Báo Công An Đà Nẵng

Dự án thủy điện "treo" đất nhà nông

Thứ hai, 03/11/2014 09:59

(Cadn.com.vn) - Hơn 700ha đất canh tác của hơn 440 hộ dân ở 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới (TT-Huế) đã phải nhường lại cho 2 dự án thủy điện (DATĐ) Thượng Nhật (H. Nam Đông) và A Lin (H. A lưới) từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến nay 2 dự án thủy điện trên gần như "đứng bánh", đất đai đã thu hồi thì bỏ hoang, trong khi đó người dân không có đất sản xuất khiến đời sống của họ gặp vô vàn khốn khó...

Dù được cấp phép gần 10 năm nhưng DATĐ Thượng Nhật chỉ xây được đoạn đường ngắn.

ĐẤT "TREO", DÂN KHỔ

Năm 2006, UBND tỉnh TT-Huế cấp phép xây dựng DATĐ Thượng Nhật với kinh phí hơn 126 tỷ đồng do Cty CP sản xuất vật liệu xây dựng Cosevco 1 làm chủ đầu tư. UBND tỉnh đã phải thu hồi hơn 230ha đất trồng cao su, rừng keo và hoa màu của hơn 200 hộ dân ở xã Thượng Nhật giao cho chủ đầu tư. Đến tháng 2-2008, dự án được chuyển đổi sang chủ đầu tư khác là Cty CP đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam và dự kiến đến năm 2009, TĐ Thượng Nhật sẽ vận hành. Thế nhưng, DA chỉ triển khai được vài công trình phụ trợ nhỏ (khoảng 10% khối lượng công trình) rồi "đắp chiếu" cho đến nay.

Bà Hồ Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật cho biết, từ khi DA triển khai đến nay, phía chủ đầu tư chỉ mới thực hiện việc đền bù đất đai và tài sản trên đất với số tiền hơn 1 tỷ đồng cho 99 hộ dân. Ngoài ra, hơn 100 hộ dân nằm trong vùng lòng hồ thủy điện vẫn chưa nhận đền bù, dù đã giao đất.

Ông Nguyễn Ngọc Đoàn (trú thôn 2, xã Thượng Nhật), người có hơn 5ha đất trồng keo và cao su nằm trong diện bị thu hồi bởi DATĐ Thượng Nhật, cho biết: "Từ năm 2005 đến nay, sau khi đất được kiểm kê chờ đền bù, gia đình tôi không có đất sản xuất. Gần 10 năm qua, vợ chồng tôi phải khốn khổ làm thuê để nuôi con". Trường hợp của gia đình ông Đoàn cũng là cảnh ngộ chung hàng loạt hộ dân ở các thôn 2, 3, 4 của xã Thượng Nhật. Theo UBND xã Thượng Nhật, từ năm 2005 đến nay, sau khi được cấp phép đầu tư, dự án mới chỉ thi công được 1 đoạn đường ngắn và 1 cây cầu nhỏ rồi "trùm mền". Vì chờ giải tỏa nên hoạt động  trên 230ha đất này đình trệ, cuộc sống của người dân khốn đốn.

Theo ông Trần Văn Biển, Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật: Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép đầu tư đối với dự án để trả lại đất cho người dân phát triển sản xuất. Tuy nhiên, tỉnh cho biết dự án đang tạm thời ngừng xây dựng và không cho biết sẽ ngừng trong thời gian bao lâu...

Khu vực hầm xuyên núi của thủy điện A Lin B1 bỏ hoang
được người dân tận dụng làm hồ nuôi cá.

ĐẨY DÂN VÀO CHỖ KHÓ

Tương tự, DATĐ A Lin B1 do Cty CP thủy điện Trường Phú làm chủ đầu tư được UBND tỉnh TT-Huế cấp giấy chứng nhận vào năm 2008. Năm 2009, DA này được cấp giấy chứng nhận thay đổi lần 1, lần 2 tại các xã: Hồng Trung, Hồng Vân (H. A Lưới) và xã Phong Xuân (H. Phong Điền) với tổng diện tích hơn 471 ha với tổng mức đầu tư 917,5 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đền bù là 39 tỷ đồng, xây dựng khu TĐC là 13 tỷ đồng... Dù là thủy điện có quy mô vừa và nhỏ nhưng dự án thủy điện A Lin đã và đang làm cho 242 hộ dân ở các thôn A Năm, Ta Lo, A Hố và Ka Cú 2 ở xã Hồng Vân rơi vào cảnh mất đất sản xuất. Ông Hồ Văn En, một hộ dân bị thu hồi đất nói: "Từ ngày giao đất cho thủy điện, vợ chồng tui không còn đất sản xuất đành phải đi làm thuê, làm mướn".

Ông Lê Văn Cắt, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Hồng Vân cho hay: "Sau quá trình khảo sát, 25 hộ dân ở thôn A Năm, 6 hộ dân ở thôn Ta Lo và 3 hộ dân ở thôn Ka Cú 2 nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện A Lin buộc phải di dời lên khu TĐC A Năm. Nếu chiếu theo chủ trương của Nhà nước đối với người dân TĐC thủy điện: "nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ", thì quả thực nơi đây không đạt tiêu chuẩn. Bởi lẽ, đất đai ở chỗ TĐC được chủ dự án phân chia quá ít và cằn cỗi, trong khi đó nhà cửa vừa xây dựng nhưng đã xuống cấp, nứt nẻ nên bà con không ai chịu đến ở. Đó là chưa kể đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở phía sau khu TĐC...".

Mặc dù cơ quan chức năng nhiều lần đôn đốc, DATĐ A Lin B1 cam kết với UBND tỉnh TT-Huế sẽ hoàn thành vào quý III-2014 nhưng hiện, công trình này chỉ mới triển khai xây dựng một số hạng mục. Ông Lê Đình Khánh, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh TT-Huế cho biết, hiện Sở này đang kiến nghị UBND tỉnh cho phép nhà đầu tư được gia hạn tiến độ triển khai thực hiện DA với điều kiện nhà đầu tư cam kết ký quỹ, đảm bảo thực hiện dự án theo quy định.

Việc hàng trăm héc-ta đất sản xuất của người dân phải nhường cho các DATĐ nhưng đến nay vẫn "án binh bất động" hoặc thi công cầm chừng không chỉ khiến người dân rất bức xúc, mà đã tác động tiêu cực đến đời sống người dân. Do đó, chính quyền, ngành chức năng của TT-Huế cần xem xét lại có nên tiếp tục cho thực hiện những DATĐ như trên?

H.Lan