Báo Công An Đà Nẵng

Dự án hồ Tả Trạch: 10 năm lay lắt tái định cư (2)

Thứ sáu, 17/10/2014 07:02

Bài cuối:  Từ chủ rừng bỗng dưng làm “ô-sin”

(Cadn.com.vn) - Do tỉnh nợ đất kéo dài đến 10 năm nên hàng trăm hộ dân gặp rất nhiều khó khăn về đời sống kinh tế. Trước khi đến tái định cư ở vùng đất mới, nhiều người dân từng là chủ rừng, mỗi ngày thuê 5-7 công nhân chăm sóc cây. Vậy mà, từ khi đến nơi ở mới, từ chủ rừng, nhiều người trở thành “ô-sin” kiếm cơm qua ngày.

Đi dọc các khu TĐC Hòa Bình, Bình Dương và Hòa Thành vào buổi trưa, khó khăn lắm, chúng tôi mới bắt gặp được một người trung niên trạc 45 tuổi, đó là anh Nguyễn Chiến. Hỏi về thanh niên nam, nữ trong làng “vắng bóng”. Anh Chiến cho biết, từ khi dân di dời để nhường đất cho dự án Tả Trạch đến xã Bình Thành, do không có rừng nên hơn 90% người dân dạt đi nhiều nơi làm thuê, làm mướn để kiếm cái ăn, cái mặc hàng ngày. Theo anh, trước đây khi ở chỗ cũ gia đình anh có 2 ha diện tích lâm nghiệp trồng keo tràm và xen kẽ hoa màu. Mỗi năm, gia đình anh cũng thu nhập được khoảng 40 triệu đồng trên 2 ha đó. “Trong khi chờ đền bù đất trồng rừng, hàng ngày, tui và vợ dạt đi các huyện lân cận để trồng rừng thuê cho người ta. Một ngày, đi làm thuê từ sáng cho đến tối, 2 vợ chồng cũng kiếm được hơn 200 ngàn đồng nhưng không phải ngày nào cũng có việc”, anh Chiến than.

Hơn 10 năm về trước, người dân ở xã Dương Hòa, khi nghe nhắc đến ông Trần Dàng (70 tuổi, trú khu TĐC  Bình Dương, xã Bình Thành), mọi người đều nể phục bởi ông là chủ trang trại làm ăn khá giả. Lúc nào, ông Dàng cũng sở hữu đàn bò hơn 50 con và mấy héc-ta rừng keo. Hàng ngày, ông thuê khoảng 3 lao động làm công với tiền lương 4,5 triệu đồng/người. Trước khi chuyển đến nơi ở mới, ông Dàng đành phải bán hơn nửa số bò. Số còn lại, ông đưa qua chỗ mới nuôi, do không có đất nên chúng cũng chết dần dần. Còn diện tích đất lâm nghiệp ông gần 1ha vẫn đang bị nợ nên cuộc sống gia đình ông lâm vào cảnh khó khăn. Không còn đất sản xuất, nuôi trồng, để có tiền đắp đổi qua ngày, dù lớn tuổi nhưng ông Dàng vẫn đi đốn cây thuê cho các chủ rừng. Mỗi ngày tiền công của ông được 130 ngàn đồng. “Có hôm, gặp chủ rừng xem mặt họ chê tui già, làm không nổi thì tui phải vào rừng mót cây họ bỏ đi, đem về chẻ, bó thành củi bán cho người ta”, giọng ông Dàng nghèn nghẹn.

Ông Nguyễn Dàng từng là chủ trang trại rừng kết hợp chăn nuôi
nhưng khi đến tái định cư lại phải đi làm thuê do không có đất sản xuất.

Đến với người dân TĐC di dời bởi dự án hồ Tả Trạch, được  nghe những câu chuyện những người từng là chủ rừng bỗng dưng đi làm “ô-sin” mới thấm thía được nỗi đau người dân bị nợ đất. Vốn là chủ của một rừng tràm 5ha, hộ ông Lê Đức Thảo (52 tuổi), ở khu TĐC Khe Sòng (xã Dương Hòa) từ ngày bàn giao đất cho dự án nhưng đến nay vẫn không được cấp lại đất mới. Năm 2004, sau khi nhận quyết định di dời do nằm trong phần đất của dự án hồ Tả Trạch, vợ chồng ông Thảo “nhắm mắt làm liều” và quyết định bán rừng tràm 4 năm tuổi với giá 40 triệu đồng rồi chuyển về khu TĐC Khe Sòng ở. “Chúng tôi nhận đền bù đất ở và tài sản trên đất nông nghiệp. Riêng đất lâm nghiệp theo chủ trương “đất đổi đất” nhưng đợi cả gần chục năm nay chẳng thấy nên vợ chồng tui phải đi phát hoang, trồng rừng thuê…”, ông Thảo bức xúc.

Cũng như ông Thảo, trường hợp của ông Phan Từ Phong, ở thôn Hộ (xã Dương Hòa) cuộc sống rất lao đao. Trong căn nhà cấp 4 nằm heo hút giữa ngọn đồi, ông Phong ngày càng tiều tụy, mỏi mòn vì chờ được cấp đất. Ông Phong tâm sự: “Phải mất hơn 3 năm trời, vợ chồng tui đổ bao công sức, mồ hôi mới khai phá được gần 4.000m2 đất để trồng rừng và hoa màu. Năm 2010, gia đình tui bàn giao hết số đất này cho dự án hồ Tả Trạch nhưng đến nay vẫn chưa nhận được đất để sản xuất. Nông dân tụi tui, sống mà không có đất thì biết lấy chi mà ăn”.

Suốt 10 năm nay, ông Phan Từ Phong ở Khu TĐC xã Dương Hòa
mỏi mòn chờ được bồi thường đất.

Ông Trương Văn Huy, Trưởng thôn tái định cư Khe Sòng (xã Dương Hòa) cho biết, từ ngày di dời về khu TĐC này đến nay, đời sống của 68 hộ dân trong thôn tụt dốc như xe không phanh. “100% hộ dân ở đây đều phải trông chờ vào việc làm thuê làm mướn để có cái ăn vì thiếu đất sản xuất trầm trọng. Trẻ em ở đây phần lớn đều phải bỏ học từ rất sớm, ngày càng có nhiều gia đình mâu thuẫn vì đói khổ”, ông Huy nói. Theo Phó Chủ tịch HĐND xã Bình Thành Nguyễn Ngọc Nguyên, trước tình trạng người dân của xã thiếu đất trồng cây lâm nghiệp trầm trọng, xã đã có kiến nghị với lãnh đạo tỉnh TT-Huế xem xét và thu hồi đất lâm trường để giao cho dân sản xuất. Cũng theo ông Nguyên, trước đây, tỉnh có cấp cho Cty Giống cây trồng vật nuôi (thuộc Sở NN & PTNT tỉnh TT-Huế) 72 ha đất lâm nghiệp để chăn nuôi trang trại bò sữa. Tuy nhiên, hiện nay, Cty này chỉ nuôi lác đác vài ba con bò mà chủ yếu là trồng keo tràm kinh tế. Xã mong rằng, nếu Cty không sử dụng đất đúng mục đích thì tỉnh nên thu hồi để cấp cho người dân trong xã, giải quyết công ăn việc làm cho người dân...

Đem những bức xúc của người dân về việc tỉnh nợ đất kéo dài, Chánh văn phòng UBND tỉnh TT-Huế Hoàng Ngọc Khanh cho biết, tỉnh sẽ thu hồi một số diện tích đất của lâm trường để đền bù cho một phần hộ dân, phần còn lại sẽ được bồi thường bằng tiền, bởi hiện quỹ đất của tỉnh không còn. Nói về phương án bồi thường bằng tiền, ông Khanh cho hay đã trình Bộ NN & PTNT (chủ đầu tư dự án hồ chứa nước Tả Trạch) và Chính phủ. Ông Khanh lý giải việc chậm đền bù cho người dân là vì dự án hồ Tả Trạch liên tục điều chỉnh, tăng vốn đầu tư, trong khi trị giá bồi thường vượt ngoài khả năng chi trả của tỉnh. Phương án bồi thường bằng tiền vừa được Chính phủ chấp thuận, bằng việc tách ra một dự án riêng, nằm trong dự án hồ Tả Trạch, hiện Bộ KH & ĐT đang thẩm định nguồn vốn. Sau khi có nguồn vốn, UBND tỉnh sẽ tiến hành bồi thường, giá đền bù tính theo thời điểm hiện nay, vận dụng những chính sách có lợi nhất cho người dân. Tuy nhiên, khi P.V hỏi cụ thể vào thời gian nào thì người dân sẽ được bồi thường đất hoặc tiền thì ông Khanh nói đang triển khai.

Nói về giải pháp bồi thường tiền thay vì đất lâm nghiệp như tỉnh đã hứa trước đây, nhiều nông dân cho rằng, họ muốn sống phải có đất. Nếu Nhà nước bồi thường tiền họ sẽ ăn tiêu hết, nghèo lại hoàn nghèo. Một lãnh đạo xã cho rằng, phương án tốt nhất là tỉnh nên thu hồi một phần đất của lâm trường để cấp cho nông dân. 10 năm chờ đợi bồi thường đất là quãng thời gian khá dài mà người dân TĐC hồ Tả Trạch đang “mỏi mòn” trông chờ từng giờ, từng ngày. Hy vọng rằng, lãnh đạo tỉnh TT-Huế, Ban quản lý dự án hồ Tả Trạch sớm xém xét, triển khai bồi thường cho người dân để họ sớm được ổn định cuộc sống.

Hải Lan