Báo Công An Đà Nẵng

Đưa di sản văn hóa về với cộng đồng

Thứ bảy, 05/05/2018 14:46

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) Ngô Văn Đạt, lễ hội truyền thống là di sản văn hóa quý báu được sản sinh, trường tồn trong đời sống của mỗi cộng đồng dân cư và mang đặc trưng văn hóa từng vùng quê. Sau lũy tre làng bình dị, dưới mái đình, chùa làng cổ kính, hội làng thực sự là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa của địa phương, là chốn “về nguồn” ý nghĩa trong tâm linh của mỗi người dân. Cho nên, từ năm 2018, chính quyền địa phương nỗ lực hợp nhất dân làng 15 thôn với gần 3.700 hộ dân hiện nay cùng tổ chức chung một lễ hội các đình làng với nội dung “Về với cội nguồn” vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương (mồng 10-3 âm lịch) hằng năm để tiết kiệm chi phí và tránh thời gian dàn trải, nên cần có sự đồng thuận một cách tự nguyện của cộng đồng. Thuận lợi nhất trong bảo tồn lễ hội hiện nay là ý thức của người dân đang dần được nâng cao, người dân có khả năng tái tạo lễ hội và thực hành các nghi lễ cổ truyền… Để thực hiện được mục tiêu này, ngay từ cuối năm 2017, UBND xã đã lên kế hoạch chỉ đạo các làng tham gia lễ hội phải thực hiện tốt việc xây dựng kịch bản nghiêm túc, đầy đủ, đúng trọng tâm. Tổ chức lễ hội truyền thống phải đảm bảo cả phần lễ và phần hội. Riêng phần hội ưu tiên khôi phục các trò chơi dân gian, các môn thể thao cổ truyền mang tính đặc trưng. Thực tế cho thấy, khi lớp trẻ đi lễ hội thì bên cạnh sự sôi nổi tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao họ còn có nhu cầu tìm hiểu những tư liệu, những câu chuyện lịch sử về chính ngôi đình, miếu cổ ở làng mình. Đồng thời, họ cũng muốn được tham gia những hoạt động truyền thống, những trò chơi dân gian từ thời cha ông truyền lại.

Đêm thơ “Về với cội nguồn” tại lễ hội các đình làng xã Hòa Nhơn.

Được biết, xã Hòa Nhơn hiện nay có 7/15 ngôi đình được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố. Những lễ hội làng nơi đây đều có lâu đời, bởi vậy đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành nét đẹp văn hóa, là nơi “về nguồn” ý nghĩa của biết bao thế hệ. Nét độc đáo ở mỗi lễ hội làng nơi đây đó là dù cuộc sống ngày càng hiện đại song mỗi người đều mong muốn được thành tâm dâng lên nơi thờ tự một vật phẩm do chính tay mình làm ra. Người thì dâng hoa, quả được trồng ở sân vườn; người thì đĩa xôi, con gà hay chục bánh nếp... cũng đều mang theo ước vọng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Những người thôn quê hồn hậu ấy cũng vui hết mình với lễ hội, đặc biệt là những hoạt động mang tính cộng đồng của thế hệ trẻ. Ông Nguyễn Lo (thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn) cho biết, những người có tuổi rất lo sợ thời gian sẽ làm mất dần đi những giá trị văn hóa làng, sợ cuộc sống xô bồ của bọn trẻ sẽ không giữ nổi những gì mà cha ông ngày xưa để lại. Ở địa phương, chỉ riêng vấn đề bê-tông hóa giao thông trong quá trình xây dựng nông thôn mới cũng trăn trở, suy tính nhiều lắm. Nhiều người dân phải tự nguyện hiến đất mở đường để giữ lại những di tích cổ xưa. Bởi theo ông, dù có đô thị hóa, công nghiệp hóa làng quê như thế nào đi chăng nữa thì vẫn phải lưu giữ nét xưa, không chỉ trong không gian, cảnh vật mà trong cả tình cảm của con người “tối lửa tắt đèn có nhau”.

Có thể nói, Hòa Nhơn là xã đầu tiên ở vùng nông thôn Hòa Vang hết sức chú trọng đến việc bảo tồn, phát huy và đưa di sản văn hóa về với cộng đồng. Những câu thơ ca ngợi tình đất, tình người cùng với các điệu hò khoan đối đáp lan tỏa và có sức sống bền vững vào ngày hội. Sức sống trường tồn của các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đập niêu, trình diễn viết thư pháp, têm trầu cánh phượng của thế hệ trẻ cũng mang lại những nét tươi mới, phấn khởi cho các lão làng… “Để tiếp tục giữ gìn, bảo vệ di tích các đình làng và phát huy lễ hội, thời gian đến, chính quyền địa phương đề nghị các tầng lớp nhân dân đoàn kết quyết tâm thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; quan tâm chăm sóc, bảo vệ các ngôi đình, miếu cổ; tiếp tục gìn giữ và phát huy truyền thống lễ hội của làng, có sức thu hút gắn với phát triển kinh tế - xã hội ngày càng giàu đẹp; góp phần thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về việc phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Ngô Văn Đạt chia sẻ thêm.

VY HẬU