Báo Công An Đà Nẵng

Du lịch Việt Nam phải tự làm mới mình

Thứ bảy, 17/08/2019 08:16

Ngày 16-8, tại Đà Nẵng, Tổng cục Du lịch tổ chức Hội nghị tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tại hội nghị, lãnh đạo ngành Du lịch các địa phương cùng nhiều đơn vị lữ hành uy tín cho rằng, việc đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh công tác xúc tiến, xây dựng môi trường du lịch an toàn cũng như bảo vệ tài nguyên, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu để Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh với các thị trường trong khu vực.

Khách quốc tế trải nghiệm sản phẩm du lịch Vũ hội Ánh dương tại Bà Nà, Đà Nẵng.

Ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc

Theo ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong giai đoạn 2015-2018, khách  du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng đột phá với con số từ 7,9 triệu lên 15,5 triệu lượt, đạt tốc độ trung bình 25%/năm. Đây là tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Tuy nhiên từ cuối năm 2018 đến nay, du lịch Việt Nam đã không đạt được tốc độ tăng trưởng của giai đoạn cực thịnh, lượng khách quốc tế đã có dấu hiệu chững lại. Theo ông Siêu, đóng góp lớn nhất từ mức tăng trưởng trong 7 tháng đầu năm 2019 là 3 thị trường lớn gồm Hàn Quốc (tăng 22,1%), Đài Loan (27,6%), Thái Lan (48,2%). Đây là kết quả của việc kết nối hàng không trực tiếp giữa Việt Nam và các thị trường trong khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Các chỉ số tăng trưởng này không đủ kéo được tốc độ chung của ngành du lịch do thị trường Trung Quốc giảm mạnh so với cùng kỳ 2018. Nguyên nhân chủ yếu được phân tích là do ảnh hưởng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng như việc khách du lịch Trung Quốc có xu hướng tìm đến các nước Hàn Quốc, Nhật Bản ngày một nhiều. Ngoài Trung Quốc, thị trường khách Australia cũng giảm khoảng 1,2% so với cùng kỳ năm 2018. Dù chưa thể hiện  rõ xu hướng giảm nhưng đây cũng là con số đáng quan tâm của ngành du lịch khi trong giai đoạn 2013-2018, thị trường này tăng trung bình 4%/năm.

Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong 5 tháng cuối năm, du lịch Việt Nam phát triển trong bối cảnh khách du lịch quốc tế tiếp tục đà tăng trên toàn cầu nhưng thể hiện rõ xu hướng chậm lại. Hầu hết các nước trong khu vực đều coi phát triển du lịch là một trong những định hướng chiến lược trong phát triển KT-XH, có nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh. Đây cũng sẽ là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi du lịch Việt  Nam phải tự làm mới mình để thu hút khách du lịch quốc tế. “Bối cảnh này đặt ra những thách thức, đồng thời có thể đem đến những cơ hội cho du lịch Việt Nam nếu chúng ta có những chính sách, giải pháp, hành động phù hợp”, ông Siêu cho hay.

Đa dạng hóa sản phẩm và cách xúc tiến, quảng bá

Ông Lê Minh Tân – Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho rằng, để tăng cường thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, ngoài những chủ trương, chính sách mang tầm vĩ mô, ngành du lịch không còn con đường nào khác là phải đa dạng  hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm. Để làm được điều này, cần tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn, có tiềm lực về kinh tế, các doanh nghiệp du lịch có thương hiệu trên thế giới. Cạnh đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vì đây là nguyên nhân chính quyết định đến chất lượng của sản phẩm. “Sự khác biệt về chất lượng dịch vụ giữa các quốc gia, các doanh nghiệp chính là chất lượng lao động và phương thức phục vụ. Nhân lực vừa thiếu, vừa yếu đến nay vẫn luôn là bài toán nan giải đối với ngành du lịch. Chúng ta cần có những giải pháp cụ thể”, ông Tân kiến nghị.

Về góc độ của doanh nghiệp, ông Lương Mỹ Hưng – Giám đốc Khối du lịch quốc tế của Cty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho biết, một số hãng tàu biển đã phải cắt giảm chuyến đưa khách đến Việt Nam do tình trạng thiếu cảng tàu khách tại các địa phương trọng điểm như TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu... Đây cũng là một trong những thách thức về đầu tư cơ sở hạ tầng nếu muốn du lịch đường biển mang nhiều khách quốc tế đến Việt Nam hơn. Ngoài ra, một trong những hạn chế khiến công tác xúc tiến, quảng bá ra nước ngoài khiêm tốn là tại nhiều thị trường trọng điểm như Thái Lan, Singapore, Malaysia... vẫn chưa có văn phòng đại diện du lịch. Để khắc phục khoảng trống này, theo ông Hưng, Việt Nam có thể xem xét việc  đầu  tư xây dựng web du lịch quốc gia với nội dung hấp dẫn, đầy đủ thông tin bằng nhiều thứ tiếng để khách quốc tế có thể tra cứu khi chọn điểm đến. “Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch quốc tế cần tiến hành ở diện rộng hơn tại thị trường truyền thống đồng thời vươn tới các thị trường tiềm năng. Việc này cần thực hiện một cách ổn định, lâu dài và có sự liên kết chặt chẽ, hỗ trợ hiệu quả đối với các doanh nghiệp lữ hành”, ông Hưng đề xuất.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá tốc độ tăng trưởng của khách quốc tế đến Việt Nam còn chậm. Vì thế, toàn ngành phải có giải pháp để 5 tháng còn lại khách quốc tế tăng lên. Nếu vượt qua được chỉ tiêu trong 5 tháng còn lại thì chắc chắn năm sau sẽ tận dụng đà này để tăng trưởng. “Nếu như 5 tháng này chúng ta không tháo gỡ được thì năm sau chắc chắn sẽ có những khó khăn. Vừa trong ngắn hạn là trong năm 2019 nhưng sẽ vẫn giải quyết những vấn đề dài hạn của những năm sau đó”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện lưu ý.

Để hoàn thành chỉ tiêu đạt hơn 8 triệu lượt khách trong 5 tháng cuối năm, Việt Nam cần phải tập trung phát triển 3 thị trường chính là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Với việc tăng khoảng 12%, thị trường Nhật Bản có thể nói là có mức tăng tốt nhất trong mấy năm qua. Trong khi đó thị trường Hàn Quốc đã gần bắt kịp Trung Quốc. “Không phải vì một số điểm tại các thành phố du lịch có tình trạng quá tải mà nói du lịch Việt Nam đã quá tải. Con số 18 triệu khách du lịch một năm vẫn còn rất nhỏ bé. Chính vì vậy toàn ngành Du lịch cần phải quan tâm các giải pháp kích thích tăng trưởng thị trường này cả về số lượng lẫn chất lượng”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.

CÔNG KHANH