Đưa cha trở lại chiến trường
(Cadn.com.vn) - Trong một lần về phép thăm gia đình, ngồi hàn huyên với cha mẹ già ở quê, cha tôi bảo, ông chỉ có một ước muốn nho nhỏ đó là được trở lại chiến trường xưa. Tôi thấy ông nói mà lòng rưng rưng, xúc động khi nhắc lại một thời khói lửa. Tôi quyết định dành những ngày phép ngắn ngủi ấy để đưa cha trở lại vùng đất, vùng trời mà mấy mươi năm trước rền vang đạn pháo...
Lễ thả hoa tưởng nhớ và tri ân các liệt sĩ trên dòng sông Thạch Hãn. |
Cha tôi nhập ngũ năm 1972, một trong những năm ác liệt nhất ở chiến trường Quảng Trị. Đợt động viên năm ấy, làng tôi có một tiểu đội mười hai người lên đường nhập ngũ nhưng chỉ trở về có bốn người, hai trong số ấy mang trên mình thương tật là cha tôi. Ông đã để lại đất Quảng Trị một phần xương máu. Cha tôi bảo, năm ấy ra đi không nghĩ đến ngày về, vì đất nước chiến tranh kéo dài, tuy có niềm tin thắng lợi nhưng đời lính, đánh trận này xong lại tiếp tục trận khác, có khi trước một trận công đồn đang ngồi chia nhau điếu thuốc, xong quay lại cả tiểu đội chỉ còn vài tay súng...
Tôi và cha men theo ký ức của ông tìm về bên sông Thạch Hãn. Dòng sông nổi tiếng không chỉ với Quảng Trị mà cả đất nước mình với câu thơ "Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ, đáy sông còn đó bạn tôi nằm, có tuổi hai mươi thành sóng nước, vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm" của nhà báo Lê Bá Dương. Cha tôi đứng lặng hồi lâu bên bờ bắc, nơi ngày xưa từ pháo bầy đến bom tọa độ đánh liên tục tưởng chừng không dứt. Tôi thấy ông không nói, chỉ đăm chiêu nhìn dòng nước, hai hàng nước mắt khó khăn lăn ra từ khóe mắt. Nước mắt đàn ông khóc mặn mòi lắm, nước mắt đàn ông của người già khóc càng xúc động bội phần. Tôi đưa cha đi về Thành cổ, mấy mươi năm rồi mà nhìn vào khóe mắt cha dường như còn vương màu khói súng. Thành cổ cỏ mọc xanh rì, cha kể ngày xưa có trận đánh sập hầm, biết đồng đội còn dưới hầm mà không tài nào cứu lên được. Thế tôi mới hiểu được vì sao mấy chục năm rồi mà thỉnh thoảng ngủ mơ cha vẫn hô xung phong như đang vào trận.
Dọc đường Quảng Trị, nào Nhan Biều, Cam Lộ, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Cổ thành... nơi nào đặt chân đến tôi cũng thấy xúc động đến nghẹn ngào. Dưới từng mét đất ở vùng chiến sự ngày trước này tưởng chừng đâu đâu cũng chạm đến mộ phần của cha ông, bảng lảng từng vùng linh thiêng. Trở về sau chuyến đi tôi vẫn thấy cha buồn buồn, hỏi ra mới biết, cha muốn tìm đến nơi chính ông đã chôn những người đồng đội của mình nhưng không tài nào tìm được. Tôi an ủi cha Quảng Trị bao la, chiến tranh lùi xa hàng chục năm, biết nơi nào mà tìm. Nghe tôi nói ông cũng nguôi ngoai đi phần nào.
Theo chân cha về chiến trường xưa tôi cảm thấy không chỉ mình làm được một việc ý nghĩa đối với cha mà còn cảm nhận được nhiều bài học lịch sử sống động hơn bất cứ một trang sách nào. Được sống lại một thời hào hùng, bi tráng của cha anh, hiểu được cái giá của chiến tranh phải trả bằng máu xương nhiều như thế nào, "ôn cố tri tân" nhìn về quá khứ để nghĩ về hiện tại và tương lai, để mà sống sao cho xứng đáng với những gì cha anh mình đã cống hiến. Điều đó với tôi như là một lần được thanh lọc tâm hồn.
Trần Quang Thành