Du lịch biển, đảo của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có
Du lịch biển còn mang tính thời vụ, thiếu kết nối đồng bộ
Theo các đại biểu, với những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, du lịch biển đã thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm, cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, có sự tham gia rất tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đã cho thấy vị thế của du lịch biển đối với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Các địa phương cũng sớm nhận ra tiềm năng về du lịch biển đảo và xác định những nhiệm vụ quan trọng trong đầu tư, khai thác và nâng tầm loại hình du lịch này. Tuy nhiên, so với những gì mà thiên nhiên ban tặng, tầm vóc của du lịch biển đảo Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn.
Ông Nguyễn Xuân Bình- Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, du lịch biển đảo là một trong những sản phẩm được yêu thích nhất và được xác định là sản phẩm đặc thù của Đà Nẵng. Thời gian qua TP đã tạo dựng được thương hiệu trong nước và quốc tế với một số loại hình thể thao, vui chơi giải trí dưới nước. Du lịch đường thủy nội địa được quy hoạch phát triển với 10 tuyến vận tải hành khách và đã đưa vào khai thác sản phẩm du lịch đường thủy nội địa khám phá vịnh, Bán đảo Sơn Trà… Sản phẩm du lịch biển, đảo Đà Nẵng mặc dù đã có thương hiệu nhưng so với tiềm năng thì phát triển vẫn còn chưa tương xứng. Đáng chú ý là các hoạt động thể thao, giải trí biển còn ít, chỉ mới thu hút được đối tượng khách phổ thông, chưa có phân khu riêng cho khách cao cấp. Cùng với đó, hệ thống cảng, bến thủy nội địa quy mô nhỏ, tạm thời, hạ tầng chưa đảm bảo. Việc đầu tư điểm đến, sản phẩm dịch vụ gặp nhiều trở ngại, khó khăn do liên quan đến yếu tố quốc phòng an ninh hoặc chưa phân định được ranh giới hành chính. Cơ chế thu hút đầu tư các loại hình du lịch cao cấp như du thuyền, trung tâm mua sắm, tổ hợp vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế cũng chưa đủ hấp dẫn. "Đà Nẵng hiện đang kiến nghị Trung ương chỉ đạo Bộ GTVT sớm tổ chức rà soát, hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước, phê duyệt quy hoạch đầu tư cảng, bến thủy nội địa phục vụ du lịch tích hợp vào Quy hoạch Giao thông Vận tải TP Đà Nẵng và Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để định hướng, đầu tư xây dựng. Chúng tôi cũng kiến nghị các bộ ngành xem xét, bổ sung nội dung quy hoạch hệ thống cảng, bến thủy nội địa phục vụ du lịch vào hệ thống quy hoạch đường thủy nội địa quốc gia để thuận lợi trong việc kêu gọi nhà đầu tư", ông Bình kiến nghị.
Trong khi đó, theo ông Đinh Mạnh Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên- Huế, cơ sở hạ tầng về du lịch biển đảo tại địa phương này còn yếu kém, manh mún. Hệ thống đường bộ cao tốc chạy dọc ven biển để nối liền thành phố triển khai quá chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, giảm tính cạnh tranh vùng miền. Cùng với đó, hạ tầng trên đảo chưa được đầu tư, chỉ khai thác du lịch theo tính tự phát. "Để khai thác dịch vụ du lịch biển, đảo đòi hỏi phải có nguồn lực lớn để giải phóng mặt bằng, hạ tầng kết nối toàn tuyến. Những hạn chế nói trên khiến ngành du lịch chưa hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế lớn, các doanh nghiệp có thương hiệu", ông Thắng cho hay.
Theo ông Đặng Đông Hà - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, ngoài một số điểm sáng trong thời gian qua, du lịch biển Quảng Bình vẫn tồn tại những khó khăn, hạn chế. Các sản phẩm du lịch biển chưa đa dạng, chủ yếu là du lịch tắm biển, du lịch nghỉ dưỡng biển. Trong tổng số 36 sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ có 2 điểm du lịch địa phương là bãi tắm biển Bảo Ninh và bãi tắm biển Nhật Lệ, nhưng chuỗi cung ứng dịch vụ đi kèm chưa nhiều. Bên cạnh yếu tố cơ sở vật chất, công tác tổ chức và dịch vụ đi kèm cũng chưa thực sự hiệu quả. Việc quy hoạch khu vực các bãi biển đã được quan tâm nhưng chưa được triển khai đồng bộ. Các dịch vụ phụ trợ như trung tâm thương mại, khu vui chơi, giải trí, mua sắm, ẩm thực còn thiếu. "Du lịch biển Quảng Bình mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng vẫn như "nàng tiên chưa tỉnh giấc", chưa là điểm đến du lịch hấp dẫn được du khách trong và ngoài nước biết đến", ông Hà chia sẻ.
Phát triển kinh tế biển gắn với tạo sinh kế bền vững
Ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ VH- TT và DL nhấn mạnh, du lịch và dịch vụ biển được xác định là ngành kinh tế biển đến năm 2030 phát triển thành công và đột phá theo thứ tự ưu tiên hàng đầu như đã đề ra tại Nghị quyết 36-NQ/TW của BCH Trung ương ngày 22/12/2018 về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045". Thời gian vừa qua, các hoạt động du lịch biển đảo đã chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Trong giai đoạn 2010 - 2019, lượng khách đến các địa phương ven biển tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước với 13,6%/năm đối với khách quốc tế và 12,3% đối với khách nội địa. Chỉ tính riêng năm 2019 đã đạt trên 34 triệu lượt khách quốc tế và 145,6 triệu lượt khách nội địa, mang lại tổng thu từ du lịch đạt 508 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 67,3% của cả nước. "Có thể thấy rằng, du lịch biển phát triển đã có phần đóng góp lớn cho việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân địa phương ven biển", ông Việt đánh giá.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ VH- TT và DL, việc khai thác du lịch biển, đảo của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Với định hướng trong thời gian tới, du lịch biển đảo Việt Nam sẽ chú trọng việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; phát triển du lịch biển gắn với công tác bảo vệ môi trường, phát huy truyền thống văn hóa, phát triển cộng đồng và bảo vệ chủ quyền quốc gia. "Ngành du lịch các địa phương, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cần mạnh dạn đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm phát triển du lịch đảo xứng với tiềm năng thế mạnh sẵn có của Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch biển đảo trở thành sản phẩm du lịch chủ đạo của ngành du lịch Việt Nam theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng- Phó vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế T.Ư, để sớm tận dụng được tiềm năng và đưa du lịch biển đảo Việt Nam bứt phá, các bộ ngành và địa phương cần kịp thời thể chế hóa nhiệm vụ giải pháp của các Nghị quyết đảm bảo khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Cùng với việc xây dựng, phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế, ngành du lịch phải tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững. Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, dù cần nhanh chóng đầu tư cho du lịch biển nhưng phải tổ chức không gian phân vùng sử dụng phù hợp, cả ở cấp độ quốc gia, vùng, tỉnh và điểm đến. Mặt khác cần chú trọng vấn đề phân kỳ phát triển, phù hợp với sức phát triển của thị trường, đồng thời dành dư địa cho những định hướng, ý tưởng mới trong tương lai. Từ những bài học về "khủng hoảng thừa" sản phẩm du lịch hay hệ thống khách sạn, các tỉnh thành cần quan tâm phát triển sản phẩm đa dạng cả về loại hình và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường. "Trong quá trình định hướng đầu tư cần dành ngân sách thỏa đáng cho bảo vệ môi trường, bảo tồn, tôn tạo tài nguyên. Cộng đồng dân cư ven biển cũng phải được tham gia vào quá trình làm du lịch và có quyền lợi thiết thực để họ chung tay bảo tồn, tôn tạo văn hóa bản địa", ông Tuấn đề xuất.
Đông A