Du lịch miền núi Quảng Nam: Tiềm năng còn bỏ ngỏ
(Cadn.com.vn) - Các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam được thiên nhiên ưu ái cho vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí. Không chỉ vậy nơi đây còn là địa chỉ lịch sử một thời gắn liền với những căn cứ cách mạng và con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Thế nhưng sau nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương, ngành du lịch nơi đây vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Có thể thấy rằng ngành du lịch Quảng Nam chỉ mới phát triển mảng du lịch biển trong khi đó sự đầu tư cho du lịch miền núi còn dang dở, bỏ trống. Cùng với quá trình lịch sử, sự đa dạng các tộc người, tại Quảng Nam có rất nhiều điểm tham quan văn hóa - lịch sử nhưng rất ít người biết đến. Như khu di tích nước Oa tại xã Trà Tân (H. Bắc Trà My) là nơi tập trung nhiều di tích, căn cứ cách mạng có giá trị lịch sử. Nơi đây gồm có 11 điểm tham quan: Khu di tích an ninh khu V, đài tưởng niệm liệt sĩ dân y khu V, khu sinh hoạt truyền thống thanh thiếu nhi Nước Oa. Cũng tại Bắc Trà My, đối với du lịch sinh thái huyện có lợi thế khá đa dạng: Lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, hệ thống suối thác với cảnh quan kỳ thú, tươi đẹp.
Đây còn là điểm đến hấp dẫn du khách với các cộng đồng làng với các giá trị bản sắc văn hóa độc đáo của người Co, Ca Dong. Từ đập chính thủy điện Sông Tranh 2 đến nóc Xơ Rơ đi hết 1 giờ xe máy. Nóc nằm trên một ngọn núi cao, những ngôi nhà san sát nhau trải dài từ đỉnh núi xuống lưng đồi. Ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển nên nóc Xơ Rơ quanh năm chìm trong sương mù huyền ảo.
Biểu diễn trống của đồng bào Co H. Bắc Trà My. |
Trao đổi về đề án phát triển du lịch của huyện, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND H. Bắc Trà My, cho biết huyện có nhiều chính sách ưu đãi đối với các công ty lữ hành đến khai thác du lịch tại đây. Ngoài cơ chế ưu đãi của tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, huyện cũng sẵn sàng tạo điều kiện về quỹ đất nếu các đơn vị muốn đặt trụ sở, văn phòng đại diện tại Bắc Trà My.
Khác với Bắc Trà My, huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang lại phát triển du lịch theo hướng du lịch phượt. Với địa thế sẵn có là con đường Hồ Chí Minh huyền thoại uốn lượn qua những sườn đồi nên rất thích hợp cho những tour khám phá. Theo định hướng của các ngành chức năng, phát triển du lịch miền núi tại đây theo định hướng du lịch sinh thái, mạo hiểm kết hợp với khám phá đời sống văn hóa địa phương. Tuy nhiên, kết quả thực sự của hướng phát triển này vẫn còn rất “khiêm tốn”.
Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH –TT&DL tỉnh Quảng Nam, nhận xét, những ý tưởng du lịch ở miền núi đang bị dang dở vì thiếu sự đồng bộ của cơ sở hạ tầng. Bản thân các điểm tham quan có sự đầu tư tuy nhiên lại thiếu tính liên kết nên trở nên rời rạc, chưa hấp dẫn. Những tuyến đường giao thông lên vùng cao như Bắc Trà My, Nam Trà My hiện nay đã quá lỗi thời. Bên cạnh đó những điểm dừng chân, nhà hàng, khách sạn còn sơ sài, ít ỏi. Vì vậy muốn phát triển du lịch tại các huyện miền núi cần phải lấp đầy những “lỗ hổng” này.
Đồng Dao