức khởi công xây dựng công trình cầu Rồng cũng bắc qua sông tại vị trí gần Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Đà Nẵng. Đây là cây cầu thứ 9 bắc qua dòng Hàn giang thơ mộng và xinh đẹp chạy giữa lòng TP, đặc biệt hơn, cầu Rồng sẽ là biểu tượng mới của Đà Nẵng trong tương lai.

y cầu của ý Đảng, lòng dân

Ngày 16-10-2003, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/T.Ư về việc xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước. Trong đó, Bộ Chính trị đã định hướng: “Xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm KT-XH lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; là TP cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính -viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về QP-AN của khu vực miền Trung và cả nước”.

 Phối cảnh kiến trúc công trình cầu Rồng.

Trên cơ sở định hướng của Bộ Chính trị, lãnh đạo TP Đà Nẵng đề ra chính sách phát triển giao thông vận tải của TP là phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông vận tải theo hướng hiện đại, an toàn, nhanh chóng, thuận lợi và chi phí vận tải hợp lý. Đặc biệt là tiếp tục nghiên cứu quy hoạch, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống các công trình cầu bắc qua sông Hàn theo hướng đáp ứng nhu cầu phát triển của TP, có tính hiện đại, có giá trị thẩm mỹ cao làm điểm nhấn kiến trúc cho TP bên bờ sông Hàn thơ mộng và xinh đẹp. Vì vậy, việc triển khai xây dựng cầu Rồng bắc qua sông Hàn chính là góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 33-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị và chủ trương của lãnh đạo TP.

Ngoài ý nghĩa lớn nói trên, theo ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải TP Đà Nẵng: Sau khi hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng, cầu Rồng sẽ khơi thông trục giao thông chính Nguyễn Văn Linh từ trung tâm TP theo hướng đông - tây nối từ Sân bay Quốc tế Đà Nẵng đến với các khu du lịch biển đã và đang phát triển ở phía đông TP; góp phần làm giảm đáng kể lưu lượng giao thông qua cầu Sông Hàn đang có dấu hiệu quá tải; đồng thời góp phần khai thác tiềm năng kinh tế du lịch dịch vụ của TP và các tỉnh lân cận thông qua việc kết nối với hệ thống đường du lịch ven biển. Đặc biệt, với kiến trúc độc đáo, cầu Rồng sẽ góp phần tôn thêm vẻ đẹp của TP bên bờ sông Hàn. Song điều quan trọng hơn cả là dự án cầu Rồng và đường Nguyễn Văn Linh nối dài tiếp tục nhận được sự đồng thuận của nhân dân TP nói chung, nhân dân trong vùng dự án nói riêng.

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng thì có đến hơn 1.430 hộ dân, phần lớn ở khu vực trung tâm TP phải giải tỏa hẳn để có mặt bằng xây dựng đường Nguyễn Văn Linh nối dài và cầu Rồng qua sông Hàn. Ai cũng biết, việc đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng ở khu vực trung tâm TP, nhất là ở các đô thị lớn rất phức tạp, khó khăn và kéo dài. Tuy nhiên, đến nay đã có hơn 50% hộ dân thuộc diện giải tỏa của dự án này đã bàn giao mặt bằng. Anh Nguyễn Phan Xuân Hoàng, nhà ở tổ 31, P. Bình Hiên, Q. Hải Châu là hộ thuộc diện giải tỏa Dự án đường Nguyễn Văn Linh nối dài và cầu Rồng cho biết: “Ai mà không luyến tiếc khi phải rời xa nơi mình đang ở, lại ở khu vực trung tâm TP để đến một nơi ở mới xa hơn nhiều. Nhưng do Dự án đường Nguyễn Văn Linh nối dài và cầu Rồng là các dự án trọng điểm của TP, có nhiều ý nghĩa, mục tiêu to lớn nên mình phải biết hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung của TP”.

 Phối cảnh kiến trúc công trình cầu Rồng.

ng trình với tầm vóc mới

Theo Quyết định số 10502/QĐ-UBND ngày 17-12-2008 của UBNDTP Đà Nẵng về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cầu Rồng thì cây cầu này được xây dựng với quy mô xây dựng vĩnh cửu; tải trọng thiết kế và các tác động tuân thủ Tiêu chuẩn thiết kế cầu 22TCN 272-05. Cầu Rồng có tổng chiều dài cầu: 666,54m, gồm có 5 nhịp chính và 3 nhịp dẫn; khổ rộng cầu, bao gồm: làn xe chạy: 6 x 3,75m + 4 x 0,5m = 24,5m, vỉa hè: 2 x 2,5m = 5m (chưa kể gờ lan can và trang trí), dải phân cách: 6m; khổ thông thuyền: theo phương đứng H = 7m, theo phương ngang B = 50m. Về kết cấu nhịp: phần nhịp chính có chiều dài là 592m với 2 nhịp hai đầu là hộp bê-tông cốt thép dự ứng lực, thi công bằng phương pháp đổ tại chỗ trên đà giáo; 3 nhịp giữa là dầm hộp thép liên tục được treo vào các vòm thép bên trên thông qua hệ thống cáp treo;  mặt cắt ngang là dầm bản rỗng bê-tông cốt thép ứng suất trước.

Về kết cấu mố trụ bằng bê-tông cốt thép đặt trên hệ móng cọc khoan nhồi đường kính lớn. Về kết cấu hạ bộ: phần móng sử dụng cọc khoan nhồi đường kính lớn được chống vào lớp địa chất ổn định với công nghệ thi công hiện đại; phần trụ cầu rỗng và sử dụng cốt thép dự ứng lực để tăng khả năng chịu tải và giảm trọng lượng bản thân của trụ cầu. Về kết cấu thượng bộ: nổi bật với kết cầu vòm chịu lực liên kết với hệ dầm hộp bằng kết cấu cáp dây treo. Đây là kết cấu vòm đặc biệt nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Vòm được tổ hợp bởi 5 ống thép có đường kính 1,2m với chiều dài mỗi đốt là 8m được lắp trên trục tim cầu. Việc chế tạo các ống vòm này sẽ phải thực hiện ở các nước có ngành công nghiệp thép phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc...

Công nghệ lắp dựng cũng chưa có công trình nào tương tự nên đòi hỏi phải có những tính toán cẩn thận và kỹ lưỡng. Về kết cấu lan can bộ hành được thiết kế thay đổi chiều rộng để tạo ra các đường cong uốn lượn mềm mại cho thân Rồng. Toàn bộ công trình được sơn 5 lớp để chống tác động ăn mòn bên ngoài và tạo màu sắc cho thân Rồng, cảnh quan và đài phun nước, cùng hệ thống chiếu sáng hiện đại sẽ góm phần tạo nên một hiệu ứng đẹp cho công trình cầu Rồng vào ban đêm. Tổng mức đầu tư xây dựng cầu Rồng là 1.498 tỷ đồng (tương đương 35 triệu USD) từ nguồn vốn đầu tư là vốn ngân sách Nhà nước với thời gian thực hiện từ năm 2009-2012.

Công trình cầu Rồng do Sở Giao thông-Vận tải làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án cầu Rồng điều hành dự án và Cty Louis Berger của Hoa Kỳ thiết kế. Đặc biệt, công trình cầu Rồng thể hiện tầm vóc mới của TP Đà Nẵng trong tương lai qua giải pháp kiến trúc mang hình dáng Rồng đang vươn mình ra biển Đông như là một biểu tượng mới của TP đang vươn mình phát triển mạnh mẽ, vững vàng hội nhập với thế giới. Hơn nữa, với nhiều thách thức trong công nghệ mới, việc thi công cây cầu này còn thể hiện khát vọng vươn tới đẳng cấp công nghệ cao của những người làm cầu đường TP Đà Nẵng.

Phạm Hoàng