Dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam thể hiện đầy đủ quyền con người
(Cadn.com.vn) - Ngày 23-5, báo cáo trước QH về dự án Luật tạm giữ, tạm giam (TGTG), Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang, cho biết : “Trong những năm qua, việc thực hiện chế độ TGTG đã được tổ chức chặt chẽ, phục vụ có hiệu quả cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...”.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ |
Đại tướng cũng nhấn mạnh, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, việc thực hiện chế độ TGTG đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể là: quy định của pháp luật hiện hành chưa cụ thể về việc thăm gặp thân nhân, người bào chữa của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và việc thực hiện các quyền nhân thân của họ; chế độ ăn, mặc, ở, khám chữa bệnh đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam còn chưa phù hợp với điều kiện thực tế; chưa có quy định về chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đồng tính hoặc người có khiếm khuyết về giới tính; chưa có quy định cụ thể về việc cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam mang quốc tịch nước ngoài tiếp xúc lãnh sự... việc quản lý người bị kết án tử hình gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ chế phù hợp; đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, việc xây dựng, ban hành Luật TGTG trong tình hình hiện nay là cần thiết.
Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, Luật TGTG được xây dựng trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo là quán triệt và thể chế hóa chủ trương, quan điểm chỉ đạo Đảng, chính sách của Nhà nước về thực hiện chế độ TGTG; Đặt trong tổng thể và bảo đảm đồng bộ với quá trình cải cách bộ máy Nhà nước, cải cách tư pháp, cải cách hành chính ở nước ta; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của công tác thực hiện chế độ TGTG hiện nay và trong những năm tiếp theo; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật và thực tiễn thực hiện chế độ TGTG của một số nước phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam...
Đề nghị quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự Ngày 23-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng, việc sửa đổi Bộ luật này là hết sức cần thiết. ĐB đề nghị cần thiết phải quy định nguyên tắc Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng như tại khoản 2 Điều 4, vì quy định này nhằm cụ thể hóa khoản 3 Điều 102 Hiến pháp là Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Theo quy định này, Nhà nước phải có trách nhiệm tạo cơ chế pháp lý đầy đủ để mọi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được pháp luật công nhận đều được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện. Thực tế thời gian qua, do không có quy định này nên Tòa án phải từ chối giải quyết các yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của cá nhân, tổ chức, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi của tổ chức, cá nhân; tạo nên những hành vi tiêu cực trong xã hội. Phạm Hữu Hoa |
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết, dự thảo Luật TGTG gồm có 11 chương, 87 điều. Cụ thể gồm các quy định: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; nguyên tắc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam; giám sát việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam; những hành vi bị nghiêm cấm; quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Trong quá trình xây dựng có 3 loại ý kiến khác nhau về tên gọi của luật. Chính phủ có ý kiến đề nghị lấy tên của luật là Luật thi hành TGTG.
Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, Chính phủ cho rằng, người bị TGTG là người đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn và họ phải chịu sự quản lý, cách ly trong một thời hạn theo quy định của pháp luật. Theo đó, đương nhiên họ sẽ bị hạn chế một số quyền công dân. Tuy nhiên, ngoài những quyền bị hạn chế, họ vẫn còn quyền con người, các quyền khác theo quy định của Hiến pháp. Do vậy, dự thảo Luật đã xây dựng theo hướng quy định nguyên tắc là người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện các quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và các luật khác có liên quan.
Phát biểu về báo cáo thẩm tra về dự án luật này, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội (UBTP) cho hay, UBTP tán thành với Chính phủ về sự cần thiết ban hành dự án luật này. Tuy nhiên, các quy định của dự án luật cần phải được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn, bảo đảm khắc phục cơ bản các hạn chế, vướng mắc, bất cập đã phát sinh trong công tác TGTG thời gian qua.
Chủ nhiệm UBTPQH Nguyễn Văn Hiện cho biết, nhiều ý kiến UBTP tán thành với đề nghị của Chính phủ lấy tên gọi của dự án là “Luật thi hành TGTG”. Cũng theo ông Hiện, việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong công tác TGTG theo yêu cầu cần phải thực hiện khẩn trương nhằm phục vụ kịp thời cho hoạt động điều tra khám phá tội phạm và luôn được kiểm sát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng, việc giải quyết khiếu nại thông qua cơ chế phán quyết Tòa án là cần thiết. Chủ nhiệm UBTP QH Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì những người bị TGTG chưa bị coi là có tội nên ngoài việc hạn chế một số quyền tự do đi lại, cư trú, quyền bầu cử, ứng cử... thì các quyền khác của họ phải được bảo đảm.
Lê Hoàng Sa