Báo Công An Đà Nẵng

Dự thảo đề án đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn Đà Nẵng năm 2018

Thứ ba, 20/11/2018 11:07

PHẦN I. ĐẶT TÊN ĐƯỜNG PHỐ

QUẬN CẨM LỆ (tiếp theo)

Một tuyến đường đẹp ở Hòa Xuân (Q. Cẩm Lệ).

25. Đoạn đường có điểm đầu là Vũ Đình Liên, điểm cuối là đường Bùi Thiện Ngộ (2 tên dự kiến đặt đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa; chiều dài 520m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: HUỲNH NGỌC ĐỦ

HUỲNH NGỌC ĐỦ (1932 - 1995)

Ông quê ở thôn Trung Lương, P. Hòa Xuân, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Ông tham gia cách mạng năm 1947, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và làm công nhân, Tổ trưởng Tổ sản xuất, rồi Quản đốc Phân xưởng nhiệt của Nhà máy điện Vinh. Trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tại khu vực Nhà máy điện Vinh, ông đã lãnh đạo sản xuất trong suốt 1.825 ngày đêm liên tục, đảm bảo an toàn tuyệt đối và lập kỷ lục sản xuất trong ngành điện toàn Miền Bắc. Trong một lần máy bay của địch bắn trúng tàu chở dầu trên sông Lam, ông đã dũng cảm cứu các thủy thủ trên tàu, ngay sau đó ông được Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huân chương Lao động (1 hạng Nhất, 1 hạng Nhì); Bằng khen Chiến sĩ thi đua… Năm 1967, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

26. Đoạn đường có điểm đầu là đường 7,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường 29 tháng 3 (tên dự kiến đặt đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa; chiều dài 1.000m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: QUÁCH THỊ TRANG

QUÁCH THỊ TRANG

Chị có pháp danh là Diệu Nghiêm, quê ở làng Cổ Khúc, H. Tiên Hưng (nay là xã Phong Châu, H. Đông Hưng), tỉnh Thái Bình. Năm 1954, gia đình vào sinh sống tại vùng Chí Hòa, TP Sài Gòn. 

Năm 1963, chị tích cực tham gia trong phong trào đấu tranh chống chế độ Mỹ - Diệm của các tầng lớp nhân dân, nhất là trong phong trào học sinh, sinh viên của thành phố Sài Gòn. Ngày 25 tháng 8 năm 1963, có mặt trong đoàn sinh viên, học sinh biểu tình phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm. Cuộc biểu tình này do Ủy ban chỉ đạo Học sinh liên trường chỉ đạo, nhằm chống lại quy định "thiết quân luật" của chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Đoàn biểu tình bị đàn áp và chị đã bị cảnh sát bắn chết tại công viên Diên Hồng. Cái chết của chị đã tạo nên một làn sóng phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm khắp trong và ngoài nước. Năm 1975, chị được công nhận là Liệt sĩ và nơi chị đã hy sinh cũng được chính thức mang tên Quảng trường Quách Thị Trang.

Tên chị được đặt tên đường ở TPHCM, TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), Quảng Nam… Quách Thị Trang từng được đặt cho một công viên tại Đà Nẵng (góc đường Hùng Vương và Phan Châu Trinh) - Công trường Quách Thị Trang. Nơi đây, vào ngày mồng 1 tháng 4 năm 1966, 25.000 người đã tập trung tham dự lễ giỗ Tổ Hùng Vương.

27. Đoạn đường có điểm đầu là đường Võ Chí Công, điểm cuối là đường Phạm Hùng: Mặt đường bằng bê tông nhựa; chiều dài 1.200m; rộng 10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 5m.

- Đề nghị đặt tên đường: ĐINH GIA TRINH

ĐINH GIA TRINH (1915 - 1974)

Ông có bút danh Diệu Anh, Thế Thụy. Ông quê ở Hà Nội. Thuở nhỏ học tại Trường Bưởi rồi học ở Đại học Luật Đông Dương. Năm 1941, ông tốt nghiệp Cử nhân luật, thi đỗ Tri huyện và làm Tri huyện một thời gian ngắn, ông từ nhiệm, về Hà Nội dạy tư. Ông từng là thành viên Hội Tân Việt Nam, Đảng Dân chủ Việt Nam. Ông có chân trong Ban Biên tập báo Thanh Nghị, mang tinh thần dân tộc dân chủ, với sự góp mặt của nhiều nhà trí thức lúc bấy giờ như Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh, Nghiêm Xuân Yêm, Đỗ Đức Dục, Vũ Đình Hòe, Vũ Văn Cẩn… Thời gian ở báo Thanh Nghị, ông viết một số bài và tác phẩm, như: Nói chuyện thơ nhân cuốn "Thi nhân Việt Nam 1932 - 1941", Nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều, Tính cách văn chương Việt Nam thời kỳ Âu hóa, Đông Phương và Tây Phương, Đọc tiểu thuyết Việt Nam, Địa vị văn hóa Âu Tây trong văn hóa Việt Nam, Đọc tập kịch Mơ hoa của Đoàn Phú Tứ…Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, ông được cử giữ chức Đổng lý Văn phòng Bộ Tư pháp. Năm 1946, ông trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa I và làm Ủy viên Ban soạn thảo Hiến pháp năm 1946. Toàn quốc kháng chiến, ông tham gia kháng chiến tại Việt Bắc. Sau năm 1954, ông công tác tại Hà Nội, giữ các chức vụ: Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, Ủy viên Ủy ban đấu tranh chống tội ác đế quốc Mỹ, Biên tập viên Tạp chí Luật học...

28. Đoạn đường có điểm đầu là đường 29 tháng 3, điểm cuối là đường Thanh Lương 25 (2 tên dự kiến đặt đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa; chiều dài 490m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: NGUYỄN QUANG DIÊU

NGUYỄN QUANG DIÊU (1880 - 1936)

Ông có tên tự là Tử Ngọc, hiệu là Cảnh Sơn (hay Nam Sơn). Ông quê ở  tỉnh Đồng Tháp. Năm 1907, ông tham gia phong trào Đông Du của chí sĩ Phan Bội Châu, và thường liên lạc với nhiều người yêu nước khác như: Nguyễn Thần Hiến, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn An Khương, Đặng Thúc Liêng, Dương Bá Trạc… Tháng 5 năm 1913, ông cùng hai người nữa bí mật sang Trung Quốc liên lạc với Việt Nam Quang phục Hội, bị cảnh sát Anh khám thấy một số tạc đạn cùng giấy tờ quan trọng tại nơi các ông tạm trú nên bị cảnh sát Anh bắt, giao cho nhà đương cục Pháp giải về giam tại Hỏa Lò (Hà Nội). Ông bị kết án 10 năm khổ sai, đày biệt xứ sang Guyane (Nam Mỹ). Ở tù một thời gian, đến đầu năm 1917, ông vượt ngục trốn sang đảo Trinidad (thuộc Anh).

Cuối năm 1920, ông trở về Hương Cảng tiếp tục hoạt động trong phong trào yêu nước. Sau khi Phan Bội Châu bị bắt, năm 1926, ông trở về nước lấy tên là Trần Văn Vẹn, đi khắp các tỉnh Nam Bộ tìm bạn chiến đấu, phát động phong trào chống Pháp đồng thời sáng tác nhiều thơ ca yêu nước tuyên truyền cách mạng. Từ năm 1932 đến 1936, ông dạy học và làm nghề Đông y tại làng Vĩnh Hòa, H. Tân Châu, tỉnh An Giang. Ông có dịch một số tác phẩm của Tôn Trung Sơn như Tam Dân chủ nghĩa, Ngũ quyền hiến pháp…

Tên ông đã được đặt tên đường tại TPHCM.

29. Đoạn đường có điểm đầu là đường 10,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Nguyễn Quang Lâm: Mặt đường bằng bê tông nhựa; chiều dài 810m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: PHẠM DUY TỐN

PHẠM DUY TỐN (1883 - 1924)

Phạm Duy Tốn, sinh năm 1883, mất 25-2-1924,  Nhà văn Việt Nam, sinh ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Trường Thông ngôn năm 1901, làm phiên dịch tại Tòa thống sứ Bắc Kỳ một thời gian rồi xin thôi, để viết báo. Ông đã viết các báo: Đại Việt tân báo, Nông cổ mín đàm, Đăng cổ tùng báo, Đông Dương tạp chí, Lục tỉnh tân văn, Nam phong tạp chí, Trung Bắc tân văn, dưới các bút hiệu: Ưu Thời Mẫn, Đông Phương Sóc, Phạm Duy Tốn. Tác phẩm: Bực mình (1914), Sống chết mặc bay (1918), Con người Sở Khanh (1919), Nước đời lắm nỗi. Ngoài ra, ông còn soạn Tiếu lâm quảng ký, ba tập, với bút hiệu Thọ An.  Phạm Duy Tốn không phản ánh những vấn đề lớn của dân tộc và thời đại, nhưng cùng với Nguyễn Bá Học, truyện ngắn của ông phác vẽ cho thấy diện mạo xã hội Việt Nam trên đà khai thác thuộc địa của người Pháp trước sau cuộc Đại chiến I. Hai nhà văn này đều là những cây bút tiên phong trong bước chuyển mình của thể truyện những năm 30 để đi tới hiện đại.

30. Đoạn đường có điểm đầu là đường 10,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường 7,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê tông nhựa; chiều dài 1.130m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: LƯƠNG TRỌNG HỐI

LƯƠNG TRỌNG HỐI (1888 - 1969)

  Ông sinh ra tại làng Đông Thành, H. Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Quế Châu, H. Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam).

   Thuở nhỏ, ông học chữ Hán, lớn lên, ông tham gia phong trào kháng thuế ở quê nhà (1908) và bị bắt giam một thời gian. Ra tù, ông được gia đình gửi ra Huế học chương trình phổ thông Pháp - Việt. Năm 1918, ông thi đỗ Cử nhân tại Trường Bình Định sau đó ông được bổ làm Tri huyện Hòa Đa, Hàm Tân (Bình Thuận), Mộ Đức, Đức Phổ (Quảng Ngãi), Hoài Nhơn (Bình Định). Tại đây, ông tạo điều kiện giúp các chiến sĩ phong trào Duy Tân vượt ngục Côn Đảo. Ở đâu, ông cũng được tiếng là vị quan thanh liêm, công bằng, có ý thức bảo vệ quyền lợi của dân nghèo.

Từ năm 1937-1944, ông làm Tá lý, Thị lang rồi Tham tri bộ Hình ở Huế. Năm 1944, ông về hưu sống ở quê nhà.  Năm 1945, ông được Nội các Trần Trọng Kim mời ra làm Tuần vũ Quảng Ngãi cho đến ngày Tổng khởi nghĩa. Trong thời gian này, ông đã giúp đỡ những người yêu nước, có cảm tình với cách mạng.  Năm 1950, theo chính sách đoàn kết dân tộc, ông được đề cử giữ chức Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Quảng Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Quảng Nam, kiêm Hội trưởng Hội Đông y.

Sau năm 1954, ông ở lại miền Nam, làm thầy thuốc Đông y và tiếp tục làm Hội trưởng Hội Đông y chuyên nghiên cứu về khoa châm cứu và cây thuốc. Ông đã biên soạn và xuất bản một số sách về y học dân tộc như Thương hàn trị liệu, Sách hướng dẫn châm cứu, Cây thuốc nam và góp phần đào tạo lớp lương y trẻ. Năm 1969, ông mất tại Đà Nẵng.

31. Đoạn đường có điểm đầu là đường Thanh Lương 6, điểm cuối là đường Phạm Xuân Ẩn (2 tên dự kiến đặt đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa; chiều dài 295m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: THANH LƯƠNG 5

(còn nữa)