Du ca nghêu ngao
(Cadn.com.vn) - Đang lướt "phây", một dòng tin nhắn hiện ra ở inbox: "Anh đang làm gì đấy?" "Thì đang... lướt phây". "Có chuyện này nhờ anh tí. Em định sau Tết làm một chuyến du ca nghêu ngao, anh giúp em một tay khi đổ bộ lên đấy"... Hoàn toàn là một cuộc chat nghiêm túc chứ không phải để... nạp card điện thoại nhé. Người vừa nhảy vào chat với tôi là nhạc sĩ Diệp Chí Huy. Tôi quen Diệp Chí Huy cũng qua facebook, và mới gặp anh một lần duy nhất ở Đà Nẵng, chừng 30 phút ở một cuộc cà-phê. Nhưng sau đấy thì anh có lấy một bài thơ của tôi, cũng trên facebook, phổ, nghe nói là hay, bài thơ "Hồi ức rơm rạ", anh đổi tít thành "Thấp thoáng tuổi thơ tôi trên cánh đồng"...
Lục lại hết các tụ điểm ở Pleiku, thấy có rất ít các quán bar, phòng trà như các nơi khác, dù quán cà-phê thì bạt ngàn vô thiên lủng. Chợt nhớ 2 lần được mời làm MC cho 2 cuộc gặp nhà thơ Du Tử Lê và nhà thơ Phạm Thiên Thư ở 2 quán cà-phê Pleiku đều có nhân vật là Huỳnh Quang Vũ. Bèn nhắn Huy là có biết Vũ không. Biết. Thế thì liên hệ với Vũ xem sao, hiện nay hắn đang là quản lý cho cà-phê Vương Cát Trà. Bỏ Sài Gòn lên Pleiku làm quản lý quán cà-phê chứng tỏ hắn có uy tín rất cao trong nghề... quản lý.
Tác giả giới thiệu nhóm du ca Nghêu ngao với khán giả Pleiku. |
Thế mà rồi thành công với cam kết miệng: cứ lên đi, quán sẽ chịu trách nhiệm âm thanh, ánh sáng. Chỉ thế mà dám kéo quân đi thì cũng đáng ngại thật, nhất là ở Pleiku hầu như người ta chưa biết Diệp Chí Huy là ai, dù anh mới tổ chức 2 liveshow ở Đà Nẵng và Sài Gòn để giới thiệu album "Ngày gió qua sông" khá thành công. Để chắc chắn, Huy nhắn với tôi, nhờ qua lại quán đốc thúc việc chuẩn bị, và anh gửi lên quán ấy 2 cái trống Djembe của Nam Phi nhờ bán để lấy tiền... du ca. Chưa thấy ai lãng tử như thế, cứ đi, tới đâu thì tới, được hát là thích rồi.
Mà nào chỉ 1 người, đến 4 - 5 người như thế. Đầu tiên là Thành Nguyễn. Anh là nhiếp ảnh gia chuyên chụp hình cho giới showbiz, là người sáng lập ra nhóm nhạc đình đám MTV, đã chụp rất nhiều ảnh cho Đàm Vĩnh Hưng, là nhiếp ảnh gia đầu tiên lên truyền hình FTV, kênh thời trang truyền hình nổi tiếng thế giới, rất yêu nhạc Diệp Chí Huy, là người thúc giục và thuyết phục Diệp Chí Huy ra album này. Anh chàng này có mặt ở tất cả các liveshow của Diệp Chí Huy, và ở chuyến đi này, anh lái xe từ Sài Gòn lên Bảo Lộc đón tài xế rồi thay nhau lái về Bình Định đón Diệp Chí Huy đang "nghêu ngao" ở đấy rồi tham gia hết hành trình.
Rồi nghệ sĩ Trần Xuân Violist, là tay chơi violon thuộc loại "thần sầu quỷ khóc", anh là nhạc công violon chuyên nghiệp từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước cho các đoàn ca múa nhạc chuyên nghiệp Nghĩa Bình, Phú Khánh... Xem anh múa những ngón tay trên phím đàn nhiều người sẽ có thể không hiểu về nhạc cụ này nhưng cũng mê mẩn trước sự điêu luyện của anh. Rồi Nguyễn Thoa, Hữu Đức, Đình Dzũ... là các ca sĩ trẻ... tất cả lập một gánh nghêu ngao du ca... Tất nhiên Diệp Chí Huy là chính. Anh là người thiết kế, rồi thực hiện chính, là người lo mọi chuyện cho chuyến đi, và khi vào cuộc thì anh là người hát sô lô nhiều nhất, bao đến hơn nửa chương trình.
Cuộc đi diễn ra như thế này, trình ra cho bạn đọc... nể: Mồng 6 Tết nghêu ngao tại Bình Định, mồng 7 tại Pleiku, mồng 8 Sông Cầu- Phú Yên, mồng 9 nghêu ngao tại Nha Trang, mồng 10 biểu diễn tại Resort 5 sao Diamond Bay, nơi tổ chức các cuộc thi hoa hậu hoàn vũ ở Nha Trang, 11 Tết ở Phan Rang, 12 ở Đà Lạt, 13 ở Bảo Lộc, 14 và 15 Tết tại TP Hồ Chí Minh... Tất cả chất nhau lên một cái xe 7 chỗ, cứ thế ngày đi đêm diễn. Mà rất A ma tơ, hoàn toàn không hợp đồng trước, cứ điện thoại, hẹn, lên đến nơi lao vào xem địa điểm, kiếm chỗ ăn chỗ ngủ xong là... diễn. Khi tốp nghêu ngao đổ bộ lên Pleiku đã là... 4 giờ chiều. Mấy cái trống gửi ở quán cà- phê không bán được cái nào. Quả là tôi cũng ái ngại cho họ, bởi lang thang thế lấy tiền đâu chi phí. Tôi bày tỏ sự băn khoăn thì Diệp Chí Huy cười: "Kệ, cứ được hát là thích rồi".
Hôm ấy Vương Cát Trà dành toàn bộ lầu 2 cho "Ngày gió qua sông". Họ phải thuê âm thanh, ánh sáng và nhân viên phục vụ. Khách đến uống cà phê bình thường thì ở dưới, ai thích nghe hát thì lên lầu, vé bán 100 ngàn đồng, nước 4 chục nữa. Gần 2 tiếng đồng hồ, năm, sáu con người quần quật liveshow, riêng Diệp Chí Huy, vừa là người dẫn, vừa hát khoảng một nửa chương trình, vừa đệm đàn... Xong là tôi về ngay, tránh lời mời ăn khuya của nhóm, bởi cứ thon thót áy náy cái sự không bán được trống họ lấy gì đi tiếp. Sáng sớm tôi gọi điện thoại hỏi thì Huy kể: anh chị chủ quán cà-phê rất tốt, kêu em ra nói: "Tối qua bán vé được hơn 7 triệu đồng, anh chị bỏ thêm gửi cho bọn em tròn 8 triệu đồng"...
Thực ra hỏi Diệp Chí Huy có phải nhạc sĩ chuyên nghiệp hay không thì cũng khó mà trả lời. Anh tiếp xúc với âm nhạc khá sớm. Từ năm 1970 khi mẹ anh mở quán cà-phê có chơi nhạc sống, có hẳn dàn Akai (thứ mốt nhất thời ấy), nhiều tay chơi âm nhạc ghé đến, anh làm quen rồi tập tành với đàn từ đấy. Thời trung học đã cùng mấy người bạn lập ban nhạc, sinh viên thì chơi Lead guitar cho trường suốt 5 năm học. Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã có nhận xét âm nhạc Diệp Chí Huy "là thứ âm nhạc tử tế đang còn nằm trong bóng tối", vì lẽ đó anh đã nhận lời làm MC Chương trình tác giả tác phẩm "Tôi về đếm lại ca dao" của Diệp Chí Huy công diễn tại Nhà hát Trưng Vương TP Đà Nẵng hồi năm 2013. Anh cũng là người nhận lời giới thiệu chương trình âm nhạc "Ngày gió qua sông" lần này tại Sài Gòn sau khi nghe album CD này như anh thổ lộ trước cử tọa đêm ấy rằng anh khá khắt khe trong việc nhận lời giới thiệu âm nhạc và album này thuyết phục được anh nhận lời
...Hiện Diệp Chí Huy mở công ty kinh doanh Khai Phi chuyên kinh doanh mặt hàng có nguồn gốc nhập khẩu từ Châu Phi về, đặc biệt là mặt nạ Châu Phi và trống Djembe. Thực ra là anh quá mê nó mà dấn thân chứ theo nhiều người thì kinh doanh món này còn khó hơn... sáng tác nhạc nữa. Nhưng anh thì bảo, tiền lãi chút chút đủ để mình... chơi nhạc, kinh doanh để chơi nhạc, để thỏa chí nghêu ngao, không ảnh hưởng đến gia đình thì quả là thú chơi hết sức tao nhã. Chưa hết, sau chuyến đi vừa rồi, có vẻ... thắng lợi, anh thổ lộ sẽ chuyên tâm hơn vào âm nhạc, ngoài sáng tác sẽ biểu diễn nữa, để có tiền nuôi con ăn học..."Nghêu ngao" là tên một ca khúc và cũng là tên một đêm nhạc của Diệp Chí Huy tổ chức năm 2008.
Nghêu ngao, hát không chủ đích, không toan tính, tiếng hát cất lên tự nhiên bằng một tình yêu thuần khiết với âm nhạc "dù là giấc mơ, sẽ buồn, biết rất buồn, rộn ràng lời hát bâng quơ ru tôi tình đấu". Hỏi cái được nhất của chuyến du ca nghêu ngao này là gì, anh ha hả cười: "Được nhất là từng ấy con người, cá tính khác nhau, thậm chí đối lập, nhưng đã... an toàn bên nhau đến ngày cuối cùng. Cái được tiếp theo, là sau cái đêm diễn tiếng Việt cho người nước ngoài nghe, thì té ra, những âm những chữ ấy, nó có khả năng... vượt biên để làm những người bất đồng ngôn ngữ vẫn ngồi nghe đến hết buổi".
Văn Công Hùng