Báo Công An Đà Nẵng

Dự án nâng cấp QL1A qua địa bàn tỉnh Nghệ An chậm tiến độ: Vướng giải phóng mặt bằng

Thứ sáu, 07/03/2014 11:25

(Cadn.com.vn) - Dự án nâng cấp QL1A qua địa bàn tỉnh Nghệ An tổng chiều dài 73,8km, được khởi công ngày 19-7-2011. Theo lộ trình, DA sẽ hoàn thành trong 18 tháng kể từ ngày khởi công. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hoàn thành và hạn cuối là bao giờ vẫn chưa thể xác định.

* Ông Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giao trách nhiệm cho các địa phương và ban ngành liên quan phải nhanh chóng giải quyết rốt ráo những vướng mắc. Đối với những đoạn không vướng mắc về TĐC, phải bàn giao mặt bằng trước ngày 30-3.

Với những đoạn vướng mắc TĐC, cần tập trung giải quyết để bàn giao mặt bằng trước ngày 30-4. Riêng những đoạn đã bàn giao nhưng vẫn bị lấn chiếm, phải tổ chức thi công để bảo đảm tiến độ.

Đối thoại cũng tắc

Với tổng chiều dài 73,8km, nhưng đến nay các địa phương có DA đi qua chỉ mới bàn giao được 52,1km, đạt 70,6%. Theo đó, một số điểm ở TX Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc vẫn chưa thể tiến hành thi công vì người dân không chịu ký vào biên bản đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB).

Cụ thể, tại TX Hoàng Mai, nơi có 14km QL1A chạy qua, đến nay mới bàn giao được 11km, còn 3km trên địa bàn P. Quỳnh Thiện với nhiều hộ dân xây dựng nhà trái phép trên hành lang ATGT nhưng vẫn kiên quyết “cố thủ” để đòi tiền đền bù.

Tại H. Quỳnh Lưu có 12,25km, thời điểm này đã bàn giao được 10,125km. Tuy nhiên, theo phản ánh của đơn vị thi công thì tại những địa điểm đã được bàn giao mặt bằng, người dân vẫn gây khó dễ, chưa chấp nhận cho thi công vì chưa đền bù thỏa đáng.

Tương tự, H. Diễn Châu có tổng chiều dài 28,5km, hiện đã bàn giao được 21,38 km và điểm vướng mắc lớn nhất tập trung chủ yếu ở xã Diễn An, nơi có chiều dài đi qua là 5,8km với 402 hộ bị ảnh hưởng. 17 hộ chưa chịu ký vào hồ sơ bàn giao mặt bằng, mặc dù ban, ngành của huyện và tỉnh đã tổ chức trên 60 cuộc đối thoại với dân nhưng tình hình vẫn không có biến chuyển. Tại Nghi Lộc, với 13,96km thì đến nay cũng còn 3,86km chưa thông...

Qua tiếp xúc, đa số người dân cho rằng, đất ông cha để lại từ trước những năm 1982 nên phải được đền bù. Có hộ hoàn toàn không dính dáng đến đất trong chỉ giới, nhưng thấy người ta khiếu nại mình cũng kêu. Có hộ đã ký nhận tiền đền bù nhưng vẫn ra sức xúi giục người khác kiện vì thấy mình được hỗ trợ ít hơn. Một số hộ thì ký đơn theo kiểu phong trào.

Mặt khác, theo phản ánh của người dân thì một số nơi còn xảy ra tình trạng, các đơn vị khi triển khai thi công trên diện tích đã được chính quyền địa phương bàn giao mặt bằng, đã không thông báo trước để người dân có sự chuẩn bị, gây bức xúc trong nhân dân.

Về tình trạng một số hộ dân chưa chấp hành và tuân thủ các quy định về thực hiện đền bù GPMB, còn có một phần lỗi do hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở chưa liên kết, phối hợp chặt chẽ để làm tốt khâu tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.

 Gấp rút thi công những đoạn đã được GPMB.

Gỡ bằng cách nào?

Ông Hoàng Phú Hiền - Giám đốc BQL DA công trình giao thông, Chủ tịch Hội đồng đền bù GPMB lý giải: Nguyên nhân dẫn tới vướng mắc trên là việc người dân đòi bồi thường đất và tài sản trên đất trong phạm vi đã giải tỏa hành lang ATGT thuộc DA, do BQL PMU1 của Bộ GTVT làm chủ đầu tư từ năm 1993 đến 1998 (còn gọi là phạm vi PMU1).

Cụ thể, năm 1993, khi thực hiện DA PMU1 giải tỏa QL1A trên toàn tuyến, đơn vị này đã định mốc hành lang ATGT từ chân đường ra mỗi bên 7m, tương đương từ tim đường ra mỗi bên 13,5m. Tuy nhiên, thời điểm thực hiện DA này, hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng, thậm chí đất có nguồn gốc rõ ràng từ năm 1980 về trước đã không được bồi thường, hỗ trợ mà theo phản ánh của người dân thì vào thời điểm đó, chỉ có một số trường hợp phải di chuyển TĐC mới được áp giá về đất.

Tại nhiều địa phương, sau năm 1993 chính quyền cũng đã cấp bìa đỏ cho người dân lấn vào mốc chỉ giới của PMU1 và đó là nguyên nhân sâu xa khiến các hộ trong diện này yêu cầu phải thực hiện bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất trong phạm vi 13,5m khi thực hiện GPMB để mở rộng, nâng cấp QL1A. Do vậy, đến nay còn có 871 hộ dân trên toàn tuyến chưa chịu ký vào hồ sơ bàn giao mặt bằng để yêu cầu bồi thường đất và tài sản trong phạm vi PMU1.

Chiếu theo Quyết định 04/2010/QĐ UBND ngày 19-1-2010 và Công văn số 7418/UBND-CN ngày 25-11-2010, UBND tỉnh Nghệ An thống nhất việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi để thực hiện DA nâng cấp mở rộng QL1A đoạn qua tỉnh Nghệ An thì các trường hợp trên không được bồi thường, hỗ trợ. Do đó, Ban đền bù, GPMB không có cơ sở để đền bù theo yêu cầu của người dân.

Những ngày qua, nhờ sự vào cuộc tuyên truyền của chính quyền các cấp và các phương tiện thông tin đại chúng, nên phần lớn người dân đã hiểu đất trong phạm vi đã giải tỏa là không được bồi thường.

Ngoài ra, Hội đồng bồi thường GPMB các huyện đã tổ chức đối thoại trực tiếp với các hộ dân để tuyên truyền, vận động, tháo gỡ vướng mắc, nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân thực hiện bàn giao mặt bằng đúng thời điểm cam kết, đảm bảo tiến độ thi công của toàn DA. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân bất hợp tác.

Hiện chính quyền địa phương tại các điểm còn vướng mắc nói trên vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, sau khi đã tích cực tuyên truyền, vận động mà vẫn có trường hợp cố tình không chấp thuận, phương án bảo vệ thi công sẽ được tiến hành đúng quy định, đảm bảo tiến độ thi công, thông tuyến QL1A đúng thời hạn như đã cam kết.

X.S