Dự Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự trọng quyền con người
(Cadn.com.vn) - Ngày 27-5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ CA báo cáo trước QH về dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng, dự án Luật này đã hoàn chỉnh và cần sớm thông qua.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). |
COI TRỌNG HƠN QUYỀN CON NGƯỜI
Đại tướng Trần Đại Quang cho rằng, ngày 20-8-2004 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2006, 2009. Thực hiện Pháp lệnh này, tổ chức của CQĐT trong CAND, QĐND, VKSNDTC và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển) đã đi vào ổn định.
Hoạt động có hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ công cuộc đổi mới của đất nước. Từ khi Pháp lệnh năm 2004 được ban hành đến nay, các CQĐT và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã tiếp nhận, giải quyết 845.950 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; khởi tố 733.339 vụ án hình sự với 1.146.865 bị can.
Ngoài ra, CQĐT được tổ chức theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu nên đã phát hiện điều tra, xử lý có hiệu quả với từng loại tội phạm theo thẩm quyền. Riêng đối với CQĐT CAND đã có sự gắn kết giữa hoạt động trinh sát với điều tra theo tố tụng hình sự. Cơ quan CSĐT công an cấp huyện đã giải quyết hơn 88% số vụ án hình sự xảy ra trên toàn quốc, tạo điều kiện để CQĐT cấp trên tập trung điều tra những vụ án về các tội đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Đồng thời, thực hiện tốt hơn việc tổng kết, thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ và pháp luật đối với Cơ quan điều tra cấp dưới.
Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, thực tế cũng cho thấy Pháp lệnh này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả điều tra hình sự. Cụ thể là: còn có nhiều quy định chung nên khi thực hiện phải có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, một số quy định về thẩm quyền điều tra, quan hệ phối hợp trong hoạt động điều tra, quan hệ giữa CQĐT và VKS, quy định về điều tra viên... chưa cụ thể.
Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh, quan điểm chỉ đạo xây dựng luật là quán triệt, thể chế hóa chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước về tổ chức và hoạt động của CQĐT hình sự, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó là phù hợp với Hiến pháp, sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động điều tra hình sự.
Sáng cùng ngày, QH thảo luận về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2015 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
CÓ NÊN MỞ RỘNG THẨM QUYỀN ĐIỀU TRA?
Chiều cùng ngày, QH thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa nhận định, đây là bộ luật có vai trò cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử. Do đó, ĐB đề nghị Ban soạn thảo phải thể chế hóa đầy đủ các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp, bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời, không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng chống làm oan người vô tội.
Về mở rộng thẩm quyền các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại các Điều 17, 21, 154 như kiểm ngư, thuế, ủy ban chứng khoán Nhà nước; ĐB cho rằng đây là vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu. Hiện nay, nếu mở rộng thẩm quyền điều tra cho các cơ quan này thì có tăng biên chế không, việc đào tạo, quản lý như thế nào cần phải hết sức lưu ý. Trước mắt, ĐB đề nghị giữ nguyên phạm vi các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như quy định hiện hành, chỉ bổ sung thẩm quyền cho lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh, xử lý loại tội phạm này trong tình hình hiện nay.
ĐB đề nghị luật quy định theo hướng, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không bị ép buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, không bị ép buộc phải nhận mình có tội. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự cần phải có quy định bổ sung tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với hành vi người phạm tội không thành khẩn khai báo, khai báo không đúng sự thật nhằm vừa khuyến khích người bị bắt, bị tạm giam, bị can, bị cáo khai báo để được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; vừa để hạn chế việc lợi dụng quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến của mình để gây khó khăn cho cơ quan điều tra, truy tố, xét xử.
Lê Hoàng Sa - Phạm Hữu Hoa