Báo Công An Đà Nẵng

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng: Không thể để chậm trễ hơn nữa

Thứ tư, 24/04/2019 07:25

Trong nhiều vấn đề được nêu ra tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác GD-ĐT với ĐH Đà Nẵng dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ chiều 23-4, nội dung được quan tâm đề cập nhiều nhất là khẩn trương triển khai Dự án Làng ĐH Đà Nẵng, không thể để chậm trễ hơn được nữa...

Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại buổi làm việc giữa Bộ GD-ĐT với ĐH Đà Nẵng liên quan đến dự án Làng ĐH Đà Nẵng. Ảnh: P.T

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Báo cáo về tình hình triển khai Dự án Làng ĐH Đà Nẵng tại Hòa Quý- Điện Ngọc, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Đại học ĐH Đà Nẵng cho biết, đã trình Thủ tướng "Đề án Phát triển tổng thể ĐH Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn 2035" cũng như Đề án thành lập Trường ĐH CNTT& Truyền thông Việt- Hàn. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để điều chỉnh quy hoạch Dự án xây dựng Làng ĐH Đà Nẵng (Khu đô thị ĐH Đà Nẵng). Việc Thủ tướng phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch 1/2000 là tiền đề rất quan trọng để triển khai các công việc tiếp theo. Hiện ĐH Đà Nẵng đã thông báo mời thầu lựa chọn Tư vấn để lập quy hoạch 1/2000. ĐH Đà Nẵng cũng đã phối hợp các sở, ngành liên quan của TP và Quảng Nam rà soát thực tế và có báo cáo đề xuất bổ sung nhu cầu vốn đầu tư từ nguồn dự phòng trung hạn giai đoạn 2018-2020 là 1.508,4 tỷ đồng, trong đó ưu tiên cho giải phóng mặt bằng. Vấn đề này đã được Chính phủ thống nhất bố trí 1.000 tỷ đồng, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua, chờ Quốc hội xem xét, phê duyệt...

Tuy nhiên cũng theo lãnh đạo ĐH Đà Nẵng, vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Do dự án có quy mô lớn, phức tạp vì quy hoạch treo nhiều năm, trong khi vốn ngân sách Nhà nước khó khăn, lại liên quan đến nhiều bộ, ngành và hai địa phương nên thủ tục đầu tư phức tạp, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư (TĐC). ĐH Đà Nẵng và lãnh đạo 2 địa phương đã thống nhất phương án bố trí đủ quỹ đất để di dời cho toàn bộ phạm vi quy hoạch cần giải phóng mặt bằng. Hiện các cơ quan chức năng hai địa phương đang lập phương án quy hoạch tổng thể khu TĐC, lấy ý kiến cộng đồng để hoàn thiện, trình lãnh đạo phê duyệt làm cơ sở cho các bước tiếp theo. Tuy nhiên, kết quả phối hợp giữa các bên vẫn còn nhiều hạn chế. Đến nay vẫn chưa có kế hoạch về kinh phí đầu tư cụ thể để thực hiện các khu TĐC tại địa bàn Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, cũng như chưa rõ nguồn ngân sách T.Ư hay ngân sách địa phương. Ngoài ra, ĐH Đà Nẵng cho biết không đủ khả năng tài chính để chi trả khoản vay lại theo quy định tại NĐ 97 của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA  của Ngân hàng Thế giới, vay ưu đãi nước ngoài của Chính Phủ.

Trên cơ sở đó, ĐH Đà Nẵng kiến nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục phối hợp UBND TP và tỉnh Quảng Nam chỉ đạo, hỗ trợ ĐH Đà Nẵng triển khai Dự án, nhất là công tác lập các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng, TĐC và đầu tư các công trình cấp thiết. Bộ ủng hộ và báo cáo Chính phủ, Quốc hội về bố trí vốn từ nguồn dự phòng đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 1.000 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư; ưu tiên cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP Đà Nẵng, Quảng Nam và giai đoạn 2021-2025 là 4.900 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện các hạng mục, công trình còn lại của dự án. Ủng hộ đề xuất dự án vay vốn ODA cho ĐHĐN theo cơ chế cấp phát. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính đề xuất cơ chế cho phép ĐHĐN thực hiện xã hội hóa theo hình thức công tư PPP, BT, BOT và chuyển đổi cơ sở vật chất của các đơn vị thành viên trong nội thành TP Đà Nẵng để tạo nguồn vốn đầu tư cho dự án này. Đề nghị giao cho UBND TP và UBND tỉnh Quảng Nam chịu trách nhiệm triển khai các khu TĐC để kịp thời thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và đáp ứng nhu cầu TĐC cho số hộ dân cần di dời thuộc phạm vi giải tỏa của dự án giai đoạn 2018-2020.

Đà Nẵng dành 22 ha đất cho công tác tái định cư

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho biết, lãnh đạo TP rất quan tâm, đã nhiều lần đưa vấn đề liên quan đến Dự án treo hơn 20 năm này ra tại các cuộc họp với Chính phủ. Sau một thời gian dài bị quy hoạch treo, cùng với những tín hiệu khả quan về nguồn vốn trung hạn đang chờ Quốc hội thông qua, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho rằng, cái khó nhất hiện nay chính là công tác giải tỏa đền bù, TĐC. Trong đó, phần nặng nhất thuộc về phía tỉnh Quảng Nam. Về phần thuộc địa phận Đà Nẵng, Chủ tịch TP khẳng định có thể yên tâm và cho biết Đà Nẵng đã quyết định đầu tư ngay khu TĐC 22 ha đất, giao Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện công tác này. Trước mắt sẽ dùng tiền của TP để đầu tư. Về việc giải ngân nguồn vốn trung hạn 1.000 tỷ đồng sau khi được Quốc hội thông qua, Chủ tịch TP đề nghị Bộ GD-ĐT phải có sự phân công, chỉ đạo cụ thể. Nếu giao cho ĐH Đà Nẵng thì phải có Ban, bộ phận chuyên lo vấn đề này, phải bám sát các bộ ngành, các cơ quan TƯ, địa phương để thúc đẩy tiến độ, không thể để chậm trễ hơn nữa. Cũng theo Chủ tịch TP Huỳnh Đức Thơ, trong quá trình triển khai thực hiện dự án cần tính đến hướng xã hội hóa nhằm bổ sung nguồn lực đầu tư, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách Trung ương... 

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đây là dự án gặp vô vàn khó khăn trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm của Chính phủ, hiện Dự án Làng ĐH Đà Nẵng đã có những bước chuyển động đáng mừng. ĐH Đà Nẵng cũng đã có nhiều cố gắng trong quá trình thực hiện dự án. Vấn đề là phải triển khai nhanh, không thể chậm trễ nữa. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, nhiệm vụ phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp. Vì vậy, lãnh đạo ĐHĐN phải tăng cường, củng cố năng lực cho Ban Quản lý dự án theo hướng chuyên nghiệp hơn. Bộ trưởng cho rằng, tiến độ triển khai thực hiện dự án hiện vẫn chưa được quyết liệt lắm. Ngoài việc cần tổ chức các cuộc giao ban, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị hàng tháng, Giám đốc ĐHĐN phải có báo cáo để Bộ trưởng biết, trao đổi với chủ tịch TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ nhằm có cơ chế tách, gỡ những khó khăn, vướng mắc. Bộ trưởng cam kết, bản thân sẽ có trách nhiệm làm việc với Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác. 

P.Thủy