Du lịch Đà Nẵng: Sản phẩm dẫn dắt và sự khác biệt
Tăng trưởng ấn tượng
Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng đánh giá, du lịch Đà Nẵng đã trở thành điểm sáng phục hồi và lấy lại hình ảnh sôi động vốn có của mình. Quý I-2024, doanh thu, lượng khách đến với Đà Nẵng đều đạt và vượt kỳ vọng. Điều này mang đến một bức tranh hết sức lạc quan cho du lịch Đà Nẵng trong năm 2024.
Theo báo cáo của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, trong 5 tháng đầu năm 2024, khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 3,78 triệu lượt, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, khách quốc tế ước đạt hơn 1,5 triệu lượt, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt hơn 2,28 triệu lượt, tăng hơn 20%. Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt hơn 13.000 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2023. Hàng không vẫn là kênh mang lại lượng khách nhiều nhất cho du lịch Đà Nẵng khi có tổng số chuyến bay nội địa và quốc tế đến Đà Nẵng đạt 9.550 chuyến, với khoảng 1,59 triệu lượt khách chỉ tính riêng trong quý I. Khách đường tàu biển cũng có sự tăng trưởng đáng kể. Nếu như cả năm 2023 chỉ có 22 chuyến với 18.100 lượt khách đến Đà Nẵng thì trong quý I-2024 đã đón 21 chuyến và 25.000 lượt khách đến từ các thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Australia... Ngoài ra, TP đón 25 đoàn khách MICE với khoảng 9.510 lượt khách, gấp 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đà Nẵng cũng khai thác tốt du lịch cưới, thu hút khoảng 26 đám cưới của các cặp đôi trên khắp thế giới. Đặc biệt, có 4 đám cưới lớn của các cặp đôi Ấn Độ với hơn 1.200 khách. “Sự phục hồi mạnh mẽ đã đưa ngành du lịch trở thành trụ đỡ cho tăng trưởng, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế Đà Nẵng. Sức hút điểm đến tốt, tài nguyên du lịch đặc sắc, có thêm nhiều sản phẩm mới, dịch vụ ngày càng được nâng cao đã tạo nên một quý tăng trưởng ngoạn mục cho du lịch Đà Nẵng”, ông Cao Trí Dũng đánh giá.
Năm 2024, ngành du lịch Đà Nẵng đặt mục tiêu đón 8,42 triệu lượt khách lưu trú, trong đó, khách quốc tế 2,5 triệu lượt, khách nội địa 5,92 triệu lượt. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành phấn đấu hơn 30.800 tỷ đồng. Đây là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được với “cú đề pa” ấn tượng trong quý I.
“Bùng nổ” với lễ hội
Ở tâm điểm mùa hè, Đà Nẵng hứa hẹn sẽ có một mùa du lịch sôi động và hấp dẫn, bởi hàng loạt sự kiện, lễ hội đặc sắc sẽ được tổ chức. Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, nhiều sản phẩm du lịch mới sẽ được đưa vào hoạt động để phục vụ khách du lịch, như nhạc nước, múa rối nước, môtô nước, flyboard kèm hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và pháo hoa. Cùng với đó, Đà Nẵng khai trương phố đi bộ Bạch Đằng, thí điểm dịch vụ về đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi và công viên bờ Đông, tour trải nghiệm ẩm thực quảng bá các món ngon phải thử khi đến Đà Nẵng...
Điểm nhấn chính là Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024 (DIFF 2024). Với chủ đề “Made in Unity - Kết nối toàn cầu - Rạng rỡ năm châu”, DIFF 2024 có sự tham gia của 8 đội, gồm 7 đội pháo hoa quốc tế, tiếp tục chiêu đãi du khách bằng những “bữa tiệc giác quan” lộng lẫy trên không. Sự trở lại của Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc định vị “thành phố đầu biển cuối sông” đẹp này trên bản đồ du lịch quốc tế. Thống kê cho thấy, trong tháng 6-2023, khi Lễ hội Pháo hoa quốc tế được tổ chức, tổng lượt khách lưu trú tại Đà Nẵng ước đạt gần 706.000 lượt; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 1.874 tỷ đồng... Vì vậy, Lễ hội Pháo hoa quốc tế 2024 sẽ tiếp tục trở thành sự kiện điểm nhấn, mang đến sự bùng nổ cho ngành du lịch.
Cùng với đó, Lễ hội “Tận hưởng Đà Nẵng 2024” kéo dài 5 ngày từ 17-7 đến 21-7 với 20 hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực... phục vụ người dân và du khách tham quan, trải nghiệm, mua sắm và vui chơi giải trí trong mùa du lịch hè. Điểm nhấn là đêm đại nhạc hội khai mạc Lễ hội “Tận hưởng Đà Nẵng 2024” được tổ chức tại công viên Biển Đông, tạo dấu ấn mùa hè đầy cảm xúc đối với du khách khi đến Đà Nẵng. Mùa du lịch biển cũng sẽ đưa du khách vào những trải nghiệm sôi động, thỏa thích với những sự kiện lễ hội, văn hóa - thể thao hấp dẫn tại các bãi biển và bán đảo Sơn Trà.
Là điểm sáng trong giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19, du lịch Đà Nẵng đã có sự trở lại ấn tượng và tiếp tục là điểm đến yêu thích của du khách. Tính đến đầu năm 2024, trên địa bàn Đà Nẵng có 16 khu, điểm du lịch, tăng 9 khu, điểm so với năm 2010; 1.285 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 46.000 phòng, tăng 1.104 cơ sở và hơn 40.000 phòng so với năm 2010. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp được đầu tư, đưa vào hoạt động với các thương hiệu quốc tế nổi tiếng... Theo quy hoạch, đến năm 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á về tổ chức sự kiện, du lịch MICE, du lịch khám chữa bệnh và du lịch nghỉ dưỡng. Đến năm 2050, Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu châu Á. Chính quyền TP Đà Nẵng đang tập trung quy hoạch phát triển du lịch theo hướng bền vững; phát triển du lịch theo 10 không gian du lịch chức năng: ven bờ Đông, vịnh Đà Nẵng, đô thị trung tâm, sườn đồi và đô thị phi thuế quan thông minh, “đô thị sân bay” và cảng biển du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng phía Đông, sinh thái phía Tây, du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, du lịch gắn với đổi mới sáng tạo. Sở hữu những tiềm năng và sản phẩm riêng biệt, Đà Nẵng đã đưa du lịch trở thành mũi nhọn tăng trưởng kinh tế, hướng đến những mục tiêu cao hơn, định vị thương hiệu điểm đến trên bản đồ du lịch thế giới.
Hướng đến thị trường du lịch quốc tế
Chiến lược xúc tiến phù hợp với từng thị trường
Để không phụ thuộc vào nguồn khách dẫn đến sự thiếu ổn định, ngành du lịch Đà Nẵng và các doanh nghiệp du lịch nỗ lực kết nối, xúc tiến mở rộng thị trường khách quốc tế. Trong đó, cần phải có chiến lược kết nối mạnh mẽ để tiếp cận và khai thác thị trường mục tiêu.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Đà Nẵng ước đạt hơn 1,5 triệu lượt, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2023. Ngành du lịch TP cho biết, tính đến tháng 4-2024, lượng khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng vẫn đứng vị trí đầu tiên ở thị trường quốc tế với 636.964 lượt (chiếm 41,3%); khách Nhật Bản đạt 47.508 lượt (chiếm 3,3%); các thị trường châu Âu chiếm khoảng 8,9%; thị trường Úc khoảng 3%, thị trường châu Mỹ khoảng 0,7%; Ấn Độ chiếm khoảng 4%, tăng khoảng 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2023... Một trong những trở ngại mà Đà Nẵng đang gặp phải là dù các thị trường khách đến Đà Nẵng khá đa dạng nhưng hiện nay chưa có đường bay trực tiếp đi/đến các nước châu Âu, Úc, Mỹ, Trung Đông, Trung Á. Trong khi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có những chuyến bay trực tiếp thì khách từ các thị trường này đến Đà Nẵng đều quá cảnh tại các sân bay quốc tế của Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc)...
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, bà Mai Thị Thanh Hải cho biết, để khai thác tiềm năng, thu hút các thị trường khách, ngành du lịch đã xây dựng kế hoạch xúc tiến, kết nối đến từng thị trường cụ thể. Ví dụ, với thị trường châu Mỹ, châu Âu, Úc phân khúc mục tiêu hướng tới khách Việt kiều thăm thân, khách trung niên, cặp đôi gia đình, khách cao tuổi, khách du lịch văn hóa, khách nghỉ dưỡng, chơi golf... Các sản phẩm hướng đến là du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE - golf... Trong khi đó, thị trường Tây Âu hướng tới nhóm khách trung niên, có thu nhập cao, thích đi du lịch, khách du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng cặp đôi, MICE. Thị trường Ấn Độ lại có xu hướng tới khách lẻ, du lịch theo nhóm, MICE, khách du lịch cưới...
Theo bà Hải, ở mỗi thị trường, ngành du lịch đều có kế hoạch quảng bá thông qua việc tham gia giới thiệu điểm đến tại các hội chợ du lịch lớn như: hội chợ SATTE tại Delhi, hội chợ OTM tại Mumbai, Business MICE and Luxury Travel Mart Delhi (Ấn Độ); tham gia gian hàng Hội chợ IMEX Las Vegas (Mỹ) cùng TP Hồ Chí Minh vào tháng 10-2024. Cạnh đó, TP sẽ tổ chức chương trình quảng bá xúc tiến du lịch tại Sydney, hợp tác với các hãng lữ hành quốc tế, hãng du lịch tàu biển để quảng bá, lồng ghép các chương trình tại điểm đến với chương trình tour du lịch chào bán tại thị trường Úc; đón các đoàn famtrip đến khảo sát dịch vụ, qua các kênh truyền thông, nền tảng mạng xã hội.
Nguồn nhân lực phải đủ đáp ứng sự đa dạng của thị trường
Đi đôi với yêu cầu mở rộng thị trường khách, các đơn vị lữ hành cũng kiến nghị ngành du lịch cần quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch, nhất là các thị trường quốc tế tiềm năng. Số liệu thống kê cho thấy, đến thời điểm hiện tại, Sở Du lịch TP Đà Nẵng đã cấp 4.116 thẻ hướng dẫn viên quốc tế. Trong đó có 1.938 hướng dẫn viên tiếng Anh, 303 hướng dẫn viên tiếng Hàn, 177 hướng dẫn viên tiếng Nhật, 176 hướng dẫn viên tiếng Pháp, 67 hướng dẫn viên tiếng Đức, 69 hướng dẫn viên tiếng Nga.
Ông Huỳnh Văn Minh - Giám đốc Chi nhánh Cty Du lịch Đường mòn châu Á chia sẻ, Đà Nẵng có thế mạnh về du lịch MICE, được nhiều du khách lựa chọn là nơi để tổ chức các sự kiện MICE lớn, lượng khách đoàn rất đông. Mặc dù vậy, khó khăn lớn xuất hiện kể từ sau dịch COVID-19 chính là nguồn nhân lực phục vụ cho các thị trường lớn như Ý, Tây Ban Nha, Đức... Ông Minh dự báo, nếu số lượng khách quá đông đến Đà Nẵng trong cùng một thời điểm, một giai đoạn, việc tìm kiếm hướng dẫn viên để phục vụ các tour sẽ rất khó khăn. Với thị trường tiếng hiếm như Đức, Tây Ban Nha thì hướng dẫn viên thành thạo ngôn ngữ quốc gia này hầu hết đã lớn tuổi, không còn phù hợp với việc dẫn đoàn, ảnh hưởng đến chất lượng điều hành tour. Với kinh nghiệm của một trong những doanh nghiệp chuyên về thị trường khách Âu, ông Minh cho rằng cộng đồng doanh nghiệp và ngành du lịch Đà Nẵng cần nhanh chóng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên kế cận của một số thị trường đang có xu hướng tăng trưởng và có nhiều tiềm năng trở thành thị trường thế mạnh trong tương lai. Cùng với đó, phải có sự đào tạo đạt chuẩn đối với đội ngũ nhân lực làm công tác chuyên môn như buồng phòng, ẩm thực, tư vấn tour, lái xe để đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của phân khúc du khách có mức chi tiêu cao này.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho rằng, trong bối cảnh mới, Đà Nẵng đang là điểm đến nhận được sự quan tâm của nhiều thị trường xa. Trước nhu cầu thực tế của khách hàng cũng như khả năng kết nối, hợp tác của các đối tác, ngành du lịch và cộng đồng doanh nghiệp cần định hướng khách hàng mục tiêu để từ đó chủ động đào tạo, xây dựng đội ngũ nhân lực đủ sức đáp ứng, cung cấp dịch vụ tốt nhất để thu hút, giữ chân du khách. Trong đó, đội ngũ hướng dẫn viên có vai trò rất quan trọng vì đây là ấn tượng đầu tiên trong chuyến đi, cũng là cầu nối, “đại sứ” trong việc quảng bá, giữ gìn hình ảnh điểm đến Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. “Sắp tới, ngành du lịch sẽ phối hợp đơn vị lữ hành uy tín thí điểm chương trình tự nguyện xếp hạng sao cho đội ngũ hướng dẫn viên, khuyến khích hướng dẫn viên trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ, nâng cao tay nghề đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các thị trường quốc tế mục tiêu”, bà Hạnh cho biết.
BẢO NAM