Du lịch Đà Nẵng mà không có sự khác biệt là sẽ thất bại
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa yêu cầu ngành Du lịch phải có những dự báo để phát triển một cách bền vững và tạo sự khác biệt. |
Đó là cảnh báo của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc với Đảng ủy, lãnh đạo Sở Du lịch TP Đà Nẵng vào chiều 7-3.
Áp lực từ tăng trưởng nóng
Theo ông Ngô Quang Vinh - Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, trong năm 2017, có hơn 6,6 triệu lượt khách du lịch đến Đà Nẵng (tăng 19,6% so với năm 2016), mang về nguồn thu 19.504 tỷ đồng. Điểm nhấn lớn nhất của ngành du lịch trong năm qua chính là góp phần quan trọng vào thành công chung của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Không những làm tốt công tác hậu cần, phục vụ các đoàn đại biểu, quan chức, báo chí và doanh nhân quốc tế mà ngành du lịch đã tranh thủ cơ hội vàng để quảng bá hình ảnh một Đà Nẵng an toàn, thân thiện, mến khách đến với bạn bè năm châu.
Tuy nhiên, ông Vinh cũng cho biết, thời gian qua, sự tăng trưởng nóng của các thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc đã phát sinh một số bất cập như tình trạng một số tổ chức, cá nhân người nước ngoài hoạt động kinh doanh du lịch trái pháp luật Việt Nam, núp bóng Cty lữ hành dưới hình thức đối tác hoặc nhập cảnh với chức danh cố vấn, hỗ trợ điều hành để thao túng, hoạt động trái mục đích... Nhiều doanh nghiệp du lịch của Đà Nẵng quy mô nhỏ, năng lực còn hạn chế đã phải chịu sự cạnh tranh không lành mạnh của các tour “0 đồng”. Bên cạnh đó, dù đã trở thành mối quan tâm trong một thời gian dài nhưng bài toán đa dạng sản phẩm du lịch vẫn chưa thể giải quyết. Dịch vụ vui chơi giải trí, nhất là giải trí về đêm vẫn còn hết sức đơn điệu. Cũng theo ông Vinh, sự phát triển nhanh của hệ thống khách sạn quy mô nhỏ, condotel, một số thị trường khách quốc tế tăng nhanh dẫn đến tình trạng quá tải, không đáp ứng kịp thời về cơ sở hạ tầng, nhân lực, giao thông; các doanh nghiệp du lịch thiếu chủ động kết nối trong chuỗi dịch vụ cung ứng. Mặc dù đã được cải thiện song công tác nghiên cứu, dự báo thị trường, xúc tiến ra nước ngoài còn hạn chế dẫn đến thụ động, manh mún, tự phát trong việc đón đầu các luồng khách, khả năng đáp ứng hạn chế...
Về năng lực đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của du khách, ông Phan Văn Kha - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng Đà Nẵng phải có những khu thương mại hoạt động về đêm, vì đây là một nhu cầu rất lớn của khách quốc tế. Tuy nhiên các khu thương mại này phải mang tính chuyên biệt cho hoạt động du lịch chứ không thể đưa vào khu vực có nhà dân, có cơ quan nhà nước, có trường học như đang xảy ra ở Sơn Trà. Trong khi đó, cảnh báo về chất lượng dịch vụ, ông Lâm Quang Minh- Giám đốc Sở Ngoại vụ kể câu chuyện về một người bạn nước ngoài phải chờ đến 3 tiếng tại sân bay để làm thủ tục hải quan vì khách đến thì rất nhiều nhưng số quầy dịch vụ và nhân lực phục vụ thì rất ít dẫn đến quá tải, dồn ứ. “Công tác dự báo là rất quan trọng. Nếu không biết cách phát triển du lịch thông minh thì 10 năm nữa Đà Nẵng sẽ hết hấp dẫn du khách và nhà đầu tư”, ông Minh nhận định.
“Không khác biệt thì sẽ thất bại”
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa khẳng định, sẽ không có ai quảng bá cái tốt cũng như chẳng có ai lan truyền những điều chưa hài lòng bằng những người đã đến và trải nghiệm ở Đà Nẵng. Chính vì vậy, phải tránh kiểu làm du lịch ăn xổi mà hướng về sự bền vững, lâu dài bằng chiến lược đầu tư bài bản về con người, cơ sở hạ tầng cũng như chất lượng dịch vụ. Tăng trưởng du lịch là tốt nhưng nếu không kiểm soát thì sẽ trở thành tăng trưởng nóng và phát sinh nhiều hệ lụy, không bền vững. Ít khách đến thì rõ ràng du lịch không thể phát triển nhưng khách đến đông quá mà năng lực phục vụ yếu thì sẽ mang tiếng phục vụ không tốt thì bản thân họ sẽ tuyên truyền ngược, ngành du lịch sẽ mang tiếng. “Quan trọng nhất là phải nâng cao khả năng dự báo, trên cơ sở đó nắm bắt và tận dụng cơ hội để khai thác đa dạng các thị trường du lịch. Phải khai thác được khách theo mùa tương ứng với các thị trường thì mới có thể ổn định. Dự báo tốt thì mới nắm bắt và tận dụng được cơ hội. Cơ hội tới mà chúng ta không tận dụng được thì thua”. Dẫn chứng về sự tăng trưởng nóng, thiếu kiểm soát của ngành du lịch, ông Nghĩa nêu lại câu chuyện 14 khách sạn đi vào hoạt động khai thác khi chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu theo quy định. Nguy hiểm hơn là trong số này có nhiều khách sạn phục vụ APEC. Câu chuyện này cho thấy sự phân cấp quản lý chưa chặt chẽ, cơ quan chức năng thiếu kiểm tra, giám sát.
Lượng khách đến Đà Nẵng ngày càng nhiều trong bối cảnh ngành du lịch chưa thực sự có bứt phá để tạo sự khác biệt, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu lãnh đạo Sở Du lịch phải có những đề xuất, tham mưu thành ủy, UBND TP có những giải pháp căn cơ, định hướng lâu dài với những sản phẩm, cách làm đặc trưng. “Phải làm sao để khách đến nhiều, lưu trú lâu, chi tiêu nhiều mà khách trở lại cũng càng ngày càng nhiều hơn. Muốn làm được điều đó thì phải có những sự hấp dẫn khác biệt. Du lịch Đà Nẵng mà không có sự khác biệt là sẽ thất bại”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Công Khanh