Báo Công An Đà Nẵng

Đứa con bất trị hay người mẹ vô cảm?

Thứ ba, 22/06/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Ngồi trước CQĐT, người phụ nữ có thân hình đẫy đà, ăn mặc thời trang, môi son má phấn, cặp mắt và đôi lông mày được thẩm mỹ, chăm sóc kỹ lưỡng, trông rất sắc sảo. Vậy nhưng, đôi mắt ấy như để làm vật trang trí cho khuôn mặt được xem là hoàn chỉnh, không bị đánh giá là khuyết tật, chứ hoàn toàn không hề có chức năng thể hiện được tâm trạng của một người mẹ có một người con vốn quá khứ mang nhiều tội lỗi với pháp luật, trong hiện tại có hành vi gây án giết người. Đó là mẹ của bị can Trương Nhật H. (1990 trú TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum).

Người phụ nữ được gọi là mẹ của Trương Nhật H. đến cơ quan CA theo giấy mời với tư cách là đại diện cho gia đình của bị can, bà có tên họ đầy đủ là Nguyễn Thị T. (54 tuổi). Được ĐTV hỏi về mối quan hệ giữa bà với Trương Nhật H., bà T. thừa nhận bà là người đã sinh ra H., nhưng đã từ lâu bà lên tiếng khắp nơi rằng: “Bà đã chính thức cắt đứt mối quan hệ mẹ con với H. Nguyên nhân khiến bà T. lạnh lùng, thản nhiên đưa ra quyết định chấm dứt tình mẫu tử là vì bà nói H. là đứa con “phá gia chi tử”, không chịu sự giáo dục của gia đình, ngỗ nghịch, ngay từ  ngày còn đi  học, H. sớm thể hiện thói ăn chơi quậy phá, hay gây sự đánh lộn với bạn bè, cuối cùng bị nhà trường đuổi học và dẫn đến hành vi phạm tội.

Những vụ án trộm cắp do H. cầm đầu đã phần nào khiến kinh tế gia đình bà T. bị hao hụt, cuộc sống trong nhà bị đảo lộn, bà T. thường xuyên bị CA mời lên làm việc, từ đó gia đình bà bất lực và đành đứng nhìn đứa con bất trị tiếp tục dấn sâu vào con đường lao lý.

 Bà T. kể: bà có 3 người con trai, H. là út nên từ nhỏ rất được chiều chuộng. Trước đây nhà bà T. ở trung tâm thành phố, cũng vì năm 2007, H. gây án trộm cắp mà bước đường cùng buộc bà phải bán nhà, chấp nhận chuyển đến ở vùng ven, xây nhà trọ cho thuê, để lấy ít tiền chi phí khắc phục hậu quả cho gia đình người bị hại, những mong H. được pháp luật xem xét giảm nhẹ tội.

Từ trộm cắp vặt đến trộm cắp có tổ chức và đến trộm cắp chuyên nghiệp, riêng trong năm 2007, H. trong vai trò người chủ mưu đã cùng đồng bọn 6 lần phá khóa đột nhập nhà dân trộm cắp tiền, vàng, đồng hồ, ĐTDĐ bán lấy tiền tiêu xài. Ngày 4-6-2008, H. bị TAND TP Kon Tum tuyên phạt 24 tháng tù. Sau 2 năm thụ án, cuối tháng 9-2009, H. được tha về địa phương. Chưa đầy 2 tháng sau, H. tiếp tục bỏ nhà, theo đám bạn xấu và vẫn chứng nào tật nấy. Ngày 2-12-2009, H. cùng đồng bọn gây ra vụ cướp máy vi tính.

Sau thời gian lẩn trốn, ngày 14-1-2010, H. về lại TP Kon Tum thì được Phạm Hoàng V. (1986, trú đường A Dừa, TP Kon Tum) rủ đi hát karaoke tại quán MTV trên đường Thi Sách. Cùng góp vui còn có 5 người bạn của H. và 3 người bạn của V. Trong lúc H. và V. ra ngoài thì trong phòng hát xảy ra xích mích giữa 2 nhóm bạn mới quen.

Trương Nhật H.  

Biết được chuyện, V. nổi tính côn đồ lớn tiếng chửi và rượt đánh đám bạn của H. H. can ngăn thì bị V. chửi tiếp và lấy gạch đá ném vào người H. Không kìm chế cơn tức giận, H. liền rút dao đâm vào ngực khiến V. gục tại chỗ. Được mọi người đưa đi cấp cứu, nhưng do vết đâm thấu tim nên V. đã tử vong. Riêng H. đi về nhà kể lại cho gia đình nghe và được chính 2 anh trai và bà T. đưa đến cơ quan CA tự thú.

Là mẹ, hơn ai hết, bà T. biết  rất rõ, H. ngày càng xa dần sự quản lý của gia đình và trượt dài trên con đường tội lỗi, tội sau đặc biệt nghiêm trọng và nguy hiểm hơn tội trước, nhưng vì phó mặc cho xã hội, bà khoanh tay đứng nhìn. Với bà T. bây giờ, chuyện H. gây án  không còn là nỗi hoảng sợ như lần đầu, tận mắt chứng kiến nhiều lần con gây án khiến lòng bà T. chai sạn, từ đó  tình cảm của bà dành cho đứa con trai út đã cạn dần.

Bà T. luôn cho rằng bà “từ bỏ con” là việc làm đúng đắn, bà lớn tiếng biện minh cho cách xử sự của mình rằng: H. đã ở tuổi trưởng thành, nó gây tội lỗi thì phải chịu trách nhiệm. Xuất phát từ suy nghĩ lạnh lùng, vô cảm, vô trách nhiệm ấy, nên khi trình bày với cơ quan CA về tội trạng của H., thái độ bà T. rất đỗi dửng dưng, không chút xót xa, không một giọt nước mắt. Bà lạnh lùng: “Ai làm nấy chịu, thằng H. giết người thì nó phải đền tội!”.

Trong trại tạm giam, ở tuổi 20, nhưng trông H. già dặn hơn bởi vẻ mặt buồn bã và ân hận. H. thừa nhận với cơ quan điều tra: Bị can vào trại đã hơn 4 tháng nhưng chưa lần nào được người nhà đến thăm, chỉ có duy nhất một lần H. nhận được quà của bạn gửi vào trại thăm hỏi. H. ý thức rất rõ giá phải trả cho lần gây án này, H. không hề oán trách gia đình mình, chỉ mong được gia đình nạn nhân tha thứ.

Vụ  trọng án sẽ được khép lại, nhưng suy nghĩ của những người làm án vẫn còn day dứt và đọng lại nhiều câu hỏi từ góc độ lương tâm và trách nhiệm của những bậc làm cha mẹ: Phải chăng chỉ có những đứa con ngoan, hiền mới có bố mẹ, còn khi “con dại thì cái không mang sao?

Thái Hòa