Báo Công An Đà Nẵng

Dự án hơn trăm tỷ “đắp chiếu” cả thập kỷ

Thứ hai, 17/09/2018 18:00

Dự án khu du lịch (DAKDL) làng Việt nằm trên đường Huyền Trân Công Chúa thuộc P.Thủy Biều, TP Huế (TT-Huế) từng được kỳ vọng sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho du khách với tiêu chí “xanh, đẹp, thơ”. Thế nhưng, sau 10 năm cấp phép, hiện DA vẫn hoang phế gây lãng phí nguồn tài nguyên đất.

Cổng chính đi vào DA trơ trọi sắt thép.

Từng hứa hẹn là một trong những khu du lịch nằm ngay trung tâm TP Huế trên trục đường di sản Văn hóa miền Trung, đến với Khu du lịch làng Việt, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức ẩm thực có nguồn gốc dân gian, được sống trong những ngôi nhà mang đậm kiến trúc Việt với không gian đặc trưng của văn hóa làng quê, của nhà rường xứ Huế. DAKDL làng Việt dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động giữa năm 2013, thế nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”. Được biết, năm 2009, UBND tỉnh TT-Huế cấp phép DAKDL làng Việt cho Công ty Cổ phần (CTCP) Trung Việt đầu tư giai đoạn 1 với số vốn hơn 106 tỷ đồng. DA gồm khu resort với 16 biệt thự vườn, khu hội nghị quốc tế chứa 500 người, khu dịch vụ trung tâm, khu thể dục thể thao, nhà thủy tạ, khu làng nghề sản xuất nghề thủ công, khu spa, khu lễ hội và các khu hạ tầng kỹ thuật khác. Ngoài ra, giai đoạn II sẽ được mở rộng và nâng tổng diện tích DA lên 30 ha bao gồm mở rộng các khu dịch vụ trung tâm, nâng cấp và mở rộng khu sản xuất nghề thủ công, giao thông, bãi xe, sông suối, ao hồ... Trong đó, chú trọng xây dựng những khu bungalows cao cấp mang đặc trưng nhà vườn xứ Huế; tăng thêm các loại hình dịch vụ du lịch văn hóa mang yếu tố tâm linh như: giếng tiên, chùa, vườn thuốc ở địa phương...

Có mặt tại DA vào một ngày trung tuần tháng 9-2018, chúng tôi chứng kiến cả khu đất rộng mênh mông vẫn hoang sơ, cỏ dại mọc um tùm, ao hồ bỏ hoang... Nhiều hạng mục của DA vẫn dang dở, một vài căn nhà chỉ có móng với vài cột bê- tông trơ trọi sắt thép; có căn đã lợp mái thì dột nát, ẩm mốc. Đi sâu vào trong thấy có nhiều đàn bò, chuồng gà, trại vịt... Chị Nguyễn Thị Bé (một người dân địa phương), kể: “Nơi đây trước có 7 hộ dân sinh sống nhưng vì có DA nên được đền bù đi ở nơi khác, một hộ nhận cả tỷ đồng. Khu này bắt đầu xây dựng gần 10 năm rồi nhưng hiện vẫn y nguyên. Nghe đâu tiền đầu tư nhiều lắm nhưng chừ bỏ hoang rất lãng phí tiền của và cả đất đai của nhà nước. Trong khi đó, nhiều người dân ở đây cần 1 sào đất để trồng cây, chăn nuôi thì không có”. Theo chị Bé, từ khi DA triển khai, chồng chị là anh Huỳnh Văn Khá cùng 3 người ở địa phương được nhận vào làm bảo vệ khi DA triển khai thi công, lúc đầu lương 1,5 triệu/tháng và sau đó tăng lên 3 triệu. Nhưng từ năm 2015 trở đi, DA nợ lương cả 4 người bảo vệ, hứa hẹn đủ điều, đòi thì họ cứ nói chờ đất nhà nước thu hồi, đền bù mới có tiền trả lương. “Tổng cộng chồng tôi bị nợ tiền lương lên đến 3 năm và 1 năm trở lại đây, hai bên đã chấm dứt hợp đồng. DA bây chừ cũng không có ai trông coi, vợ chồng tôi không có đất nên đến đây chăn nuôi gà. Người thân của tôi cũng đến đây nuôi bò. Khi nào họ đuổi thì mình đi”- chị Bé nói.

Ông Hoàng Thăng Long- Chủ tịch UBND P. Thủy Biều cho biết: “Qua các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, dân phản ánh DA này khá nhiều, ai cũng mong muốn tỉnh nhanh chóng quyết định có tiếp tục cho triển khai hay dừng lại. DA này phía phường chúng tôi không dám nói gì, cấp trên sẽ quyết định. Hiện tại, DA lở dở quá và cũng không ai hài lòng”. Còn theo ông Hoàng Việt Trung- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh TT-Huế: DA chậm tiến độ đã lâu bởi nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, trong đó một phần vì nhà đầu tư khủng hoảng kinh tế. Ban đầu, chủ đầu tư là CTCP Trung Việt, sau đó chuyển qua choCTCP Royale Star Việt Nam (đóng tại TP Huế). Các phòng chuyên môn của Sở KH & ĐT đang xem xét, rà soát các thủ tục để trình lên tỉnh xem xét thu hồi DA này.

H.LAN