Du lịch Tây Nguyên: Những điều trông thấy
Bài 1: Du lịch… hoang phế
(Cadn.com.vn) - Tại các điểm du lịch nổi tiếng ở Tây Nguyên như thác Trinh Nữ (H. Cư Jút, Đắc Nông), thác Thủy Tiên (H. Krông Năng, Đắc Lắc), Khu du lịch sinh thái - văn hóa Bản Đôn (H. Buôn Đôn, Đắc Lắc), dù được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan hùng vĩ, đẹp mê hồn nhưng nhiều lý do khác nhau, những điểm du lịch này hoạt động không hiệu quả. Nhiều điểm du lịch bỏ hoang, có nơi kinh doanh nhưng chỉ để cho bò ăn cỏ, có điểm du lịch mở ra để giữ xe cho dân địa phương, gây lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên.
“Đắp chiếu”… chờ đầu tư
Thác Trinh Nữ nằm trên dòng sông Sêrêpốk (TT Ea T’ling, H. Cư Jút, Đắc Nông) được mệnh danh là con thác đẹp nhất Tây Nguyên. Từ khi tách tỉnh (2004), thác Trinh Nữ được tỉnh Đắc Nông giao cho do Công ty TNHH thương mại - du lịch Đắc Nông quản lý. Cty này đổ hàng tỷ đồng biến ngọn thác này thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn, lôi cuốn với đầy đủ các loại hình như nhà hàng, phòng nghỉ, khu vui chơi giải trí, tắm thác... Thế nhưng, từ năm 2012 đến nay, khu du lịch này bỏ hoang, hiu quạnh không một bóng người. Ngoài cổng trung tâm treo biển “khu du lịch không đón khách”. Con đường dẫn vào trung tâm cỏ cao quá đầu người.
Bên trong khu du lịch nhìn như một đống hoang tàn. Bãi đỗ xe, khu ẩm thực, đường sá xuống cấp nghiêm trọng. Khu du lịch âm u, chỉ toàn muỗi là muỗi... Trước tình trạng bỏ hoang khu du lịch vì làm ăn thua lỗ nhiều năm liền, tỉnh Đắc Nông đã cho phép doanh nghiệp này làm thủ tục phá sản, hiện đang trong quá trình tìm hướng chuyển giao cho doanh nghiệp khác quản lý, khai thác. Ông Ngô Lãm, Trưởng phòng VH -TT H.Cư Jút cho biết, khu du lịch thác Trinh nữ đóng cửa gây ảnh hưởng tiêu cực, nhất là lượng khách du lịch đến Cư Jút giảm hẳn, các điểm du lịch khác trên địa bàn cũng mất khách, ảnh hưởng đến du lịch chung, gây lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên”.
Khu du lịch thác Trinh Nữ bỏ hoang nhiều năm nay. |
Khu du lịch để… bò ăn cỏ
Giữa tháng 9, chúng tôi tìm đến khu du lịch thác Thủy Tiên (xã Tam Giang, H. Krông Năng, Đắc Lắc) “mục sở thị” ngọn thác như lời đồn “đẹp mê hồn người”. Trái ngược với những lời tán tụng, đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng đìu hiu. Toàn bộ khu du lịch được bao quanh bằng hàng rào bằng gỗ tạm bợ, bên trong chỉ có mỗi chiếc chòi tôn rộng khoảng 20m2 để nhân viên ngồi bán vé và giữ xe cho khách. Thác Thủy Tiên được Doanh nghiệp (DN) Tư nhân Tâm Lộc (TT Krông Năng, H. Krông Năng) quản lý từ đầu năm 2014. Từ khi được giao quản lý, DN này chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng là... chiếc chòi tôn cho khác với đơn vị quản lý tiền nhiệm, còn lại DN chỉ bán vé và giữ xe cho khách chứ không có hoạt động kinh doanh nào khác.
Do không được đầu tư bài bản nên rất ít khách du lịch đến đây, mùa khô, cao điểm nhất cũng chỉ được hơn 10 người/ngày, mùa mưa thì không có khách. Cũng vì ế khách nên DN tranh thủ nhận giữ xe cho người dân địa phương đi vào rừng hái măng, làm rẫy. Ông Nguyễn Văn Lộc, đại diện chủ DN Tâm Lộc cho biết: “Khi được giao quản lý, DN dự định sẽ xây dựng khu du lịch gồm các hình thức kinh doanh như cầu treo, khu ăn uống, nhà nghỉ, tắm thác, dã ngoại sinh thái... Thế nhưng, dù đã chuẩn bị mọi thứ để xây dựng nhưng chưa thể triển khai vì DN vẫn đang chờ huyện thông qua quy hoạch tổng thể.
Khu du lịch sinh thái văn hóa Bản Đôn trở thành nơi chăn thả bò. |
Ngày 18-9, chúng tôi về Khu du lịch sinh thái- văn hóa Bản Đôn (xã Krông Na, H. Buôn Đôn, Đắc Lắc) lại tiếp tục chứng kiến cảnh đìu hiu, vắng lặng. Khu du lịch được đầu tư kỳ công năm nào, với cơ cở hạ tầng thuộc dạng “khủng” so với các điểm du lịch ở H. Buôn Đôn nhưng giờ phải “đắp chiếu” vì chẳng có khách du lịch nào “bén mảng” đến. Thay vào đó, nơi đây thành nơi người dân tận dụng để chăn thả bò. Một số nhân viên thu dọn đồ đạc lên xe về quê dù Cty vẫn đang nợ lương họ từ 3 tháng trở lên.
Theo những nhân viên này, khu du lịch tạm đóng cửa từ ngày 19-9 để đại tu nhưng chưa biết lúc nào sẽ tái hoạt động. Ông Vũ Minh Thoại, Trưởng phòng VH-TT H. Buôn Đôn cho biết, ngay từ lúc xây dựng, khu du lịch này được đơn vị chủ quản là Cty TNHH MTV Cao su Đắc Lắc đầu tư rầm rộ, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, khu liên hợp hoành tráng. Sau này, khi cổ phần hóa thành Cty cổ phần thương mại và du lịch Bản Đôn thì bắt đầu xuống dốc. Một số vị giám đốc vào thấy gì bán được là bán, bây giờ du lịch hoang tàn hết, rất khó khăn.
Hữu Phúc
(Còn tiếp)