Dự báo một kỳ thi chung nhiều thách thức
(Cadn.com.vn) - Dù chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên, sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 (Quy chế tuyển sinh 2015), dư luận dự báo, kỳ thi chung “hai trong một” lần đầu tiên được tổ chức đầu tháng 7-2015 tới sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức.
Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám, thầy Phan Văn Tánh cho rằng, so với dự thảo, Quy chế tuyển sinh năm 2015 không gây bất ngờ. Điều khiến thầy cũng như nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục (GV, CBQLGD) quan ngại là việc triển khai, tổ chức thi theo hình thức thi cụm như thế nào để đảm bảo cho kỳ thi chung diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Đối với diện HS đăng ký thi cụm liên tỉnh vừa để công nhận tốt nghiệp vừa tham gia xét tuyển ĐH, CĐ, việc tổ chức thi cụm theo phương án di chuyển HS về cụm thi tại Đà Nẵng (ít nhất hai tỉnh, thành) sẽ gây áp lực nặng về tâm lý cho HS bởi sự xáo trộn HS giữa tỉnh này với tỉnh khác.
Tâm lý thí sinh (TS) dự thi cũng sẽ khác hơn nhiều so với tâm lý TS dự thi năm trước bởi đây là kỳ thi chung vừa là cơ sở để xét tốt nghiệp THPT vừa là cơ sở để xét tuyển ĐH, CĐ nên từ khâu ra đề thi đến khâu coi thi, chấm thi sẽ khó, gay gắt và có tính cạnh tranh cao hơn so với kỳ thi tốt nghiệp riêng biệt. Nếu TS không được chuẩn bị tâm lý tốt, chủ quan, ỷ lại sẽ làm bài thi không tốt.
Cũng theo Hiệu trưởng Phan Văn Tánh, trong quy chế, phần coi thi và xử lý các hình thức kỷ luật trong phòng thi còn nhiều điểm chưa hợp lý, chồng chéo, chưa tường minh dễ dẫn đến việc hiểu và xử lý theo kiểu nào cũng được, gây bất lợi cho TS nếu cán bộ coi thi (CBCT) không đều tay. Trong khi đó, CBCT năm nay lại bao gồm nhiều thành phần: giáo viên phổ thông, giảng viên và SV năm cuối...
HS Đà Nẵng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Ảnh: P.T |
Đối với việc sử dụng thang điểm 10, theo thầy Tánh, khả năng tỉ lệ HS rớt tốt nghiệp sẽ nhiều hơn so với các năm trước, bởi đề thi chung theo hướng tích hợp giữa xét tốt nghiệp THPT với xét tuyển ĐH sẽ khó hơn so với đề thi tốt nghiệp THPT riêng biệt. Vì vậy, để đạt 5/10 điểm cũng khó đối với HS của những trường THPT có điểm đầu vào thấp và những điểm trường vùng sâu, vùng xa... Tuy nhiên, Hiệu trưởng Phan Văn Tánh cho rằng, cách ra đề tích hợp này sẽ đánh giá thực chất việc dạy và học của các trường phổ thông.
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền, cô Lê Thị Tuyết Hồng quan điểm: “Tôi ủng hộ chủ trương thi chung bởi nó giảm áp lực thi cử cho HS, vừa đỡ tốn kém tiền của của gia đình và xã hội. Điều tôi băn khoăn, quan ngại nhất chính là cách tổ chức thi theo cụm như thế nào để không tạo áp lực về tâm lý cho HS, không gây quá nhiều tốn kém tiền của cho phụ huynh HS, xã hội; công tác đảm bảo ANTT và công tác coi thi, chấm thi phải làm sao thực sự nghiêm minh, chặt chẽ, đồng bộ. Muốn như vậy, đội ngũ CBCT, chấm thi phải đều tay; quy chế coi thi, xử lý kỷ luật trong phòng thi phải nhất quán, rõ ràng, tường minh. Riêng về tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm nay, tôi nghĩ, chắc không đến nỗi nào đâu. Bởi lẽ việc xét tốt nghiệp đâu chỉ có dựa vào điểm thi mà còn dựa vào học bạ, điểm khuyến khích, học nghề... Việc ra đề thi chung tích hợp giữa xét tuyển tốt nghiệp THPT và ĐH nên đương nhiên phải có tính phân hóa cao”.
Bàn sâu hơn về vấn đề tổ chức thi cụm, Hiệu trưởng Tuyết Hồng lấy ví dụ, những năm 1977-1978, khi đất nước còn khó khăn vẫn tổ chức thi theo cụm nhưng không di chuyển TS đi thi mà lại cử cán bộ coi thi về các điểm thi. Ngày nay, đời sống hiện đại hơn, không lý gì lại gây khó khăn cho TS trong việc di chuyển.
Mặt khác, việc di chuyển TS từ các tỉnh thành (dự kiến ở Đà Nẵng có khả năng bao gồm HS Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi) sẽ khiến cho khâu tổ chức, đảm bảo ANTT cho kỳ thi sẽ vô cùng phức tạp, chưa kể cơ sở vật chất, phòng thi với khối lượng TS dồn về cùng một lúc tại Đà Nẵng rất lớn liệu có đảm bảo?
Về cấu trúc đề thi, Hiệu trưởng Lê Thị Tuyết Hồng cho biết, năm 2014, khi Bộ GD-ĐT có chủ trương đổi mới phương pháp ra đề thi theo cấu trúc đề mở, có tính phân hóa nhằm phân loại HS, tạo tiền đề cho việc đổi mới kỳ thi năm nay, nhà trường đã nghiên cứu cách ra đề thi tốt nghiệp và ĐH của năm 2014 để trên cơ sở đó phân loại năng lực học tập HS của trường mình. Theo thống kê, tại kỳ thi tuyển sinh năm 2014, có trên 68% HS khối lớp 12 của trường đạt đủ điểm sàn để xét tuyển ĐH, trong đó có 11% HS đỗ ĐH nguyện vọng 1.
Đối chiếu với thực lực của các em, nhà trường nhận thấy đề thi ĐH, CĐ năm 2014 đã đánh giá đúng thực chất năng lực học tập của HS trường mình. “Đề thi năm ngoái đã có tính phân hóa rất tốt, phản ánh đúng thực chất chất lượng của các em. Tôi không sợ tỉ lệ HS đỗ tốt nghiệp trường mình không cao, chỉ sợ trường hợp “đỗ oan”, không thực chất. Xã hội cũng như những thầy cô có tâm huyết với nghề đang mong muốn việc dạy-học phải đi vào thực chất, không chạy theo thành tích...”, cô Hồng nói.
Trước đó, khi Quy chế tuyển sinh năm 2015 chưa được Bộ GD-ĐT chính thức công bố, thầy Lê Vinh - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú đã dự báo kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ có nhiều khó khăn, có tính cạnh tranh cao, có sự phân hóa rõ rệt, tạo cơ sở để xét tuyển vào ĐH, CĐ thông qua một kỳ thi chung: hai trong một. Với hình thức tổ chức theo cụm nên sự nghiêm túc, nghiêm ngặt vì thế cũng tăng cao.
Theo đó, thầy Lê Vinh cho rằng, đối với những HS có tư tưởng “chờ sung rụng” nếu không tự mình thay đổi trong cách học sẽ khó lòng có cơ may trong kỳ thi sắp đến. Một số CBQLGD và các thầy cô dạy THPT băn khoăn về môn thi ngoại ngữ, HS có quyền được chọn ngoại ngữ 2 thay cho ngoại ngữ chính mà các em theo học hay không?
Ông Lê Trung Chinh- Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết, trong khi chờ đợi văn bản hướng dẫn chính thức từ Bộ GD-ĐT, Sở đã chỉ đạo cho các đơn vị trường học nghiên cứu, phổ biến Quy chế tuyển sinh năm 2015 cho HS nắm bắt. Sau khi Bộ GD-ĐT có hướng dẫn cụ thể, Sở sẽ chủ trì việc triển khai, phổ biến và giải đáp các thắc mắc liên quan trong Quy chế tuyển sinh.
Trước đó, Sở đã có buổi làm việc với ĐHĐN bàn kế hoạch, phương án để triển khai cho một kỳ thi chung. Sau khi Bộ GD-ĐT có hướng dẫn cụ thể, sẽ làm việc lại với ĐHĐN để xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể hơn. Sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khâu đảm bảo ANTT, an toàn kỳ thi cũng như các khâu có liên quan khác. Tuy nhiên, ngành sẽ phối hợp cùng với ĐHĐN và các ngành có liên quan sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế.
Phan Thủy