Báo Công An Đà Nẵng

"Du lịch ở nông trại"

Thứ sáu, 05/07/2019 13:31

Trong chuyến đi tìm hiểu về du lịch cộng đồng do Sở Du lịch TP Đà Nẵng tổ chức vừa qua, các thành viên trong đoàn, ngoài việc thăm các mô hình homestay (lưu trú tại nhà dân) còn nghe giới thiệu một loại hình du lịch khác, có tên là farmstay, nghĩa tiếng Việt là "Ở nông trại", dân dã hơn thì  gọi là "Du lịch trồng rau nuôi gà". Loại hình này  không chỉ đơn thuần là nơi cung cấp chỗ nghỉ ngơi cho du khách, mà còn là hình thức homestay mang tính trải nghiệm cho họ sống bình yên như một người nông dân thực thụ! farmstay thực ra đã được làm khá tốt ở Hội An, một địa phương lân cận với Đà Nẵng mà cụ thể là tại vùng rau Trà Quế nổi tiếng. Tại đây, du khách có dịp thử "một ngày làm nông dân" đầy thú vị. Du khách có thể học cách trồng rau, bón phân, gieo hạt từ người nông dân và đặc biệt là trải nghiệm những niềm vui với những thành quả mình làm nên.

Một điểm farmstay ở La Gi (Phan Thiết, Bình Thuận).

Do cần có diện tích đất rộng nên địa điểm  để làm farmstay thường xuất hiện ở những vùng có điều kiện tự nhiên ưu đãi, vùng quê hoặc vùng đồi núi, Người chủ farmstay thường là người dân địa phương và khách du lịch có thể trực tiếp tham gia canh tác, nuôi trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả hay rau xanh. Những sản phẩm thu hoạch được có thể sử dụng như nguyên vật liệu nấu ăn tại chỗ. Bên cạnh đó, các dịch vụ đi theo farmstay đem lại cho du khách những trải nghiệm canh tác, trồng trọt, chăn nuôi; cũng như các khoản thu nhập từ việc cho phép chủ nhà sử dụng nông sản sạch do chính họ thu hoạch được để nấu nướng… Tất cả đều là những giá trị bổ sung cho dịch vụ chính là cho thuê nơi nghỉ ngơi, nhưng lại có thể thu lại nguồn lợi lớn.

Thực tế ở nhiều địa phương  cho thấy, trồng một vườn rau, một vườn cây ăn quả, một  ao nuôi cá… đều có thể thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách đến từ Châu Âu, những người đa số đã ngán chốn phồn hoa đô hội, ồn ào và bị bê-tông hóa. Sẽ thuận lợi hơn nữa khi có cảnh (view) sông, núi, rừng, có những đường làng, ngõ xóm  không nhất thiết là bê-tông hay tráng nhựa… là có thể "nuôi" được loại hình du lịch này một cách "bền vững" và xa hơn là đem lại thu nhập không nhỏ cho những người chủ, trong đó có không ít là người nông dân thuần túy.

Farmstay không chỉ thu hút khách du lịch mà còn góp phần phát triển triển kinh tế địa phương, hỗ trợ cộng đồng theo hướng phát triển bền vững. Đồng thời, loại hình du lịch này sẽ giúp giảm hiện tượng quá tải vào các mùa cao điểm tại các thành phố du lịch lớn, trong đó có Đà Nẵng. Trải nghiệm farmstay đầy mới mẻ chắc hẳn sẽ thoải mái và mang tính chất nghỉ dưỡng hơn nhiều tại những tụ điểm du lịch sầm uất. Đã đến lúc nghĩ đến chuyện phát triển loại hình du lịch này tại Đà Nẵng mà không đâu phù hợp hơn là Hòa Vang, nơi có nguồn "tài nguyên" khá phong phú và dồi dào, có nhiều nơi có diện tích rộng, rất thích hợp để làm farmstay. Đã có những bạn trẻ sẵn sàng đón du  khách về trải nghiệm tại các nông trại trồng rau quả của mình tại Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Bắc, trong số đó có những bạn đã đi tìm hiểu mô hình này ở các địa phương khác và cả ở nước ngoài để về làm farmstay một cách bài bản. Những mảnh vườn, ao cá, trang trại cây ăn quả, rau, hoa ở Hòa Vang có thể năng suất chưa cao như ở nơi khác nhưng để du khách đến ngắm hoa, vun rau, tưới cà, thu đậu, hái bí là hoàn toàn khả thi.

Phát triển loại hình du lịch cộng đồng từ homestay đến farmstay là một vấn đề rất nên được quan tâm ở Đà Nẵng, đặc biệt là Hòa Vang và một số quận vùng ven còn sản xuất nông nghiệp như Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, ngoài các loại hình du lịch mang tính truyền thống đã có dấu hiệu bão hòa ở khu vực đô thị. Nên giữ lại "hồn quê, nét làng", với "hương đồng gió nội" bằng việc phát triển du lịch một cách bền vững. Không nên "đô thị hóa" Hòa Vang một cách "mạnh mẽ" mà phải giữ lại một vùng quê thuần túy nhưng không lạc hậu, giàu bản sắc và không hòa tan trong cái xô bồ, náo nhiệt của đô thị.

Dân Hùng