Dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh và QL1A: Ngổn ngang trăm mối
* Kỳ 1: Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh ở Tây Nguyên: Ách tắc và sai phạm
(Cadn.com.vn) - Dự án nâng cấp, mở rộng QL1A và đường Hồ Chí Minh là 2 dự án trọng điểm Quốc gia đã được triển khai từ nhiều năm qua, đây là những tuyến đường giao thông huyết mạch của đất nước, đáp ứng yêu cầu vận chuyển, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo QPAN... Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, ở một vài địa phương vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc cần phải giải quyết. Ghi nhận của P.V Báo Công an TP Đà Nẵng tại 2 dự án này tại một số địa phương Tây Nguyên và miền Trung.
Từ năm 2012, Dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) đã được triển khai, đây là một trong những dự án trọng điểm Quốc gia do Bộ GTVT làm chủ đầu tư... Song tiến độ thực hiện rất ì ạch.
* Vào tháng 4-2014, khi kiểm tra tiến độ dự án, Bộ GTVT đã chỉ đạo nghiêm khắc xử lý các nhà thầu chậm tiến độ. BQLDA đã yêu cầu Cty CP Sông Hồng 36 và Tổng Cty CP Sông Hồng thay toàn bộ Ban điều hành, dừng hợp đồng với các nhà thầu phụ. Ngày 5-6-2014, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu chấm dứt hợp đồng thi công đối với Tổng Cty CP Sông Hồng tại dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Tuy nhiên cho đến giữa tháng 8-2014, chúng tôi lại nhận được thông tin, Bộ GTVT tiếp tục cho Tổng Cty CP Sông Hồng thi công dự án. Cũng trong tháng 8-2014, Tổng Cty CP Sông Hồng cũng đã có quyết định đình chỉ thi công đối với Công ty CP Sông Hồng 36, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan, yêu cầu bồi thường thiệt hại về kinh tế nếu phát hiện sai phạm, giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc với 2 nhà thầu phụ và Cty Tân Việt Bắc và Thành Đô. |
Ách tắc giải phóng mặt bằng
Ông Phạm Văn Xây - Chánh Văn phòng Sở GTVT Đắc Lắc cho biết trên 2 huyện EaHleo, Krông Busk và TX Buôn Hồ, chiều dài toàn tuyến đường Hồ Chí Minh cần giải phóng mặt bằng (GPMB) là 87,667 km, trong đó triển khai theo gói trái phiếu Chính phủ do Bộ GTVT làm chủ đầu tư là 71,667km; triển khai theo gói BOT (đầu tư xây dựng-kinh doanh-chuyển giao), Chủ đầu tư là Cty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức (16km). Để GPMB, số diện tích đất phải thu hồi 14,364ha, số hộ dân tái định cư, bị ảnh hưởng là 1.426 hộ.
Công tác GPMB, mở rộng, nâng cấp QL14 - đường Hồ Chí Minh qua địa phận Đắc Lắc trước đây UBND tỉnh giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất các huyện, thị xã có QL14 đi qua thực hiện, báo cáo kết quả về Sở TN-MT tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, nhưng từ ngày 1-5-2014 đến nay lại giao Sở GTVT đôn đốc, tổng hợp báo cáo.
Chính sự không thống nhất, thiếu sự phân công nhiệm vụ, phối hợp ngay từ đầu, Sở GTVT gặp không ít khó khăn trong công tác. Các địa phương còn ỷ lại coi đây là trách nhiệm của Sở GTVT, chính quyền các địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt, chưa huy động triệt để các ban ngành chức năng vào cuộc nên công tác GPMB kéo dài ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung của dự án.
Tại giao ban quý II Dự án mở rộng, nâng cấp đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên tổ chức tại Gia Lai ngày 25-7, Thứ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Hồng Trường đã kết luận “...riêng tỉnh Đắc Lắc còn vướng 1,9km. Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt để bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý dự án (BQLDA) đường Hồ Chí Minh chậm nhất vào ngày 15-8-2014”. Tuy nhiên, thời điểm chúng tôi có mặt tại Đắc Lắc là cuối tháng 8-2014, chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT vẫn chưa được thực hiện dứt điểm, thậm chí vẫn còn nhiều vấn đề rắc rối, phức tạp...
Dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Đắc Nông triển khai trên địa phận 3 huyện là Cư Jút, Đắc Mi và Đắc Song với tổng chiều dài hơn 55 km, do Cty Cổ phần BOT Đắc Long Đắc Nông thực hiện với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, được chia làm 10 gói thầu xây lắp. Theo báo cáo mới nhất thì đã thi công được 70% khối lượng công việc...
Ông Nguyễn Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Đắc Nông cho biết: “Việc bàn giao mặt bằng cho dự án, tỉnh đã hoàn thành từ ngày 30-4-2014, được Thủ tướng Chính phủ biểu dương là 1 trong 10 tỉnh trên dự án đường Hồ Chí Minh hoàn thành công tác GPMB sớm nhất... Thực ra trong quá trình thi công có xảy ra một số vấn đề, như việc thi công cống rãnh, san ủi láng đất có ảnh hưởng tới sinh hoạt, nhà cửa của một số hộ dân...”.
Nhưng trên thực tế, sau khi trải qua hơn 5 tiếng đồng hồ vật lộn với con đường từ Buôn Ma Thuột lên Gia Nghĩa, chúng tôi nhận thấy đoạn đường qua các huyện Cư jút, Đắc Mi, Đắc Song ổ voi, ổ gà chằng chịt trên mặt đường, nhiều đoạn đường còn đang trong quá trình san ủi mở rộng mặt bằng, nhiều đoạn mới đổ đá chưa lu nén, hầu như chưa có đoạn đường nào trải bê-tông nhựa mới...
Trước thắc mắc này, ông Viện cho rằng: “Trên thực tế thì mới hoàn thành 25-30% khối lượng công việc, nhưng đã đạt yêu cầu của Bộ GTVT, chậm nhất là tháng 6-2015, dự án sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng”.
Dự án đường Hồ Chí Minh qua huyện EaHleo (Đắc Lắc) đang dang dở. Ảnh: H.T |
Và rắc rối từ các nhà thầu
Tại Dự án đường Hồ Chí Minh, Bộ GTVT đã quy định 2 điều kiện với các nhà thầu: Trong quá trình thi công, không được có nhà thầu phụ, nếu có phải được BQLDA trình Bộ GTVT phê duyệt mới được quyền tham gia. Điều kiện thứ 2, nhà thầu phụ (đã được phê duyệt) chỉ được phép tham gia không quá 30% giá trị gói thầu… Thế nhưng quy định này đã bị các nhà thầu vi phạm khi triển khai dự án này.
Gói thầu số 9 dự án đường Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Đắc Lắc có giá trị 110,8 tỷ đồng do Liên doanh Tổng Cty CP Sông Hồng và Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn trúng thầu, trong đó Tổng Cty CP Sông Hồng đảm nhận phần khối lượng trị giá 82 tỷ đồng.
Thế nhưng Tổng Cty CP Sông Hồng lại giao quyền trực tiếp thi công gói thầu cho Cty CP Sông Hồng 36 mà chưa được sự phê duyệt của Bộ GTVT. Chưa hết, Cty CP Sông Hồng 36 lại tiếp tục “lún sâu” vào vi phạm, mang gói thầu số 9 đi ký hợp tác, liên doanh với các nhà thầu phụ, đó là Cty TNHH Xây dựng Thành Đô, Cty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng - Khai thác mỏ Tân Việt Bắc.
Vụ việc bị vỡ lở khi hai nhà thầu phụ này làm đơn tố cáo nhà thầu chính không thanh toán tiền thi công, dẫn đến việc hai nhà thầu phụ này lâm vào cảnh nợ nần, không có tiền chi phí, trả lương cho công nhân, phải ngừng công việc một thời gian dài. Cơ quan chức năng ở Đắc Lắc cũng xác định rõ, ngay việc Tổng Cty CP Sông Hồng giao cho Cty CP Sông Hồng 36 triển khai gói thầu số 9 là trái quy định dẫn đến sự thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những vấn đề vi phạm, thậm chí tiêu cực.
Ở gói thầu BOT (được triển khai thi công từ km1738+148 đến km1763+610 thuộc địa phận TX Buôn Hồ, khởi công tháng 9-2013) do Liên danh gồm Cty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức, Cty CP Đông Hưng Gia Lai và Cty Sê San 4A trúng thầu cũng “lùm xùm” không kém, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án. Sau khi ký hợp đồng BOT với Bộ GTVT, liên danh đã thành lập doanh nghiệp dự án là Cty CP BOT Quang Đức và thuê chính Cty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức làm đại diện.
Liên danh nhà thầu này cũng ký hợp đồng với nhiều đơn vị để thi công dự án nhưng trong quá trình thanh quyết toán đã xảy ra việc thanh toán lòng vòng, vi phạm hợp đồng ký kết, dẫn đến việc các đơn vị thi công lâm vào cảnh nợ nần, thiếu nguyên vật liệu, chi trả tiền lương cho công nhân... dẫn đến công việc thi công bị đình trệ.
Ngoài ra đã có đơn tố cáo, liên danh nhà thầu này còn bắt các đơn vị thi công “lại quả” (30% giá trị khối lượng công việc được nhận thi công !?), dẫn đến nhiều đơn vị thi công làm ăn không có lãi, cắt xén nguyên vật liệu, khối lượng công việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình.
Trước các rắc rối này, ngày 5-7-2014, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu BQLDA chấm dứt hợp đồng BOT QL14 đối với liên danh nhà đầu tư do Cty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức là đại diện nhà thầu vì đã chậm tiến độ, vi phạm hợp đồng BOT, và có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Bộ GTVT cũng đã có văn bản đề nghị Cục ANKT-BCA điều tra, xác minh làm rõ vụ việc xảy ra tại gói thầu BOT QL14 Đắc Lắc để xử lý theo quy định pháp luật.
Trao đổi với lãnh đạo BQLDA đường Hồ Chí Minh khu vực Đắc Lắc, Đắc Nông, chúng tôi được biết, BQLDA đã rà soát lại năng lực tất cả các nhà thầu, xem xét chuyển đổi cơ cấu lại một số gói thầu.
(còn nữa)
Hồng Thanh