Báo Công An Đà Nẵng

Dự án nhà bán trú container cho học sinh: Chỉ là giải pháp tạm thời

Thứ ba, 09/10/2018 11:32

Sau 2 năm đi vào hoạt động, mô hình thí điểm dự án “nhà bán trú bằng container – nâng bước em đến trường” cho học sinh Trường PTDT bán trú THCS xã Trà Lãnh (huyện miền núi Tây Trà, Quảng Ngãi) đã mang đến những hiệu quả nhất định, tuy nhiên, mô hình nhà bán trú này khó triển khai nhân rộng vì tồn tại nhiều bất cập, nhất là đối với khu vực miền núi, vùng cao.

Nhà bán trú container cho học sinh cần mặt bằng rất rộng, đây là một trong những khó khăn để tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình này.

Giải quyết nhu cầu cấp thiết

Năm 2016-2017, Trường PTDT bán trú TH&THCS Trà Lãnh – nay là Trường PTDT bán trú THCS Trà Lãnh (xã Trà Lãnh, H. Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) được lựa chọn triển khai thí điểm dự án “Nhà bán trú container – nâng bước em đến trường” từ nguồn vốn của doanh nghiệp và huy động tài trợ từ các nhà hảo tâm. Đánh giá về hiệu quả sử dụng công trình, ông Lê Văn Tư – Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Trà Lãnh nhìn nhận: Sau 2 năm thụ hưởng, mô hình nhà bán trú container đã mang lại những hiệu quả nhất định. Học sinh bán trú không còn phải ở trong những căn nhà tạm bợ bằng tranh tre, nứa lá. Có thể khẳng định đây thực sự là hiệu quả thiết thực nhất mà dự án mô hình nhà bán trú container mang lại cho con em học sinh nhà trường.

Đóng chân trên địa bàn miền núi, Trường PTDT bán trú THCS Trà Lãnh có 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đa phần các em đều thuộc hộ nghèo, cuộc sống hết sức khó khăn. Cuộc sống các em lam lũ từ nhỏ, biết làm các công việc nương rẫy trước khi học chữ. Hoàn cảnh khó khăn nên các em luôn có xu hướng nghỉ học và bỏ học giữa chừng. Tuy nhiên, khi chuyển sang mô hình trường học PTDT bán trú, nhà trường không có nhà ở bán trú cho học sinh, các em phải ở trong các lều tranh tạm bợ, tự túc nấu ăn. Bởi vậy, dự án mô hình nhà bán trú container – nâng bước em đến trường đã giúp học sinh có chỗ ở vững chải, chắc chắn hơn. Đó là điều mà thầy trò nhà trường, phụ huynh hết sức phấn khởi.

Nói về những điều hạn chế của mô hình nhà bán trú container, ông Tư cho biết: Ngoài nhiệt độ trong phòng ở khá cao, nhất là vào thời điểm nắng nóng, công trình nhà bán trú container còn có hạn chế là nhanh xuống cấp, bong gỉ mặt sơn. Bởi vậy, để học sinh có thể ở được trong các khu nhà này thì cần phải đầu tư hệ thống quạt mát; làm mái che bảo vệ, cách nhiệt.

Nhìn nhận về mô hình nhà bán trú bằng container, ông Phạm Sơn – Trưởng phòng GD&ĐT H. Tây Trà chia sẻ: Với điều kiện của một huyện nghèo miền núi như Tây Trà, nguồn lực kinh tế địa phương không đủ để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất cho các trường học, nhất là các trường PTDT bán trú. Chính vì vậy, chủ trương huy động các nguồn lực đầu tư thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc triển khai thực hiện dự án mô hình “nhà bán trú container – nâng bước em đến trường” được xem là giải pháp tạm thời, nhằm giải quyết nhu cầu chỗ ở bán trú cho con em học sinh, xóa bỏ tình trạng học sinh bán trú sống tạm bợ trong những căn nhà bằng tranh tre, nứa lá lâu nay trên địa bàn. Tuy nhiên, về lâu dài thì mô hình nhà bán trú container không thể triển khai nhân rộng vì tồn tại rất nhiều điều bất cập.

Bên trong 1 container được cải tạo thành phòng ở cho học sinh Trường PTDT bán trú Trà Lãnh.

Không nhân rộng

“Muốn xây dựng mô hình nhà bán trú container đòi hỏi phải có diện tích mặt bằng lớn, trong khi đó điều kiện để có diện tích mặt bằng đối với trường học miền núi là rất khó khăn. Theo đó, công trình loại này nhanh xuống cấp, vì thế kinh phí đầu tư nâng cấp, sửa chữa hằng năm sẽ rất tốn kém. Đó là chưa kể công sức, kinh phí xây dựng hệ thống mái che bảo vệ, chóng nắng nóng, hệ thống quạt làm mát, thông gió...”, ông Sơn cho hay.

Theo thầy Phạm Sơn, với đề án xây dựng mô hình trường PTDT bán trú của H. Tây Trà từ đây đến năm 2020, trên địa bàn huyện sẽ có 12 trường học PTDT bán trú. Điều đó cho thấy nhu cầu đầu tư xây dựng nhà bán trú cho học sinh của các trường là rất lớn và là vấn đề cấp thiết nhất của ngành GD&ĐT, của các trường học trên địa bàn. Tuy nhiên, việc chọn lựa xây dựng mô hình, kiến trúc nhà bán trú cho học sinh như thế nào cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và nguồn lực kinh tế địa phương cũng là vấn đề hết sức trăn trở.

“Qua thực tế tìm hiểu mô hình nhà bán trú của học sinh tại các địa phương khác, tôi thấy mô hình nhà bán trú cho học sinh theo kiểu lắp ghép khung sắt, mái tôn khá phù hợp với điều kiện trường học, đặc điểm, điều kiện ở vùng núi Tây Trà. Bởi vậy, trước nhu cầu nhà bán trú cho học sinh, ngành GD&ĐT Tây Trà mong muốn chính quyền địa phương, các đơn vị, tổ chức trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà bán trú theo kiểu lắp ghép này cho con em học sinh, nhất là đối với 3 trường PTDT bán trú vừa được thành lập trong năm vừa qua, nhằm tạo điều kiện, giúp học sinh có nơi ăn, chốn ở vững chắc để yên tâm học tập”, ông Sơn bày tỏ.

KHẢI MINH

Nhiều vấn đề bất cập

Ông Đỗ Văn Phu – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi, cho hay: Với việc mở rộng, phát triển hệ thống trường PTDT bán trú trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua, khiến cho nhu cầu xây dựng nhà bán trú, nhà ăn cho học sinh tại các trường học hết sức lớn và cấp thiết. Ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi, phòng GD&ĐT các huyện đã tích cực tham mưu với chính quyền địa phương quan tâm đầu tư xây dựng nhà bán trú cho học sinh, tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn. Về dự án mô hình “nhà bán trú container – nâng bước em đến trường” triển khai thí điểm tại Trường PTDT bán trú THCS Trà Lãnh trong 2 năm vừa qua, đến nay nảy sinh nhiều vấn đề bất cập như: tính an toàn, đảm bảo sức khỏe cho học sinh; điều kiện xây dựng, công tác bảo trì, đảm bảo hoạt động... cho nên không thể triển khai nhân rộng mô hình này. Chính vì vậy, nhằm đảm bảo điều kiện ăn ở cho học sinh bán trú, ngành GD&ĐT các huyện miền núi, các đơn vị trường học cần linh hoạt vận dụng điều kiện hệ thống cơ sở vật chất thực tế của mình để sắp xếp, bố trí và tổ chức hoạt động bán trú cho học sinh. Cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho con em học sinh, giúp học sinh yên tâm học tập, nâng cao chất lượng dạy học, duy trì sĩ số học sinh, ngăn ngừa hiệu quả tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.