Báo Công An Đà Nẵng

Du lịch Đà Nẵng: Thành công đã có, thách thức còn nhiều

Thứ bảy, 09/01/2016 09:22

(Cadn.com.vn) - Phát biểu tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng do Sở VH-TT&DL tổ chức vào ngày 8-1, Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng nhấn mạnh, việc ngành Du lịch gặt hái được những thành công trong thời gian qua là điều đáng mừng, thấy rõ những khó khăn thách thức phía trước để chung tay đưa ra giải pháp là điều đáng ghi nhận. Nhưng quan trọng hơn nhiều là phải chỉ ra đầu việc, gắn trách nhiệm cụ thể cho ai, khi nào làm, khi nào xong, lấy nguồn lực ở đâu mới là điều đáng quan tâm.

Lấy thành công làm động lực

Năm 2015, trong bối cảnh ngành du lịch cả nước nói chung đối mặt với nhiều khó khăn, lượng khách quốc tế sụt giảm thì Đà Nẵng vẫn tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng với sự tăng trưởng mạnh về tổng lượt khách và doanh thu. Đặc biệt, trong năm qua, lần đầu tiên lượng khách quốc tế đến thành phố đã vượt qua ngưỡng 1 triệu lượt, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng thu du lịch trong năm cán mốc 12.768 tỷ đồng, tăng 29% và đạt 108,2% kế hoạch.

Ông Trần Chí Cường – Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho hay, trong năm, ngành du lịch phối hợp cùng các doanh nghiệp đã tổ chức và tham gia nhiều chương trình roadshow, khảo sát, đón đoàn famtrip để giới thiệu quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến với các thị trường chiến lược. Song song với công tác xúc tiến, phát triển sản phẩm du lịch, Sở tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tham mưu các hoạt động phát triển du lịch đường sông cũng như chuẩn bị nguồn lực để tổ chức các sự kiện tầm cỡ. Ông Cường cũng cho rằng, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước thì đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp cho ngành du lịch thành phố là hết sức ấn tượng.

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, sản phẩm mới có chất lượng, doanh nghiệp du lịch đã hình thành chuỗi các cơ sở lưu trú với thương hiệu nổi tiếng thế giới. Các đơn vị lữ hành, khu điểm du lịch đã không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tích cực trong hoạt động mở rộng xúc tiến các thị trường, hình thành các sản phẩm mới như dịch vụ bay trực thăng, dịch vụ đường sông, vui chơi giải trí... “Những kết quả, những con số ấn tượng và cả những danh hiệu trong thời gian qua là động lực thúc đẩy ngành du lịch giữ vững kết quả đã đạt được đồng thời chủ động với những thách thức không nhỏ”, ông Cường nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng trao tặng Bằng khen của UBND thành phố cho 8 doanh nghiệp xuất sắc trong ngành du lịch, đóng góp cho sự phát triển KT-XH thành phố.

Ngổn ngang thách thức

Liên tục trong những năm qua, với việc cán nhiều kỷ lục, gặt hái được nhiều danh hiệu, du lịch Đà Nẵng đã tăng điểm mạnh đối với du khách trong nước cũng như trở thành điểm đến hấp dẫn của bạn bè quốc tế. Đóng góp của ngành du lịch đối với sự phát triển KT-XH của thành phố là tương đối ấn tượng. Nhưng với những điều tai nghe, mắt thấy cũng như phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp thì môi trường, chủ trương, cơ chế của du lịch Đà Nẵng cần phải thay đổi nhanh chóng nếu không muốn tụt hậu và tự làm khó mình trong bối cảnh mới. Ông Huỳnh Tấn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, doanh nghiệp sẵn sàng sát cánh cùng chính quyền quảng bá, xúc tiến và thực hiện mọi biện pháp để nâng cao môi trường du lịch, làm giàu cho thành phố. Tuy nhiên hiện tại bản thân doanh nghiệp cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn mà trong đó chế độ thanh kiểm tra thiếu hợp lý và nạn du lịch chui đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các đơn vị. “Có tuần lễ chúng tôi phải tiếp 3 đoàn kiểm tra, thanh tra, vậy thì thời gian đâu mà làm ăn nữa. Cạnh đó, nạn du lịch chui vừa tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh vừa làm bất ổn môi trường du lịch”, ông Vinh nói.

Trong khi đó, ông Lê Tấn Thanh Tùng – Phó Tổng giám đốc Cty CP Du lịch Vitours cho rằng, đã đến lúc Đà Nẵng phải đổi mới phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch để giới thiệu được tiềm năng của mình. Cộng với đó là đầu tư tăng cường chất lượng hoạt động lữ hành và nâng cao tay nghề của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Ông Tùng cho biết, Cục Hàng không đang xúc tiến mở đường bay mới tại 5 thành phố lớn nhưng không có tên Đà Nẵng. Đó sẽ là thiệt thòi cho thành phố, chính vì vậy phải tăng cường khai thác du lịch qua đường bộ, đường sắt và đường thủy. Cùng quan điểm này, ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hội Lữ hành cho rằng Đà Nẵng đẹp nhưng cái đẹp chưa tới được các thị trường chiến lược trên thế giới. Thậm chí ngay cả khu vực Đông Nam Á thì công tác xúc tiến, kết nối du lịch cũng chưa phát huy hết hiệu quả. Theo ông Dũng, việc cạnh tranh thiếu lành mạnh của các Cty du lịch chui không đáng ngại bằng việc rồi đây với các chính sách mới, doanh nghiệp nước ngoài sẽ vào Đà Nẵng đầu tư. Để cạnh tranh sòng phẳng, doanh nghiệp “đá trên sân nhà” phải thật sự chuyên nghiệp, thật sự có chất lượng.

Lãnh đạo Sở VH-TT&DL thừa nhận, dù đạt nhiều kết quả ấn tượng nhưng ngành du lịch thành phố vẫn còn nhiều tồn tại cần giải quyết. Đó là câu chuyện thiếu sản phẩm đặc trưng, môi trường du lịch chưa thực sự bền vững, nạn chặt chém vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển du lịch đường sông, thể thao giải trí biển, khả năng đầu tư, tôn tạo di tích văn hóa, tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật quy mô vẫn chưa tìm ra lời giải hiệu quả.

Phải chỉ ra đầu việc, chỉ ra người làm

Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành du lịch vào sự phát triển của thành phố đồng thời khẳng định, ngoài chủ trương, quyết sách của chính quyền thì hoạt động tự thân của cộng đồng doanh nghiệp du lịch góp phần rất quan trọng trong việc đưa Đà Nẵng trở thành một điểm đến an toàn, hấp dẫn. Tuy nhiên, bên cạnh những danh hiệu, những kết quả được dư luận gắn với nhiều mỹ từ thì du lịch thành phố vẫn còn “sạn”.

Đó là còn nạn chặt chém, còn du lịch chui, là thiếu đồng bộ về cơ sở lưu trú. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn vẫn chưa đánh giá được nhóm nhu cầu, thị hiếu, chưa đưa ra được các gói sản phẩm độc đáo để thu hút và giữ chân du khách. Trong bối cảnh đối mặt với nhiều thách thức mà trước mắt là gia nhập cộng đồng Asean và TPP, ngành du lịch vẫn chưa chỉ ra được đầu mối, con người, thời gian, nguồn lực cụ thể để triển khai các giải pháp, hướng tới các mục tiêu. “Việc nhận ra thách thức và đưa ra giải pháp là hợp lý. Ngành du lịch phải tham mưu, phải chỉ ra cho được ai là người làm, làm những việc gì, khi nào xong, lấy nguồn lực từ đâu chứ không phải đơn giản là chỉ ra đầu việc”, ông Dũng lưu ý.

Phó Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo, trước mắt trong năm 2016, ngành du lịch phải triển khai các quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển, xây dựng sản phẩm mới, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, tổ chức sự kiện. Song song với đó là triển khai các biện pháp cải thiện môi trường cũng như có chiến lược phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển của du lịch thành phố trong tương lai.

Công Khanh