Báo Công An Đà Nẵng

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi: Cần sự vào cuộc quyết liệt để có mặt bằng “sạch” (2)

Thứ ba, 16/06/2015 09:20

* Bài cuối: Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

(Cadn.com.vn) - Chính vì mặt bằng còn vướng nên dự án thi công đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi không đồng bộ, bị cắt khúc ở nhiều điểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công. Ngoài ra, tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) các khu tái định cư (TĐC) cho người dân còn chậm, việc bố trí TĐC còn nhiều bất cập khiến các hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng. Trước những vướng mắc trên, ngày 10-6 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã có cuộc họp với các đơn vị liên quan nhằm tìm cách tháo gỡ vướng mắc.

Tái định cư chậm chạp

Báo cáo với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo chính quyền các huyện Phú Ninh, Duy Xuyên, Núi Thành thừa nhận, tiến độ GPMB còn chậm do chưa xây dựng được các khu TĐC cho người dân cũng như các khu vực di dời mồ mả. Được biết, dự án đường cao tốc có 886 hộ thuộc diện TĐC, với 1.280 lô đất nhưng hiện mới bố trí được 700 lô. Trong số 19 khu TĐC để bố trí thì đến nay mới xây dựng được 11 khu TĐC. Một số nơi hoàn thiện, nhưng dân không muốn đến ở vì xa nơi sản xuất, không đảm bảo hạ tầng tối thiểu.

Tại xã Tam Mỹ Đông (Núi Thành), 19 hộ dân thôn Đa Phú 2 thuộc diện được Nhà nước bố trí TĐC đã có phương án bồi thường, hỗ trợ (BT-HT), hầu hết các hộ đã đăng ký nhận suất đầu tư hạ tầng, nhưng vẫn không rời xa chỗ ở cũ do địa phương chưa tìm ra địa điểm khai thác quỹ đất, bán lại cho dân.

Còn theo các hộ dân thuộc diện bố trí TĐC ở xã Tam Đại, Tam Thái (Phú Ninh), không phải người dân làm khó đơn vị thi công dây dưa bàn giao mặt bằng, mà cái chính nếu thuê nhà ở mới họ có chỗ sinh hoạt, nhưng trâu bò, heo gà chẳng biết thuê ở đâu. “Chính sách đã quy định rõ, Nhà nước bắt buộc lo bố trí TĐC trước khi giải tỏa nhà cửa, đằng này dự án đường cao tốc làm theo quy trình ngược lại: TĐC đến sau khi GPMB đã gây xáo trộn sinh hoạt, sản xuất cho chúng tôi” – một người dân thôn 5, xã Tam Thái phân trần.

Chủ đầu tư dự án VEC cho biết, hiện Phú Ninh còn 137 lô chưa bố trí đất TĐC do đang đầu tư kết cấu hạ tầng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít địa phương còn nặng tâm lý ưu tiên xây dựng khu TĐC tập trung, trong khi lại không mấy lưu tâm đến chính sách khuyến khích người dân vùng dự án nhận suất đầu tư hạ tầng để tự lo đi tìm nơi ở mới theo nguyện vọng của bản thân và phù hợp với quy hoạch nông thôn mới. Thực tế một số nơi ở Núi Thành, Điện Bàn dù có đất TĐC, nhưng người dân vẫn không mặn mà đăng ký vào xây nhà ở, trong khi họ mong muốn nhận suất đầu tư hạ tầng hơn. Điều này xảy ra nghịch lý nơi thừa, chỗ thiếu đất TĐC.

Nếu có mặt bằng sạch, đơn vị thi công sẽ nhanh chóng hoàn thiện dự án. (Trong ảnh: Đường cao tốc đang thi công đoạn qua xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ, Quảng Nam).

Bài học QL1A

Qua phân tích cho thấy, từ thực tiễn giải quyết vướng mắc mặt bằng trong dự án mở rộng QL1A, một số địa phương đã vận dụng khéo léo, nhất quán trong thực hiện các chính sách, quy định của Nhà nước về thu hồi đất, GPMB, BT-HT. Có thể nói, trở ngại lớn trong áp dụng đơn giá thay thế của dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi ở chỗ thấp hơn giá đất năm 2015 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành, nên có đôi lúc, đôi nơi người dân so bì quyền lợi.

Trước những trở ngại trên, chính quyền các H. Quế Sơn, Duy Xuyên đã phân công cán bộ am hiểu chuyên môn đưa về cơ sở giúp địa phương trong thu hồi đất, GPMB. Thêm vào đó, công tác tuyên truyền, vận động đã được quan tâm đúng mức nên tạo đồng thuận cao từ phía dân. Tiền khuyến khích các hộ dân chấp hành chủ trương, bàn giao mặt bằng sớm, hỗ trợ tiền thuê mặt bằng kịp thời tạo hiệu ứng tích cực.

Ngoài trở ngại ở một số địa phương, thời gian qua, nhiều gia đình thuộc các xã Tam Hiệp, Tam Anh Bắc, Tam Anh Nam (H. Núi Thành), hay địa bàn Quế Sơn đã tự nguyện tháo dỡ nhà ở, vật kiến trúc bàn giao mặt bằng theo yêu cầu của chủ đầu tư và tự đi tìm mua suất đầu tư hạ tầng, giảm áp lực đáng kể cho Nhà nước phải bố trí đất TĐC. Vì sao người dân ở các nơi này đồng thuận cao với chủ trương chung? Câu trả lời đơn giản, trong vùng giải tỏa, chính quyền đã huy động cả hệ thống chính trị, trong đó lấy cán bộ làm công tác BT-HT và TĐC làm lực lượng nòng cốt. Từng khâu kiểm kê, đo đạc, áp giá BT... đều phải thực hiện minh bạch, dân chủ, công bằng. Điểm sáng trong bàn giao mặt bằng 100% cho chủ đầu tư vào thời điểm cuối năm 2014, kể đến là H. Quế Sơn.

Bài học thành công mà địa phương rút ra là công khai tất cả các văn bản về chính sách BT-HT, quy định về trích đo và cách áp giá BT cho nhân dân biết. “Chúng tôi in sao lại các văn bản nói trên trao tận tay các bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng các hội đoàn thể nắm bắt cụ thể để tiện việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Và cốt yếu, chính quyền nắm được hồ sơ pháp lý về đất đai từng hộ nên áp giá nhanh, chính xác để hạn chế thấp nhất việc phân bua, đòi hỏi quá đáng”- ông Trần Văn Noa – Phó Chủ tịch UBND H. Quế Sơn chia sẻ.

Ông Hà Phước Lộc, Phó Trưởng phòng Quản lý hạ tầng giao thông thuộc Sở GT- VT cho biết, nguyện vọng chính đáng của người dân nếu được đáp ứng kịp thời thì sẽ không có chuyện dây dưa mặt bằng. “Địa phương cần yêu cầu người dân có cam kết sau khi nắm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đi thuê nhà trong khi chờ xây dựng nhà ở mới. Đồng thời, chuẩn bị kỹ mọi phương án đối phó nếu bà con “kéo cưa” như quay lại đòi hỏi hỗ trợ thêm, xem ngày giờ di chuyển hoặc bị kẻ xấu kích động” – ông Lộc chia sẻ...

Về nhiệm vụ triển khai sắp đến, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu yêu cầu, trước ngày 30-6, chính quyền các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh phải cam kết bàn giao xong mặt bằng đất nông nghiệp và di dời mồ mả; cơ bản giải quyết xong TĐC, suất đầu tư hạ tầng để người dân sớm ổn định cuộc sống.

“Chính quyền các huyện cần tạo điều kiện thuận lợi cho hộ dân nhận suất đầu tư hạ tầng, chứ không thể vì tiếc công sức, tiền của mình đang xây dựng khu TĐC mà ép buộc người dân vào ở bằng mọi giá. Nếu đã làm khu TĐC, địa phương cứ để đất đó, tỉnh sẽ cân đối kinh phí trả lại tiền cho chủ đầu tư” – Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nêu cách giải quyết. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cũng yêu cầu chính quyền địa phương huy động cả hệ thống chính trị phải nhập cuộc, giải quyết công việc theo hình thức “cuốn chiếu”, không để dây dưa kéo dài, tạo điểm nóng.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị VEC phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc, đồng thời tiếp tục bố trí vốn cho các địa phương, đơn vị để thực hiện các phương án BT, GPMB được phê duyệt, và thi công xây dựng công trình đảm bảo tiến độ đề ra.

Bão Bình