Du lịch Đà Nẵng đang đối mặt với nhiều thách thức
Đó là đánh giá của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh tại Hội thảo giải pháp phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2020. Hội thảo có sự tham gia của PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, Thạc sĩ Trần Chí Cường - Trưởng Ban Kinh tế ngân sách thành phố và các chuyên gia du lịch, đại diện các đơn vị lữ hành, khách sạn, lưu trú trên địa bàn.
Du khách tham quan cầu Tình yêu (Đà Nẵng). |
Ông Lê Trung Chinh khẳng định, thời gian qua thành phố đã có những giải pháp để phát triển du lịch với tư cách là một trong 3 trụ cột chính phát triển kinh tế xã hội. Chính vì vậy, ngành công nghiệp không khói đã có sự tăng trưởng về số lượng khách, đa dạng các thị trường khách cũng như các sản phẩm dịch vụ, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế. Tuy nhiên, với sự tăng trưởng nóng, du lịch thành phố cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nhất định, nhất là vấn đề môi trường, hạ tầng, giao thông, phát triển các sản phẩm mới. “Thành phố mong muốn được lắng nghe các chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra những ý kiến đóng góp, đề xuất, hiến kế để cùng nhau đưa ra giải pháp căn cơ phát triển du lịch một cách bền vững, chuyên nghiệp”, ông Chinh nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, ngành du lịch Đà Nẵng phải chuyển từ lượng sang chất, không nên chạy theo các con số thống kê mà nên chú trọng vào chất lượng khách. Để có chính sách phù hợp trong dự báo, hàng năm ngành du lịch thành phố nên điều tra, tìm hiểu xem mức độ chi tiêu, thời gian lưu trú, xu hướng tham quan, nghỉ dưỡng. Vai trò của du lịch Đà Nẵng không chỉ đơn thuần là điểm đến mà Đà Nẵng còn là “cửa ngõ của du lịch miền Trung” nhờ những lợi thế về hạ tầng giao thông, sân bay, cảng biển... Chính vì vậy, cần thiết phải xác định những sản phẩm kèm theo phát triển cho phù hợp với địa phương. Mặt khác, du lịch với tư cách là nòng cốt thì phải thúc đẩy được sự phát triển của nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực. Tại hội thảo, các chuyên gia, các doanh nghiệp đơn vị lữ hành, đại diện hiệp hội cũng đặc biệt quan tâm đến tính cần thiết phát triển du lịch kinh tế đêm, các giải pháp phát triển đường thủy nội địa, sân bay, chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực.
Khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng qua đường hàng không. |
Theo báo cáo của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng khách tham quan du lịch thành phố giai đoạn 2015-2019 đạt 17,88%. Riêng năm 2019, tổng lượng khách đến với thành phố đạt 8,69 triệu lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt 3,52 triệu lượt, khách nội địa ước đạt 5,17 triệu lượt, tổng thu du lịch đạt 30.973 tỷ đồng.
Định hướng phát triển du lịch của thành phố đến năm 2030 sẽ ưu tiên phát triển theo 4 nhóm sản phẩm chính gồm: Du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; Du lịch mua sắm, vui chơi, giải trí, hội nghị, hội thảo MICE; Du lịch văn hóa tâm linh, lịch sử, sinh thái, làng nghề; Du lịch đô thị gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực.
Công Khanh
Hội An nằm trong tour du lịch đắt đỏ nhất thế giới QUẢNG NAM - Tour du lịch mang tên Remote Wonders 2021 vừa được tờ The Sun gọi là tour du lịch đắt đỏ nhất thế giới dành cho những vị khách siêu giàu. Theo lịch trình, Hội An sẽ là 1 trong 7 điểm đến trong hành trình kéo dài 3 tuần với chi phí 169.000 USD mỗi người. Đây chỉ là mức giá cho những vị khách có bạn đồng hành đi cùng. Các vị khách muốn đi một mình sẽ phải chi trả thêm 22.200 USD. Như vậy, tổng chi phí cho chuyến đi 21 ngày có thể lên tới 191.200 USD. Cụ thể, du khách sẽ khởi hành từ Dubai – UAE trên chiếc phản lực A321neo để di chuyển tới Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Seychelles, Tanzania, Rwanda và sau đó quay lại Dubai. Việc được đưa vào hành trình du lịch cao cấp là một tin vui cho Hội An dịp 20 năm Đô thị cổ này trở thành Di sản Văn hóa của nhân loại. B.B |