Báo Công An Đà Nẵng

Dự án vaccine Covid-19 toàn cầu: Mỹ từ chối, Trung Quốc nhảy vào

Thứ sáu, 04/09/2020 16:14

Trung Quốc ngầm bày tỏ ý định tham gia chương trình vaccine ngừa Covid-19 toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tài trợ - sáng kiến mà Tổng thống Mỹ tuyên bố không muốn gia nhập.

Một tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 ở Mỹ. Ảnh: AP

Mỹ thúc đẩy phân phối vaccine ngừa Covid-19 trước bầu cử tổng thống

Truyền thông Mỹ đưa tin chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã hối thúc các bang nước này sẵn sàng phân phối vaccine ngừa Covid-19 vào ngày 1-11 tới, chỉ hai ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống.

Cty McKesson Corp có trụ sở tại Dallas đã đạt được thỏa thuận với chính phủ liên bang và sẽ xin cấp giấy phép để thiết lập các trung tâm phân phối khi có vaccine. Trong thư gửi thống đốc và cơ quan y tế các bang ngày 27-8 vừa qua, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield nhấn mạnh thời gian cần thiết để xin được giấy phép là cản trở lớn đối với thành công của chương trình y tế công khẩn cấp này. Do đó, CDC khẩn thiết đề nghị các bang hỗ trợ giải quyết các đơn xin lập cơ sở phân phối. Giám đốc Redfield đề nghị các bang bỏ các quy định cản trở những trung tâm này đi vào hoạt động đầy đủ từ ngày 1-11 tới.

Sáng kiến Chia sẻ Vaccine COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Sẵn sàng Đối phó Đại dịch (Cepi) và Liên minh Vaccine Toàn cầu (Gavi) đồng bảo trợ đang kêu gọi các quốc gia cùng tham gia.

Với 9 loại vaccine ngừa Covid-19 đang được phát triển bởi các Cty dược phẩm và các trường đại học, COVAX đặt mục tiêu cung cấp các loại vaccine an toàn, hiệu quả ngay sau khi chúng được chấp nhận cho tất cả các quốc gia tham gia. Dự án sẽ ưu tiên cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe, sau đó là các nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi và những người có bệnh từ trước, trước khi phân phối phần còn lại dựa trên nhu cầu của các quốc gia. Nhiều chyên gia y tế cho rằng, cách tiếp cận đa phương về phát triển, lưu thông vaccine là phù hợp nhất, giúp thế giới tránh xung đột và tính thiếu hiệu quả - điều mà chắc chắn sẽ nổi lên nếu từng quốc gia riêng lẻ tự theo đuổi kế hoạch cho riêng mình. Những nước nghèo cũng sẽ chịu thiệt thòi nếu không có  khâu điều phối trung tâm, cũng như nguồn tài trợ cho phát triển vaccine.

Cho đến nay, 80 quốc gia đã đăng ký làm đối tác “tự tài trợ tiềm năng”, với 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ nhận được sự hỗ trợ và quyền tiếp cận của của họ bằng cách phối hợp cùng nhau. COVAX đề ra mục tiêu cho ra lò 2 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021, cung cấp cho khoảng 20% dân số nằm trong diện dễ bị tổn thương bởi Covid-19 tại hơn 170 quốc gia có tham gia vào sáng kiến này. Nhưng điều đó đòi hỏi sự phối hợp nhiều hơn và cũng như sự đóng góp tài chính - ít nhất 1 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển, theo WHO.

Vì sao Mỹ từ chối?

Khi được yêu cầu xác nhận thông tin Mỹ sẽ không tham gia COVAX, phát ngôn viên Nhà Trắng, Judd Deere, hôm 1-9 cho biết: “Mỹ sẽ tiếp tục can dự với các đối tác quốc tế để bảo đảm thế giới đẩy lui được virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không bị các tổ chức đa phương - chịu ảnh hưởng của WHO và Trung Quốc”.

Hôm 2-9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng “không quốc gia nào phù hợp với” cam kết của Mỹ trong việc cung cấp vaccine cho toàn thế giới. “Nhưng điều cấp thiết là khi chúng tôi làm điều đó, chúng tôi cần phải làm hiệu quả, không bị ảnh hưởng bởi chính trị, mà phải dựa trên cơ sở khoa học. Trong khi đó, chúng tôi đã được chứng minh từ WHO rằng tổ chức này không phải như vậy”. Việc ông Pompeo cáo buộc WHO bị ảnh hưởng bởi chính trị và không dựa trên cơ sở khoa học không phải là một cáo buộc mới, mặc dù các nhà phê bình cho rằng, cáo buộc này là vô cớ. Chính quyền Tổng thống Trump hồi tháng 5 tuyên bố rút khỏi WHO và cắt nguồn tài trợ cho tổ chức này. Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO và đóng góp đến 450 triệu USD cho tổ chức. Tổng thống Trump cáo buộc, WHO bị Trung Quốc tác động.

Ông Garrett Grigsby, Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Toàn cầu tại Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, đưa ra một lý do khác với ông Pompeo. Ông Grigsby cho rằng, Mỹ sẽ tập trung vào người Mỹ trước tiên. Điều này có thể được dân Mỹ ủng hộ, nhưng lại bị các chuyên gia y tế công cộng cho là thiển cận và Washington đang đánh cược vào hiệu quả của việc tự phát triển vaccine. Các chuyên gia y tế cho rằng việc Mỹ từ chối tham gia vào COVAX cũng khuyến khích các quốc gia khác làm điều tương tự. Việc này có thể dẫn đến hành động tích trữ và làm tăng giá vaccine.

Trung Quốc nói gì?

Trung Quốc ngầm bày tỏ ý định tham gia chương trình vaccine toàn cầu do WHO sau khi Mỹ tuyên bố không muốn gia nhập.

COVAX hướng đến việc mọi quốc gia có cơ hội công bằng trong tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 an toàn, hiệu quả và điều này cũng “nhất quán với mục tiêu của Trung Quốc”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu tại cuộc họp báo hôm 2-9.  Bà Hoa Xuân Oánh cũng cho biết, Trung Quốc đang trong quá trình tham vấn chặt chẽ, nổi bật là cuộc điện đàm trực tuyến ngày 1-9 với các thực thể đứng sau sáng kiến COVAX là WHO, Cepi, Gavi. Tại cuộc điện đàm, các bên đã trao đổi về những vấn đề liên quan, cam kết sẽ hợp tác thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vaccine Covid-19.

Hồi tháng 5, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết vaccine do Trung Quốc nghiên cứu phát triển sẽ được chia sẻ với thế giới. Nhưng từ đó đến nay Bắc Kinh vẫn chưa khẳng định sẽ gia nhập COVAX. Tại một cuộc họp báo hồi tháng trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh “đang nghiên cứu” khả năng trở thành thành viên của COVAX. Dù chưa hẳn là một cam kết tham gia tuyệt đối, nhưng quan điểm của Trung Quốc cũng mang tính khích lệ hơn nhiều so với Mỹ - nước đã thẳng thừng từ chối tham gia COVAX.

AN BÌNH