Báo Công An Đà Nẵng

Dự án Khu căn cứ Huyện ủy Hòa Vang: Không chỉ là những câu chuyện kể cùng con cháu

Thứ hai, 01/08/2022 17:57
KCC Huyện ủy Hòa Vang đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 2014. Các thế hệ lãnh đạo H. Hòa Vang tham dự lễ khánh thành Nhà tưởng niệm KCC Huyện ủy.

KCC Huyện ủy Hòa Vang nằm trên địa bàn thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, H. Hòa Vang) hiện nay có độ cao 300m so với mực nước biển. Vùng trung tâm KCC là khu tam giác Phú Túc - Ô Rây - Tống Cói (H. Hiên, Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) đã lưu dấu biết bao bước chân của cán bộ cách mạng; trong đó có nhiều đồng chí là cán bộ cao cấp của Tỉnh ủy, Khu ủy khu V như Hồ Nghinh, Trần Thận, Nguyễn Văn Chi...

Những địa điểm đứng chân của cơ quan Huyện ủy như "Hòn đá Đà Nẵng", "Hòn đá Non Nước" ngày trước, giờ đã trở thành những di tích có giá trị về lịch sử, được coi là biểu tượng của truyền thống yêu quê hương, đất nước và tấm lòng kiên trung với Đảng, Bác Hồ của quân, dân Hòa Vang. Ngày đó, dải đất chiến khu xưa có địa hình núi non hiểm trở, tất cả gần như đều bị bao phủ bởi đồi rừng, lau lách, đường đi cheo leo, nhiều vách đá dựng đứng. Việc thiếu ăn, mặc rét, bị vắt, muỗi rừng "hành hạ" là chuyện thường tình đối với các cán bộ lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương cho đến ngày giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

Từ năm 2004, KCC Huyện ủy Hòa Vang đã được lãnh đạo huyện và các cán bộ lão thành tổ chức nhiều đợt khảo sát thực địa nhằm tái hiện khu di tích xưa. Chính quyền địa phương cũng đầu tư ngân sách xây dựng khu trưng bày sa bàn và các hiện vật kháng chiến có giá trị; thiết kế bậc tam cấp để đi lên bia di tích… Năm 2008, KCC Huyện ủy được công nhận là Di tích lịch sử cấp TP, đến năm 2014 thì đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Hàng năm, nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống thông qua các hoạt động "Thăm lại chiến trường xưa", "Hướng về cội nguồn" của các thế hệ trên địa bàn nhân kỷ niệm những ngày lễ lớn đều được tổ chức tại đây. Anh Nguyễn Văn Bốn (trú xã Hòa Phú) tâm sự: "Có lên đến đây, tuổi trẻ chúng tôi mới hiểu được hết những khó khăn mà các thế hệ đi trước đã trải qua để giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Càng hiểu, càng thấy tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương mình. Được về mảnh đất này cùng những chứng nhân lịch sử, được chứng kiến những cái bắt tay rất chặt giữa những người cùng chung chiến hào năm xưa, chúng tôi mới hiểu tại sao, suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, dù kẻ địch đã tìm muôn phương ngàn kế hòng "nhổ" bỏ căn cứ cách mạng này nhưng đều bất thành… Qua đó, chúng tôi càng thêm trân trọng quá khứ, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống yêu nước và cách mạng để vững bước tiến vào tương lai".

Có thể nói, quyết định đầu tư xây dựng Dự án KCC Huyện ủy Hòa Vang là một chủ trương hợp lòng dân để người dân Hòa Vang nói riêng và TP Đà Nẵng nói chung hiểu được giai đoạn lịch sử đầy khó khăn, gian khổ của các thế hệ người Hòa Vang trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước; đồng thời, khai thác thế mạnh về di tích, thắng cảnh trên địa bàn huyện vào mục tiêu phát triển du lịch kết hợp với giáo dục truyền thống của địa phương.

Rồi đây, du khách muốn chiêm ngưỡng các biểu tượng "Hòn đá Đà Nẵng", "Hòn đá Non Nước" sẽ đi bằng đường thủy để thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình của hồ Đồng Xanh - Đồng Nghệ, hoặc tiếp tục thượng sơn theo các cung đường bậc thang uốn lượn phủ mờ sương, hay dừng chân trải lòng trong các gợp đá lạnh, thăm những căn hầm bí mật, bếp Hoàng Cầm, Trạm đại phẫu… vẫn còn hằn sâu dấu tích bom đạn chiến tranh. "Việc đầu tư, tái hiện KCC Huyện ủy Hòa Vang sẽ mãi khẳng định chiến công của quân, dân địa phương năm xưa không chỉ là những câu chuyện kể cùng con cháu, mà nó còn mang một giá trị nhân văn sâu sắc. Đó là niềm tự hào, kiêu hãnh của bao thế hệ cha ông đã dựng nên từ máu và nước mắt trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc", nguyên Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường từng chia sẻ.

VY HẬU