Đưa danh lam thắng cảnh Việt lên tà áo dài
Áo dài là bộ y phục không còn xa lạ với bạn bè quốc tế. Áo dài mang dấu ấn về văn hóa và con người Việt Nam. Để làm nổi bật hơn hình ảnh tà áo dài Việt, nhà thiết kế Minh Hạnh đã mang đến Lễ hội Áo dài Hội An - Danh thắng Việt Nam trong không gian nghệ thuật độc đáo, công nghệ cao chứng minh sức sống mãnh liệt của áo dài Việt Nam.
17 danh lam thắng cảnh và di sản được đưa lên tà áo dài độc đáo. |
Trải qua nhiều thay đổi, áo dài luôn được các nhà thiết kế sáng tạo nhiều kiểu mới lạ, hấp dẫn, bắt mắt. Với ý tưởng đưa 17 di sản và danh thắng Việt Nam vào các bộ sưu tập, nhà thiết kế Minh Hạnh đã tạo nên lễ hội mang nét đẹp độc đáo, mới lạ. Lễ hội là câu chuyện kể về tình yêu áo dài gắn liền những giá trị của các danh thắng Việt Nam đã được công nhận là Di sản thế giới. Không chỉ là câu chuyện kể về đời sống của chiếc áo dài qua mọi nẻo đường đất nước, qua bao thăng trầm lịch sử, chiếc áo dài đã thay đổi diện mạo trong mỗi thời đại mà vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống bất biến.
Với ý tưởng xuyên suốt là 17 di sản và danh thắng Việt Nam từ Hoàng thành Thăng Long, Vịnh Hạ Long, di tích Tràng An, Thánh địa Mỹ Sơn, chùa Cầu Hội An, Phong Nha Kẻ Bàng cho tới cồng chiêng Tây Nguyên... được hàng trăm diễn viên múa và người mẫu trình diễn trên sân khấu hiện đại của Ký Ức Hội An sẽ tạo ra nhiều cảm xúc mới về áo dài. Các nhà thiết kế dẫn dắt đi từ miền Bắc qua miền Trung đến miền Nam. Thông qua các bộ sưu tập áo dài, danh thắng Việt Nam trở thành những bức tranh sinh động, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ một lần nữa trở thành niềm tự hào của người Việt. Những chất liệu truyền thống quý giá như lụa, thổ cẩm được các nhà thiết kế biến ảo sinh động, những chiếc áo dài mang sứ mệnh hình ảnh đại diện của Việt Nam: thân thiện, hiện đại.
Trong bộ sưu tập Phố Cổ Hội An, nhà thiết kế Chula cho rằng, di sản phố cổ Hội An là một thực thể sống với hai mặt giá trị cụ thể. Một bên là những giá trị văn hóa bề nổi đang được bổ sung, thay đổi thường xuyên nhằm đáp ứng với nhu cầu cần có của một thành phố du lịch. Một bên là cuộc sống thực của người dân phố Hội ngay trong lòng di sản.
Nhà thiết kế Cao Duy đem đến bộ sưu tập “Thánh Địa Mỹ Sơn” trên nền ý tưởng của một quần thể kiến trúc gồm nhiều đền đài vô cùng độc đáo. Đó không chỉ lưu giữ lại được những dấu tích cổ xưa của một nền văn hóa mà còn chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật vô cùng độc đáo.
Ngoài danh lam thắng cảnh, nhiều nhà thiết kế lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể để tái hiện lên áo dài. Như Huệ Thi chọn đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận di sản năm 2013 cho bộ sưu tập của mình. Nhà thiết kế Huệ Thi cho biết: “Với ý tưởng mang đến một làn gió mới từ miền Tây, tôi mong muốn lan tỏa nét chân chất, phóng khoáng, tài tử như chính tính cách của con người miền Tây. Chất liệu chủ đạo xuyên suốt là dòng vải quốc bảo Lãnh Mỹ A của Tân Châu, An Giang và vải khăn rằn đặc trưng Nam Bộ. Các thiết kế đờn ca tài tử của tôi phối phá cách nhưng vẫn đậm sự mộc mạc thể hiện qua 3 giai đoạn của đờn ca tài tử: du nhập, mở rộng và hưng thịnh”.
Mỗi bộ sưu tập là một ý tưởng độc đáo, tâm huyết của từng nhà thiết kế được thể hiện nổi bật trên sân khấu hiện đại rộng 25.000m2. Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết, khi chọn sân khấu thực cảnh Ký ức Hội An vì khái niệm xuyên suốt show diễn này là hình ảnh các cô gái trong tà áo dài diễn đạt “con đường tơ lụa Việt Nam”...
Hình ảnh chùa Cầu Hội An được nhà thiết kế Chula đưa vào bộ sưu tập áo dài. |
Với ấn tượng áo dài là chủ thể của “Lễ hội Áo dài Hội An - Danh thắng Việt Nam” sẽ đưa chúng ta từ quá khứ đến hiện tại và cả câu chuyện áo dài cho tương lai bằng những màn biểu diễn nghệ thuật kết hợp sự cổ kính với hơi thở hiện đại. Nhà thiết kế Minh Hạnh khẳng định: “Ngay từ lần đầu tiên đến sân khấu thực cảnh Ký ức Hội An tôi đã thấy thật đặc biệt. Tại đây không gian trình diễn với công nghệ cao bậc nhất Việt Nam và đội ngũ biên đạo, diễn viên nhiều kinh nghiệm, nhiều năng lượng tích cực chắc chắn 17 bộ sưu tập áo dài sẽ được thăng hoa”.
Với chiều sâu văn hóa đa tầng, đa sắc, Hội An được coi là bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị của Việt Nam. Hội An là một nơi hiếm hoi còn gìn giữ gần như trọn vẹn những giá trị cổ kính của hàng trăm năm trước dù trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử. Chính điều đó khiến Hội An trở nên khác biệt và người dân nơi đây có quyền tự hào với bạn bè quốc tế về những giá trị vô giá của mình.
Theo đại diện Công viên Ấn tượng Hội An và show diễn Ký ức Hội An, thì ý nghĩa và vai trò của áo dài trong show diễn Ký ức Hội An đã được khẳng định. Và việc tổ chức Lễ hội “Áo dài Hội An - Danh thắng Việt Nam” ngay chính tại sân khấu Ký ức Hội An chứng minh một cách nghiêm túc đối với cộng đồng, với thế giới về nguồn gốc, vẻ đẹp, giá trị của áo dài. Giá trị Việt Nam, văn hóa Việt Nam tiềm tàng trong nghệ thuật, trong thiết kế thời trang cũng là tính vĩnh cửu của áo dài.
DIỆU HUYỀN