Du lịch Tây Nguyên: Những điều trông thấy (3)
* Bài cuối: Hướng đi nào cho du lịch tây nguyên?
(Cadn.com.vn) - Từ nhiều năm nay, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh du lịch theo kiểu “ăn xổi”, các hình thức kinh doanh “na ná” nhau, không tạo bản sắc riêng, dẫn đến du lịch đơn điệu, thường bị khách quay lưng, hoặc đến một lần rồi “chạy mất dép”. Hướng khả dĩ nhất để “giải cứu” du lịch mà các doanh nghiệp đang áp dụng là tiến hành đầu tư sâu, khép kín, hoặc đầu tư dựa trên cái có sẵn để tạo nét riêng, không “đụng hàng”.
Đến một lần rồi... thôi
Đắc Lắc hiện có 11 khu, điểm du lịch. Thực tế cho thấy còn nhiều điểm hoạt động không hiệu quả, ế khách. 4/15 di tích thắng cảnh cấp quốc gia chưa có doanh nghiệp đầu tư. Phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Thực tế phũ phàng là khách du lịch đến Đắc Lắc để tham quan một lần rồi “chạy mất dép”. Trung tâm du lịch Buôn Đôn (buôn Trí A, xã Krông Na, H. Buôn Đôn) được đánh giá là điểm du lịch hiệu quả nhất Đắc Lắc nhưng ông Nguyễn Đức, Trưởng bộ phận Trung tâm du lịch Buôn Đôn vẫn thừa nhận: “Khách đến chỗ chúng tôi nửa ngày rồi đi ngay.
Số lượng du khách đến tham quan lần 2 rất ít. Chúng tôi không giữ được khách”. Nguyên nhân thì nhiều. Các điểm kinh doanh du lịch cho rằng đường sá giao thông xuống cấp, không thuận lợi khiến việc đi lại khó khăn nên dù khách muốn đến tham quan cũng phải chùn chân. Rồi thủy điện xây dựng khiến nhiều sông, suối, thác nước bị khô cạn, mất cảnh quan du lịch. Một nguyên nhân khác được các ngành chức năng chỉ ra là du lịch có xu hướng bị Tây hóa. Nhiều điểm du lịch bán mũ cao bồi, áo Tàu và những sản phẩm mang tính công nghiệp, còn những sản phẩm của địa phương, thể hiện sự khéo léo, trình độ tinh hoa của đồng bào tại chỗ không có. Du lịch vì thế không có nét đặc trưng, thương hiệu và hơi thở riêng.
Rồi các điểm du lịch kinh doanh các mặt hàng đơn điệu, lại “na ná” nhau nên du khách chỉ đi một nơi là có thể khám phá hết các điểm còn lại. Tại H. Buôn Đôn, có 4 điểm kinh doanh du lịch nhưng giải trí thì lui tới vẫn chỉ có cầu treo, cưỡi voi, ăn uống thì cơm lam, gà nướng..., nên du khách về H. Buôn Đôn thì bị hút về Trung tâm du lịch Buôn Đôn vì đơn vị này có tiếng hơn. Các điểm du lịch nhỏ lẻ, “sinh sau đẻ muộn” khác thì vắng khách nên nảy sinh vấn đề “kẻ ăn không hết, người lần không ra”.
Một nguyên nhân khác không thúc đẩy du lịch phát triển xuất phát từ bản thân các doanh nghiệp. Ông Trương Bi, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Đắc Lắc cho rằng, nhiều năm nay, các đơn vị làm du lịch nhưng không có chuyên môn du lịch, chưa biết khai thác ý nghĩa, bản sắc văn hóa của vùng đất mà họ kinh doanh nên không thu hút và giữ được khách. Ông Bi phân tích, mỗi vùng đất đều có ý nghĩa, văn hóa riêng. Bản thân anh phải giới thiệu cho người ta biết rõ không gian du lịch anh đang khai thác nằm trên vùng đất nào, có ý nghĩa, văn hóa gì. Ví dụ như về H. Buôn Đôn thì chỉ riêng việc kể cho khách biết về chuyện săn bắt voi rừng, biểu diễn văn hóa cồng chiêng thì khách đã mê tít rồi. Đằng này các điểm du lịch họ không biết, không làm được thì khách chán cũng phải.
Các điểm du lịch bày bán các sản phẩm công nghiệp, không có sản phẩm du lịch địa phương khiến du lịch mất bản sắc. |
Cần thẩm định kỹ nhà đầu tư
Trước thực trạng khó khăn chung, các khu, điểm du lịch đã có những kế hoạch, hướng kinh doanh để vượt khó. Phương án được chọn là tiến hành đầu tư sâu, khép kín hoặc đầu tư dựa vào thế mạnh sẵn có nhằm tạo tính riêng, không “đụng hàng”. Tại Trung tâm du lịch Buôn Đôn (buôn Trí A, xã Krông Na, H. Buôn Đôn, Đắc Lắc), đơn vị quản lý có kế hoạch xây dựng khu du lịch khép kín. Ngoài kinh doanh nhà hàng, cầu treo, cưỡi voi như hiện nay, khu du lịch này sẽ cải tạo hồ Ea Rông (xã Krông Na) để xây dựng nhà hàng thủy tạ, kết hợp với đạp vịt, câu cá thư giãn, khu vui chơi.
Để giữ khách buổi đêm thì xây dựng khu lưu trú, ngoài ra hợp đồng với đội cồng chiêng để biểu diễn phục vụ du khách. Trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường-VQG Yok Đôn (H. Buôn Đôn) dù có thế mạnh là khu rừng đặc dụng rộng lớn nhưng du lịch sinh thái nơi đây vẫn èo uột khách. Đơn vị đang có kế hoạch xây dựng vườn thú bán hoang dã giữa rừng. Vườn thú sẽ tập hợp những con thú bị người dân săn bắn bị thương, nuôi dưỡng trái phép bị Vườn tịch thu, thả vào đây để chăm sóc, theo dõi trước khi thả về rừng.
Việc xây dựng vườn thú bán hoang dã có ý nghĩa ngoài việc sẽ hút được khách du lịch, còn phục vụ nghiên cứu khoa học, sau nữa là phục vụ công tác bảo tồn giống nòi. Những phương án kinh doanh này được đánh giá có tính hiệu quả cao, thế nhưng hiện vẫn nằm trên giấy vì chưa có vốn triển khai.
Đánh giá về tình hình du lịch trên địa bàn, ông Vũ Minh Thoại, Trưởng phòng VH-TT H. Buôn Đôn cho biết: “Các đơn vị khai thác du lịch đầu tư rất ít. Họ chỉ lợi dụng danh tiếng Buôn Đôn trong quá khứ để thu lợi trước mắt chứ chưa có doanh nghiệp nào đầu tư phát triển du lịch lâu dài”. Thực tế này là thực trạng chung diễn ra trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc.
Bà Nguyễn Thị Phương Hiếu, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở VH-TT&DL giải thích: “Thực ra, khi xây dựng phương án kinh doanh, các đơn vị làm du lịch họ có kế hoạch đầu tư dài hơi cả. Thế nhưng do thiếu tiềm lực kinh tế nên họ mới kinh doanh theo kiểu ăn xổi như vậy”. Theo ông Trương Bi, ngành du lịch phát triển hay không phụ thuộc rất lớn vào nhà đầu tư. Do vậy, bản thân các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ ý nghĩa của vùng đất mình đang làm du lịch. Lúc đó, doanh nghiệp sẽ tập trung khai thác, giới thiệu, quảng bá những điểm mạnh, đặc trưng của vùng đất ấy cho du khách biết, nhằm tạo cho họ sự thích thú.
Các điểm du lịch cần tạo bản sắc riêng từ ẩm thực, quà lưu niệm; tạo không gian văn hóa cho khách và người dân bản địa giao lưu văn hóa. Cũng chính vì vai trò quan trọng đó nên khi đồng ý cho doanh nghiệp đầu tư, chính quyền địa phương cần thẩm định khả năng thực sự của các nhà đầu tư, xem họ có tận dụng thế mạnh này để phát triển du lịch hay chỉ lợi dụng vùng đất ấy để làm giàu, tránh tình trạng các doanh nghiệp chỉ lợi dụng khai thác chứ không đầu tư như hiện nay.
Hữu Phúc