Báo Công An Đà Nẵng

Du lịch Đà Nẵng kiến nghị được tiếp sức

Thứ năm, 13/02/2020 12:19

Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đề xuất thành phố có ý kiến với các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành hàng không, ngân hàng có những hỗ trợ thiết thực để phục hồi hoạt động du lịch sau thiệt hại rất lớn vì dịch Covid-19.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng, không phải vấn đề giảm giá mà việc đảm bảo môi trường an toàn mới tạo niềm tin cho du khách trong nhiệm vụ phục hồi du lịch thành phố.

Khách sạn “đóng băng”, hướng dẫn viên thất nghiệp

Theo báo cáo sơ bộ của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, chưa có con số thống kê cụ thể về thiệt hại nhưng theo báo cáo nhanh của các đơn vị, kể từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, thị trường khách du lịch giảm từ 10-50% so với cùng kỳ. Các tour và khách lẻ từ Trung Quốc đều bị hủy toàn bộ; theo hiệu ứng dây chuyền, các thị trường xa như châu Âu, châu Mỹ cũng thông báo giảm khách. Nguồn booking khách lẻ là thiệt hại nặng nhất vì đây là đối tượng chi tiêu cao, tự trải nghiệm theo kế hoạch nhưng đồng thời cũng dễ dàng thay đổi hoặc hủy bỏ chuyến đi. Đối với thị trường khách outbound, các đoàn khách có kế hoạch đi Trung Quốc, thậm chí đến vùng Đông Bắc Á như Nhật Bản, Đài Loan đều bị hủy dù đã đặt cọc dịch vụ hàng không. Ông Cao Trí Dũng cho biết, khách đồng loạt hủy tour dẫn đến công suất buồng phòng của hệ thống khách sạn gần như “đóng băng”. Một số khách sạn thậm chí chỉ còn từ 10-20%, chủ yếu là khách lẻ và khách online.

Trong khi khách hàng không liên tục hủy chuyến thì hoạt động đường thủy cũng giảm đến 70%, một số đơn vị tính tới phương án giảm tàu hoạt động để hạn chế chi phí trong giai đoạn khó khăn này. Ngoài ra, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch cũng bị ảnh hưởng khá nhiều, công suất khai thác giảm chỉ còn 40-50% và gặp rất nhiều khó khăn trong khi hầu hết đều có sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng cũng như Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng kiến nghị cả hệ thống chính trị thành phố cùng chung tay, đồng hành, tiếp sức để hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có môi trường và điều kiện kinh doanh tốt hơn. Ông Cao Trí Dũng kiến nghị HĐND, UBND TP xem xét giảm 50% tiền thuê đất của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong 2 năm 2020 và 2021. Khi có tín hiệu an toàn trở lại, thành phố cần giảm 50% chi phí quảng cáo về các sản phẩm, dịch vụ, hoạt động phục vụ du khách của doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng để truyền thông điểm đến nhằm thu hút du khách. Cạnh đó, lãnh đạo thành phố cần có ý kiến đề xuất Chính phủ xem xét miễn lệ phí, đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các Cty lữ hành quốc tế phục vụ.

Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cũng đồng quan điểm sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch TP tham mưu cụ thể để lãnh đạo TP đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng hỗ trợ lãi suất, giãn nợ hoặc khoanh nợ đối với các khoản vay của doanh nghiệp du lịch trước ảnh hưởng của dịch bệnh. Cạnh đó, là có ý kiến với các hãng hàng không có các chính sách linh hoạt cho các công ty lữ hành được hoàn hoặc dời phí đặt cọc vé máy bay đến các thị trường có ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đại diện ngành du lịch Đà Nẵng đón du khách đến thành phố trên một đường bay mới khai trương.

Đừng bàn giảm giá, phải giữ môi trường du lịch an toàn!

Ông Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, cách tiếp cận để phục hồi du lịch thành phố bây giờ không phải là việc giảm giá dịch vụ, giảm giá vé để thu hút du khách như cách truyền thống. Mà quan trọng nhất vẫn là vấn đề môi trường du lịch có an toàn hay không trước những sự cố khách quan. “Cái an toàn là hàng đầu. Còn giám giá, miễn thuế chỉ là giải quyết khủng hoảng trong những trường hợp cụ thể. Giảm giá vé hay không thu tiền vé chẳng làm nguồn thu tăng lên bao nhiêu, mà chưa chắc chúng ta thu hút được khách vì điều này. Cái quan trọng là môi trường du lịch của Đà Nẵng có đảm bảo an toàn hay không chứ không phải là giá. Nếu không giữ được thương hiệu điểm đến an toàn như đã xây dựng thì sẽ mất hết”, ông Nghĩa phân tích.

Về phương án ứng làm ấm lại thị trường du lịch, bà Trương Thị Hồng Hành cho biết Sở đang hoàn chỉnh đề án phát triển du lịch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó quan trọng nhất là xúc tiến đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ và khai thác các thị trường mới. Trong bối cảnh ảnh hưởng vì dịch bệnh, công tác xúc tiến, kích cầu du lịch cần phải tiến hành ngay sau khi có tín hiệu an toàn.

Ông Trương Quang Nghĩa cho rằng, cùng với chiến lược dài hơi thì ngay từ bây giờ đã phải chuẩn bị cho công tác phục hồi ngay sau khi “cú sốc” về dịch Covid-19 đi qua. Cùng với tăng cường quản lý khách sạn, nhà hàng, ngành du lịch cần có chiến dịch để đưa đến cho du khách thông điệp về một Đà Nẵng an toàn. Đó là kết quả của việc ngay từ đầu, thành phố đã rất chủ động, sẵn sàng trong công tác phòng, chống dịch. “Chúng ra chủ động trong công tác ứng phó dịch bệnh để giữ cho được một Đà Nẵng an toàn. Đó là thông điệp của môi trường du lịch ổn định. Đây là giai đoạn hết sức khó khăn nhưng cộng đồng doanh nghiệp trên lĩnh vực du lịch cần bình tĩnh, coi đây là cơ hội để cơ cấu lại nguồn khách, tìm kiếm các thị trường khách mới. Hiệp hội Du lịch cần thiết nghiên cứu mô hình ở các nước để có thể phát triển du lịch bền vững, minh bạch”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

CÔNG KHANH