Báo Công An Đà Nẵng

Du lịch Việt Nam đang thích ứng linh hoạt

Thứ hai, 27/12/2021 11:00

Ngày 25-12, tại Thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề "Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển". Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo các ban, bộ ngành trung ương, các nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp, lãnh đạo các địa phương tham dự hội thảo. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp tại Nghệ An và trực tuyến tại 19 điểm cầu trong cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu tham dự Hội thảo “Du lịch Việt Nam – Phục hồi và phát triển”.

Phục hồi kinh tế không thể không phục hồi du lịch

Sau 30 năm đổi mới, ngành du lịch đã có bước phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. Đội ngũ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ngày càng lớn mạnh. Hạ tầng du lịch được nhà nước, xã hội quan tâm đầu tư. Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn trên thế giới. Khách du lịch quốc tế, trong nước và doanh thu từ du lịch liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước. Du lịch đã góp phần quảng bá hình ảnh và khẳng định vị thế của Việt Nam trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế.

Tại Việt Nam, ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đặc biệt ban hành nhiều chủ trương, chính sách để định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Với vị trí, vai trò và tiềm năng, lợi thế của ngành, Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tới năm 2030 đã đặt ra kỳ vọng lớn cho ngành du lịch. Tuy nhiên, trong gần 2 năm qua, do tác động của đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu, chệch hướng quỹ đạo tăng trưởng.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, ngành du lịch cũng như nền kinh tế cả nước hiện đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, con đường dẫn tới sự phục hồi du lịch, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nêu một số kiến nghị để du lịch sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, như ban hành các cơ chế, chính sách riêng, ưu tiên, tạo cơ sở pháp lý, tăng tính chủ động nhằm tạo thuận lợi cho ngành du lịch. Xác định phục hồi, phát triển du lịch là một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023. Tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra tại Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

"Du lịch đang đứng trước những thách thức có tính lịch sử trong tiến trình phát triển của mình. Nếu có được các cơ chế, chính sách đủ sức đột phá, quy mô đủ lớn, thời gian phù hợp, có thể biến nguy thành cơ, tranh thủ hiệu quả các cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của dịch COVID-19. Ngành du lịch sẽ có cơ hội giải quyết căn cơ các vấn đề lâu nay nảy sinh trong quá trình phát triển, đem lại những thay đổi căn bản, toàn diện, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành", Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.

Theo ông Trần Thanh Mẫn – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu đối với ngành du  lịch: Đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm 3 quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững; Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững”; du lịch đóng góp khoảng 14 đến 15% tổng sản phẩm quốc nội. Phó chủ tịch Quốc hội cũng đã đưa ra các đề nghị hội thảo cần làm rõ.

Các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp tham gia góp ý, hiến kế để Du lịch Việt Nam sớm phục hồi và phát triển.

Du lịch Việt Nam sẽ sớm đón bình minh

Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, để phục hồi du lịch trong thời gian tới cần có nhiều giải pháp, trong đó có các kế hoạch xây dựng việc đón khách quốc tế song song với việc phát triển du lịch nội địa. Tiếp tục thực hiện nghị quyết 8 của Bộ Chính trị về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Cần nghiên cứu, đề xuất những cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện của nền kinh tế hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp phục hồi du lịch. Các chính sách này theo bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cần cụ thể, có tính khả thi cao để tháo gỡ những điểm nghẽn.

Đặc biệt phải thực hiện số hóa du lịch, đây là yếu tố có tính bắt buộc, nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác các tour tuyến du lịch an toàn cho khách lựa chọn. Đi kèm với đó là phân tích, dự báo thị hiếu du khách, thích ứng với điều kiện mới, làm sao để "mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch tiêu biểu".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp nhằm khôi phục và phát triển du lịch sau 2 năm gần như bị tê liệt do dịch Covid-19. Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, ngành du lịch đã đạt được nhiều dấu ấn quan trọng nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Thời gian tới, sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền các cấp, từ đó đề xuất với các cấp có thẩm quyền những chính sách phù hợp.

Toàn cảnh hội thảo. 

Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp, chính quyền địa phương...đã có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết nhằm phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.

Bà Trần Nguyện (Tập đoàn Sun Group) cho rằng dịch COVID-19 đã khiến ngành du lịch như một ván bài "xóa đi đánh lại" nhưng đây cũng là cơ hội để chúng ta hoạch định lại ngành du lịch. Cùng với xây dựng hệ thống hạ tầng hiện đại, thêm nhiều công trình có tính điểm nhấn, mang thương hiệu, xây dựng văn hóa du lịch, thay đổi cung cách phục vụ cao, xây dựng sản phẩm liên kết, gia tăng trải nghiệm trọn vẹn thay vì đi "check in" như hiện nay thì ngành du lịch sẽ "đón bình minh" sớm hơn sau dịch Covid-19.

Những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được tổng hợp, hoàn thiện báo cáo và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ những cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi và phát triển du lịch trong những năm sắp tới.

DƯƠNG HÓA