Dư thừa nguồn cung bất động sản tại Trung Quốc
Không ở hết số căn hộ bỏ trống
Kể cả dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc cũng không thể "phủ" hết lượng căn hộ còn trống đang trải khắp nước này. Đó là nhận định của ông He Keng, cựu Phó Giám đốc Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc khi ông phát biểu tại một diễn đàn ở thành phố Dongguan ở phía Nam Trung Quốc gần đây. "Hiện nay có bao nhiêu căn nhà trống? Mỗi chuyên gia lại đưa ra một con số rất khác nhau, trong đó ước tính cực đoan nhất cho rằng số nhà trống hiện nay đủ cho 3 tỷ người", ông He Keng cho biết. "Con số này có vẻ hơi xa với thực tế, nhưng 1,4 tỷ người có lẽ là không đủ để lấp đầy chúng", ông nói thêm.
Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tính đến cuối tháng 8, tổng diện tích mặt sàn của các căn nhà chưa bán đã lên đến 648 triệu m2, tức tương đương với 7,2 triệu căn nhà, theo ước tính của hãng tin Reuters theo diện tích nhà trung bình là 90 m2. Đó là còn chưa tính nhiều dự án nhà ở đã bán nhưng vẫn chưa hoàn thành do các vấn đề về dòng tiền, hay nhiều căn nhà được các nhà đầu cơ mua trong đợt khởi sắc của thị trường năm 2016 vẫn còn để trống. Theo các chuyên gia, những ngôi nhà đó chiếm phần lớn số nhà không có người sinh sống.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, lĩnh vực được cho là đang quyết định triển vọng phục hồi của toàn bộ nền kinh tế, đã suy yếu kể từ năm 2011 khi "gã khổng lồ" bất động sản China Evergrande Group vỡ nợ sau khi chính phủ thắt chặt quy định đối với hoạt động vay mới. Nguy cơ vỡ nợ vẫn đang đe dọa các nhà phát triển bất động sản tên tuổi khác của Trung Quốc như Country Garden Holdings, đè nặng lên tâm lý của người mua nhà. Country Garden, tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh số, đang đối mặt với các khoản nợ trị giá 14,9 tỷ USD Mỹ đáo hạn trong năm tới. Country Garden đặt cược lớn vào sự tăng trưởng trong tương lai ở các thành phố cấp 3 và cấp 4 của Trung Quốc, nơi việc xây dựng quá mức và dân số giảm hiện đang đe dọa giá bất động sản. Các thành phố cấp 3 và cấp 4 chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Trung Quốc, khoảng 60% GDP, và là trọng tâm đầu tư của Country Garden và các nhà phát triển khác trong thập niên qua.
Sau một thời gian dài bùng nổ xây dựng, Trung Quốc hiện có hơn 640 thành phố cấp 3, chiếm gần 80% tổng nguồn cung nhà ở của Trung Quốc. Nhu cầu ở những thành phố này yếu hơn so với các thị trường lớn hơn như Bắc Kinh và Thượng Hải, nơi dân số và thị trường việc làm tăng nhanh. Các thành phố cấp 3 chứng kiến giá nhà ở giảm gần 20% từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022. "Vấn đề dư thừa nguồn cung bất động sản và tiếp tục xây dựng quá mức đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố cấp 3", Kenneth Rogoff, Giáo sư Đại học Harvard và Yuanchen Yang, nhà kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) viết trong một báo cáo hồi tháng 8.
Country Garden cũng như các tập đoàn bất động sản khác không còn được hưởng lợi từ chính sách tái phát triển khu dân cư tồi tàn, giúp san bằng và thay thế những ngôi nhà dưới chuẩn trên khắp Trung Quốc bắt đầu từ năm 2008 cũng như trợ cấp cho cư dân ở các thành phố cấp thấp hơn để mua nhà mới. "Country Garden sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh khi thị trường suy thoái. Ngay cả khi không bỏ lỡ thời hạn bất kỳ khoản trả nợ nào trong tương lai, công ty khó có thể tiếp tục hoạt động bình thường vì sẽ gặp khó khăn rất lớn khi người mua nhà lo lắng về khả năng hoàn thành dự án", Edward Chan, Giám đốc xếp hạng tín dụng doanh nghiệp của S&P Global Ratings, cho biết.
Những đánh giá bi quan về thị trường bất động sản Trung Quốc, trái ngược với quan điểm chính thức của Bắc Kinh về nền kinh tế đất nước rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang "vững vàng". Bác bỏ những dự đoán u ám về nền kinh tế, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây nói rằng: "Những bình luận dự đoán sự sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc vẫn xuất hiện, nhưng chỉ có những lý lẽ thiếu căn cứ như vậy mới sụp đổ chứ không phải nền kinh tế Trung Quốc".
AN BÌNH