Báo Công An Đà Nẵng

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn:

Du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ hai, 06/07/2015 09:03

(Cadn.com.vn) - Trao đổi với báo giới nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ngành, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Chưa bao giờ ngành Du lịch nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành như thời gian vừa qua, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả từ Chính phủ mà trực tiếp là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Điều này đã góp phần tích cực tháo gỡ khó khăn cho du lịch.

Cuối năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 92 về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ mới với 5 nhóm vấn đề giải quyết toàn diện các mặt của du lịch nước nhà. Nếu 5 nhóm vấn đề này được thực hiện quyết liệt, hiệu quả sẽ tạo ra năng lực cạnh tranh bứt phá cho du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, để Nghị quyết thực sự đi vào đời sống không thể trong ngày một ngày hai và phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và các địa phương.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn

Bắt đầu từ ngày 9-7-1960, Thủ tướng Chính phủ đã ký văn bản thành lập Công ty du lịch Việt Nam, tiền thân của ngành Du lịch ngày nay. Nhưng thực sự mà nói, Du lịch Việt Nam chỉ thực sự khởi sắc khi sự nghiệp đổi mới chính thức qua những năm đầu tiên, từ năm 1990-2000 là giai đoạn phát triển tương đối mạnh mẽ, giai đoạn từ năm 2000- 2009 là giai đoạn tăng tốc; từ năm 2010 đến nay là giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng kinh tế tài chính và bước vào giai đoạn tăng tưởng mới.

Có thể nói rằng, du lịch đã định hình và trở thành nền kinh tế rõ ràng và đang vận hành theo các quy luật của một ngành kinh tế với những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi kỳ vọng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, du lịch Việt Nam sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Điều quan trọng cần phải đề cập tới là số lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đã không ngừng tăng lên. Thời điểm hiện nay là giảm sút nhưng giai đoạn 2010-2014 chỉ sau 4 năm đã tăng gấp đôi lượng khách quốc tế, tăng gấp 1,5 lần lượng khách nội địa. Cơ sở vật chất ngành Du lịch không ngừng tăng lên, đóng góp nhiều vào GDP, tác động đến nhiều ngành kinh tế khác do tính chất tổng hợp, đa ngành.

Ngành Du lịch cũng tạo ra hàng trăm ngàn việc làm trực tiếp, với hàng triệu lao động gián tiếp. Riêng về cơ sở vật chất, cơ sở dịch vụ, lưu trú cho ngành Du lịch phục vụ du khách đã tương đối hiện đại, có thể đón được lượng khách quốc tế tăng khoảng 30%, khách nội địa tăng từ 30-35% so với hiện nay.

T.G