Du lịch cộng đồng trong nông thôn mới
Những năm qua, Quảng Nam chú trọng khai thác các giá trị về di sản, văn hóa, sinh thái và nông nghiệp để phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Tỉnh cũng đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh liên kết với nhiều địa phương để đưa lĩnh vực được xem là mũi nhọn này phát triển nhanh, bền vững.
Du khách quốc tế đến với vùng quê Quảng Nam. |
Bước chuyển biến
Trên địa bàn Quảng Nam hiện có 2 Di sản văn hóa thế giới là Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An, có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, cùng 4 di tích quốc gia đặc biệt, 63 di tích quốc gia (trong đó 46 di tích ở khu vực nông thôn), 350 di tích cấp tỉnh (trong đó 300 di tích ở khu vực nông thôn).
Về di sản văn hóa phi vật thể, ngoài Nghệ thuật bài chòi đã được UNESCO công nhận di sản thế giới, Quảng Nam còn có 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hầu hết di sản này ở khu vực nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cạnh đó, tỉnh cũng có hơn 70 lễ hội truyền thống, 34 làng nghề tiêu biểu và nhiều hình thái di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng.
Khai phóng tiềm năng
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho biết, đối với phát triển du lịch nông thôn, Quảng Nam đã định hướng tại Nghị quyết số 08-NQ/TU (ngày 27-12-2016) của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Đồng thời tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi và Đề án định hướng phát triển du lịch phía nam đến năm 2025.
"Hiện nay các sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với hoạt động tham quan, trải nghiệm ở các làng quê, làng nghề nông thôn của tỉnh đã được nhiều địa phương quan tâm. Để thực hiện nội dung này, việc đẩy mạnh xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu và thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" - OCOP sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế du lịch nông thôn. Các nội dung này sẽ tương tác, thúc đẩy nhau cùng phát triển, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn", Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nói.
Ông Nguyễn Anh Tài- Trưởng phòng Kế hoạch & nghiệp vụ thuộc Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho hay, thời gian qua Quảng Nam tập trung xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch nông thôn chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động không gian sản xuất nông nghiệp, với quan điểm phát triển bền vững về môi trường sinh thái và văn hóa, các giá trị của nông nghiệp truyền thống. Một số sản phẩm nông nghiệp - nông thôn gắn với hoạt động du lịch đã được hình thành, phát triển trong những năm qua.
Cụ thể, tỉnh đã tập trung xây dựng 30 điểm du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng ở khu vực nông thôn, trong đó 7 điểm đã được UBND tỉnh công nhận điểm du lịch và 23 điểm đang trong giai đoạn xúc tiến đầu tư, hoàn thiện. Đặc biệt, hạ tầng giao thông kết nối đến các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng được chú trọng đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty lữ hành đưa khách đến tham quan, trải nghiệm.
Nhờ đó, các điểm đến bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, như chương trình trải nghiệm các hoạt động nghề nông ở làng rau Trà Quế và Thanh Đông, làng gốm Thanh Hà, rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh (Hội An); làng Triêm Tây (Điện Bàn), làng trái cây Đại Bình (Nông Sơn), làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh (Tam Kỳ)…
Đẩy mạnh liên kết vùng
Trong những năm qua, Quảng Nam luôn chú trọng việc đẩy mạnh liên kết hợp tác, phát triển du lịch với các địa phương khác trên cả nước. Năm 2006 tỉnh đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với tỉnh TT- Huế và TP Đà Nẵng; năm 2010 ký kết hợp tác với TP Hà Nội và TPHCM; năm 2015 tiếp tục "bắt tay" với Quảng Bình, Lâm Đồng, Cà Mau và các tỉnh khác thuộc khu vực miền Trung & Tây Nguyên.
Hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong nước và quốc tế đã tạo dựng hình ảnh, vị thế của Quảng Nam nói chung và du lịch nói riêng, góp phần thu hút đầu tư và thúc đẩy các ngành khác phát triển. Đặc biệt, mô hình liên kết Quảng Nam- Đà Nẵng- TT- Huế do tỉnh Quảng Nam đề xuất đã được Tổng cục Du lịch chọn làm điển hình công bố cho cả nước. Nội dung hợp tác của 3 địa phương luôn ưu tiên phát triển 2 dòng sản phẩm là "Con đường di sản" và "Đường mòn sinh thái".
Ngoài việc đẩy mạnh liên kết vùng, thời gian qua Quảng Nam cũng luôn tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng như Tổ chức Lao động quốc tế - ILO về dự án "Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền Quảng Nam"; dự án "Phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững tỉnh Quảng Nam"; Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế - FIDR về dự án "Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu tại H. Nam Giang"; dự án Trường Sơn Xanh về xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch sinh thái vùng Quảng Nam - Thừa Thiên Huế và xây dựng mô hình thí điểm du lịch sinh thái tại H. Tây Giang.
"Những dự án hợp tác quốc tế đã góp phần quan trọng trong phát triển các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng. Đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ, người dân về hoạt động du lịch. Đặc biệt, tăng cường liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các điểm được hỗ trợ…", ông Tài nhìn nhận.
Vẫn còn trở lực, nhưng Quảng Nam đang từng bước định hướng chiến lược cho phát triển du lịch nông thôn một cách tổng thể, tiến tới quy hoạch phát triển du lịch nông thôn một cách đồng bộ, liên kết chặt chẽ với ngành nông nghiệp đồng thời áp dụng chính sách thu hút các nhà đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sức khỏe, du lịch trải nghiệm giáo dục, du lịch ẩm thực, du lịch văn hóa dân gian đồng quê… Bên cạnh đó, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về du lịch, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển và hội nhập của du lịch...
QN.O