Báo Công An Đà Nẵng

Dự thảo đề án đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn Đà Nẵng năm 2018

Thứ năm, 15/11/2018 17:03

PHẦN I. ĐẶT TÊN ĐƯỜNG PHỐ

A. QUẬN CẨM LỆ (tiếp theo)

Một đoạn đường ở Hòa Xuân.

18. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nguyễn Thị Sáu, điểm cuối là đường Mạc Đăng Doanh (2 tên dự kiến đặt đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa; chiều dài 2.050m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: BÙI THIỆN NGỘ

BÙI THIỆN NGỘ (1929 – 2006)

 Ông quê ở Tân Định, Sài Gòn (nay là TPHCM

 Ông tham gia Cách mạng Tháng 8-1945, tham gia Đoàn Thanh niên Tiền Phong tại Sài Gòn. Tháng 7-1947, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ tháng 1-1948 đến 11-1965 ông kinh qua các chức vụ cán bộ Phòng Trinh sát, Ty Công an Biên Hòa, Thường vụ Chi ủy Chi bộ Ty Công an Biên Hòa.

Tháng 1-1950, ông phụ trách Ban Điệp báo và trinh sát Công an Thị xã Biên Hòa, Phó ban Điệp báo Ty Công an tỉnh Thủ Biên; Phó Công an huyện Châu Thành, tỉnh Thủ Biên; học trường Nguyễn Ái Quốc I  và Trường An ninh Liên Xô, giảng viên Trường Công an Trung ương, Phó Tiểu ban Bảo vệ chính trị, Đảng ủy viên cơ quan Ban An ninh Trung ương Cục Miền Nam. 

Tháng 7-1979 đến 12-1983, ông là Thường vụ Đặc khu ủy, Giám đốc Công an đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, sau đó làm Phó Chủ tịch UBND đặc khu. Tháng 11-1985, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh nhân dân, Bộ Nội vụ. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, làm Thứ trưởng rồi Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ. Tháng 1-1989, được phong quân hàm Trung tướng; Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 8-1991, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Tháng 12-1992, được thăng cấp bậc hàm Thượng tướng An ninh nhân dân.

Tên ông đã được đặt tên đường tại TPHCM.

19. Đoạn đường có điểm đầu là đường 7,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường 29 tháng 3 (tên dự kiến đặt đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa; chiều dài 830m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m. (còn nữa)

- Đề nghị đặt tên đường: LA HỐI

LA HỐI (1920 – 1945)

Ông tên thật là La Doãn Chánh, quê ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Trong những năm 1936–1938, ông vào học ở Sài Gòn. Năm 1939, ông và các bạn thành lập Hội yêu Nhạc do ông làm Hội trưởng. Hội tập trung những thanh niên yêu thích âm nhạc để dìu dắt họ về sáng tác và biểu diễn âm nhạc. Nhiều học trò của ông sau này đã trở thành những nhạc sĩ khá nổi tiếng như Lê Trọng Nguyễn, Lan Đài, Dương Minh Ninh, Hồ Vân Thiết, La Xuân, Hoàng Tú Mỹ, Trương Đình Quang...

Từ những năm 1939 - 1940, ông đã tham gia phong trào chống phát xít Nhật và nhanh chóng trở thành thủ lĩnh một nhóm thanh niên Hoa kiều, cơ sở của Đoàn Thanh niên Dân chủ Hội An do các đảng viên Ngô Tam Tư, Huỳnh Đắc Hương lãnh đạo. Khi đó, ban nhạc thuộc Hội Âm nhạc Hội An của ông thường diễn tấu các hành khúc cách mạng của Việt Nam, Trung Hoa, Nga để gieo lửa cách mạng vào công chúng. Ông còn cùng các đồng chí in truyền đơn, nổ bom, phá đường, phá cầu, tập kích quân đội Nhật. Từ năm 1944, hoạt động của La Hối bị bại lộ. Hiến binh Nhật ráo riết truy nã ông. Tháng 5-1945, ông và 9 đồng chí trong tổ chức bị phát xít Nhật bắt giữ. Sau nhiều ngày giam cầm và tra tấn vô cùng dã man nhưng không hề khai thác được gì, ngày 19-4 năm Ất Dậu (tức ngày 30-5-1945), bọn Nhật đem hành hình 10 người con thân yêu của Hội An tại chân núi Phước Tường (Đà Nẵng), khi ấy ông vừa tròn 25 tuổi.  Ông để lại một ca khúc bất hủ là Xuân và tuổi trẻ.

20. Đoạn đường có điểm đầu là đường 7,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Bùi Thiện Ngộ (tên dự kiến đặt đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa; chiều dài  1.660m; rộng 10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường:  PHẠM XUÂN ẨN

PHẠM XUÂN ẨN (1927 – 2006)

Ông quê gốc ở tỉnh Hải Dương, sinh tại xã Bình Trước, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Năm 1945, ông tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong, sau đó học khóa huấn luyện của Việt Minh về công tác tuyên truyền. Năm 1947, ông trở về Sài Gòn và tổ chức các cuộc biểu tình của sinh viên chống Pháp. Năm 1950, ông vào làm Sở thuế quan Sài Gòn, thực chất là được Việt Minh giao nhiệm vụ tìm hiểu tình hình vận chuyển hàng hóa, khí tài quân sự, quân đội từ Pháp sang Việt Nam... Đây là những hoạt động tình báo đầu tiên của ông. Năm 1952, ông ra Chiến khu D và được Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Ủy viên UBHCKC Nam Bộ giao nhiệm vụ làm tình báo chiến lược.

Năm 1954, ông bị gọi nhập ngũ và được trưng dụng vào làm Bí thư Phòng chiến tranh tâm lý trong Bộ Tổng hành dinh quân đội Liên hiệp Pháp tại Camp Aux Mares (thành Ô Ma). Tại đây, ông đã làm quen với nhiều sĩ quan Pháp, Mỹ, trong đó có Đại tá Edward Lansdale, Trưởng phái bộ quân sự đặc biệt của Mỹ - người chỉ huy CIA tại Đông Dương. Tháng 10 – 1957, theo lệnh của các ông Mai Chí Thọ và Trần Quốc Hương, ông sang Mỹ học ngành báo chí. Năm 1959, sau khi học xong, ông về nước và được biệt phái sang làm việc tại Việt Tấn xã và phụ trách các phóng viên hải ngoại làm việc tại đây. Suốt từ năm 1960 đến năm 1976, ông từng là nhà báo và phóng viên cho các Hãng Reuters, Tạp chí TIME, New York Heral Tribune, The Christian Science Monitor...

Với vỏ bọc là phóng viên, nhờ các mối quan hệ rộng rãi, ông đã thu thập được rất nhiều tin tức có giá trị quan trọng và được chuyển cho Trung ương Cục và Bộ Quốc phòng. Ông đã gửi về căn cứ 498 báo cáo gồm các tài liệu nguyên gốc được sao chụp và phân tích nhận định của bản thân. Các báo cáo này đã phục vụ cho việc đấu tranh và làm thất bại các Chiến lược Chiến tranh đặc biệt, Chiến lược Chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, góp phần vào việc giải phóng Miền Nam năm 1975. Năm 1976, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Năm 1990, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng QĐND Việt Nam.

21. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nguyễn Thị Sáu, điểm cuối là đường Nguyễn Hiến Lê (2 tên dự kiến đặt đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa; chiều dài 750m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: TRẦN KIM XUYẾN

TRẦN KIM XUYẾN (1921 – 1947)

Ông quê ở xã Sơn Mỹ, H. Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học Vinh (Nghệ An) với tấm bằng loại ưu, ông được bổ làm Phán sự ở tỉnh Bắc Giang. Thời gian này, ông bắt đầu hoạt động bán công khai, lập Hội Truyền bá quốc ngữ, Hội Hướng đạo sinh, tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào các nơi bị thiên tai… Năm 1943, ông về Hà Nội hoạt động cách mạng. Năm 1944, ông bị thực dân Pháp bắt, giam ở nhà tù Hỏa Lò. Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, ông cùng một số đồng chí tổ chức vượt ngục, tích cực tuyên truyền cách mạng, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được tín nhiệm cử giữ chức vụ Ðổng lý Văn phòng (Chánh Văn phòng) Bộ Tuyên truyền, Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam, trực tiếp phụ trách Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) nay là TTXVN. Cùng với các ông Trần Lâm, Chu Văn Tích, ông còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị tham gia thành lập Ðài Phát thanh quốc gia, nay là Ðài Tiếng nói Việt Nam. Với TTXVN, ông là một trong những người có công trực tiếp xây dựng ngay từ những ngày đầu thành lập bằng việc phát đi toàn văn bản Tuyên ngôn Ðộc lập bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp vào ngày 15-9-1945. Tháng 1-1946, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I khu vực Bắc Giang và là một trong những đại biểu trẻ nhất của Quốc hội...

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông tham gia tổ chức di chuyển toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, tài liệu quan trọng của Nha Thông tin Việt Nam ra hậu phương, tiếp tục phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng và Bác Hồ. Ngày 3-3-1947,  ông bị trúng đạn của giặc Pháp, hy sinh tại Ðầm Sen, xã Ngọc Sơn (nay là Thị trấn Chúc Sơn, H. Chương Mỹ, Hà Nội). 

Ngày 23-4-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho nhà báo - liệt sĩ Trần Kim Xuyến.

Tên ông đã được đặt tên đường ở thủ đô Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh. 

22. Đoạn đường có điểm đầu là đường Vũ Đình Liên, điểm cuối là đường Bùi Thiện Ngộ (2 tên dự kiến đặt đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa; chiều dài 550m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: BÙI CÔNG TRỪNG

BÙI CÔNG TRỪNG (1905 -1986)

Ông là nhà hoạt động chính trị, quê ở làng Cựu Xuân Dương, H. Hương Trà (nay là phường Phú Hậu, TP Huế), tỉnh TT- Huế.

Thoát ly hoạt động cách mạng từ hồi còn rất trẻ, ông sang Pháp du học năm 1925 rồi tham gia Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1927, ông được Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu sang học trường Đại học Phương Đông Staline ở Moscow (Liên Xô) cùng với Ngô Ðức Trì, Nguyễn Thế Rục, Trần Phú, Bùi Lâm, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Xích, Dương Bạch Mai…

Về nước hoạt động ở Sài Gòn, ông từng làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, đồng thời bị thực dân Pháp bắt giam, nhiều lần đày ra Côn Đảo (1932-1937), Kon Tum (1940-1944).  Cuối năm 1944, ông vượt ngục Trà Kê (Kon Tum) trở lại lãnh đạo phong trào cách mạng và Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945. Đầu năm 1947, ông ra công tác ở Chiến khu Việt Bắc, được cử làm Bí thư Đảng đoàn kiêm Thứ trưởng Bộ Kinh tế trong suốt thời gian kháng chiến. Hòa bình lập lại, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa III (9-1960), Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ông còn là người sáng lập và kiêm Viện trưởng Viện Kinh tế học đầu tiên, Chủ nhiệm Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế… Ông để lại cuốn hồi ký “Phải sống cho đời sống” và một tập sách dày gồm những suy nghĩ của ông về phát triển kinh tế địa phương, kết quả của những nghiên cứu sâu sắc và khoa học, đến tận thời kỳ “bung ra” (1979-1980) vẫn còn nguyên giá trị.

Tên ông đã được đặt tên đường tại TPHCM và tỉnh TT- Huế.

(còn nữa)