Báo Công An Đà Nẵng

Du lịch Quảng Nam đối diện nhiều thách thức

Thứ sáu, 09/11/2018 09:00

Mặc dù luôn được đánh giá là một trong những trung tâm du lịch của miền Trung với những điểm đến được xếp hạng và đánh giá cao trên bản đồ du lịch khu vực nhưng ngành du lịch tỉnh Quảng Nam vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế và đứng trước nhiều thách thức.

"Đêm văn hóa Cơ tu" là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo tại TP Hội An.

Sụt giảm lượng khách Âu - Mỹ

Hội An từ khi được công nhận Di sản Thế giới của UNESCO đến nay đã có những phát triển tích cực, đặc biệt là sự tăng trưởng về lượng khách du lịch,  trở thành trung tâm du lịch của cả tỉnh. Đến nay lượng khách tới Hội An hằng năm khoảng 4 triệu người, trong đó có 2,8 triệu du khách quốc tế. Tuy nhiên những năm gần đây lượng khách Âu - Mỹ đến Quảng Nam, đặc biệt là TP Hội An đã sụt giảm, bù lại lượng khách châu Á đến từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc lại tăng mạnh. Vấn đề đặt ra đó chính là lượng khách đến từ Âu - Mỹ mặc dù số lượng ít hơn nhưng lại là lượng khách "tiêu tiền" nhiều nhất, mạnh tay chi trả cho các sản phẩm du lịch. Nguyên nhân khiến lượng khách châu Âu, Bắc Mỹ đến Hội An và các vùng phụ cận có chiều hướng giảm sút được đánh giá là do chất lượng các sản phẩm du lịch của địa phương, nhất là chất lượng phục vụ chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách.

Theo thông tin từ Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, sau khi ghi nhận lượng khách du lịch chất lượng cao đến từ các nước châu Âu, Bắc Mỹ... đến tham quan tại các điểm du lịch của tỉnh, nhất là phố cổ Hội An, trải nghiệm các giá trị văn hóa cộng đồng có chiều hướng giảm sút, Hiệp Hội đã phối hợp với các địa phương, nhất là TP Hội An xác định nguyên nhân, đề xuất các giải pháp khắc phục. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết: "Sản phẩm du lịch đối với khách châu Âu và Bắc Mỹ yêu thích là sản phẩm gắn với các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tham quan trải nghiệm làng nghề, trải nghiệm đời sống của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước gắn với các lễ hội văn hóa của cư dân địa phương. Trên cơ sở đánh giá đầy đủ và khách quan các yếu tố khiến lượng khách truyền thống đến từ các nước châu Âu, Bắc Mỹ có chiều hướng giảm sút, thành phố xác định tập trung vào các sản phẩm thiên về văn hóa truyền thống, thiên nhiên và con người để kéo lượng khách này quay trở lại.  Nhiều sản phẩm văn hóa đưa vào phục vụ trong năm 2018 như du lịch cộng đồng Cẩm Nam, du lịch cộng đồng Cẩm Kim, rừng dừa Cẩm Thanh nhằm kéo giãn du khách ra ngoài thành phố, giảm áp lực cho khu phố cổ. Thành phố đang xây dựng sản phẩm cho vùng trọng điểm du lịch là Cù Lao Chàm, nâng tầm sản phẩm "Đêm Cù Lao", đi bộ dưới nước, tour tham quan quanh đảo và đặc biệt là làm tốt việc bảo tồn đa dạng sinh học, giữ gìn nếp sống của ngư dân làng chài".

Cần sản phẩm du lịch cao cấp

Theo đánh giá mới đây từ Tổng cục Du lịch, mặc dù đang trên đà phát triển nhưng bức tranh du lịch Quảng Nam vẫn chưa thực sự khởi sắc; hoạt động của doanh nghiệp du lịch địa phương chưa hiệu quả; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch và năng lực cạnh tranh, thích ứng với xu hướng mới trong tiêu dùng du lịch... còn hạn chế. Theo kết quả điều tra từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, chi tiêu của khách du lịch đến Quảng Nam qua các năm khá thấp, thậm chí chi tiêu của khách quốc tế còn sụt giảm mạnh từ sau năm 2009. Cụ thể, năm 2015, chi tiêu bình quân của khách quốc tế chỉ đạt 82,9USD/ngày, sụt giảm khá xa so với năm 2009 (134,31USD/ngày), mức chi tiêu của khách nội địa có tăng lên từ 408,7 nghìn đồng/ngày lên 1,120 triệu đồng/ngày. Năm 2017, Quảng Nam đón 5,35 triệu lượt khách tham quan lưu trú, doanh thu du lịch khoảng 3.860 tỷ đồng, nếu so với Đà Nẵng (6.695 tỷ đồng), Khánh Hòa (4.531 tỷ đồng) hay Phú Quốc (4.582 tỷ đồng)... thì con số này vẫn chưa tương xứng.

Mới đây, nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân tham gia các hoạt động có liên quan đến du lịch trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch Quảng Nam. Bộ Quy tắc áp dụng đối với các đối tượng là khách du lịch đến Quảng Nam và người Quảng Nam đi du lịch; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch; cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh; cơ quan quản lý nhà nước. Bộ Quy tắc cũng quy định cụ thể về quy tắc ứng xử đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch; khách du lịch; các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; doanh nghiệp lữ hành; đơn vị vận chuyển khách du lịch; hướng dẫn viên du lịch; các cơ sở lưu trú; các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống; điểm mua sắm phục vụ khách du lịch; cộng đồng dân cư; cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Những quy tắc này nhằm đưa du lịch Quảng Nam lên tầm cao mới, chuyên nghiệp hơn. Theo ông Võ Phùng-Giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao Hội An cho biết với tầm nhìn trở thành "Điểm đến hấp dẫn nhất miền Trung, Việt Nam và khu vực Đông Nam Á năm 2020", Hội An đã và đang bổ sung nhiều "đặc sản du lịch" độc đáo để tăng mức chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách. Thành phố đã ra mắt 2 sản phẩm mới mang tầm quốc tế. Một số sản phẩm mới năm 2018 thì riêng trung tâm đang xúc tiến là chương trình biểu diễn tại Đồng Hiệp với 4 vở diễn. Thứ hai là chương trình Ký ức Hội An với quy mô lớn hàng ngàn người xem.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân,  hiện nay đã đến lúc ngành du lịch tỉnh cần nâng chất lượng, phát triển theo chiều sâu, kể cả chọn lọc khách có đẳng cấp. "Mục tiêu trong thời gian đến là phát triển những sản phẩm du lịch có lợi thế. Duy trì, chọn lọc thị trường khách văn minh, chi tiêu cao, hướng đến xây dựng Quảng Nam trở thành điểm đến có thương hiệu không chỉ của khu vực mà trong cả nước. Điều này không chỉ giúp xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Nam mà còn nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa của người dân vùng du lịch"-ông Trần Văn Tân nhấn mạnh.

Đồng Dao