Đưa đồng đội về với đất mẹ!
(Cadn.com.vn) - Ra đời từ năm 1992, Đội Quy tập mộ liệt sĩ 192 (Đội 192) thuộc Bộ CHQS TT-Huế thực hiện nhiệm vụ cất bốc hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Lào đưa về nước. Đã có khoảng 800 hài cốt liệt sĩ (HCLS) được các anh tìm thấy đưa từ nước bạn Lào về với đất mẹ trong niềm hạnh phúc của gia đình, người thân và niềm tự hào lớn lao của dân tộc...
Đại diện tỉnh Salavan làm lễ bàn giao và tiễn đưa HCLS quân tình nguyện |
GIAN NAN TÌM KIẾM
Chúng tôi đến Đội 192 sau khi các anh kết thúc đợt tìm kiếm HCLS từ Lào trở về. Cuộc tìm kiếm kéo dài hơn nửa năm từ tháng 10 năm trước đến tháng 6 năm sau, bởi đây là thời điểm mùa khô ở Lào. Trong số 13 HCLS được tìm thấy lần này, có 2 hài cốt khắc tên trên bia đá, đó là liệt sĩ Hoàng Anh Năm và liệt sĩ Cơ được tìm thấy trong khu rừng huyện Klừm (Sêkông). Hiện, 13 HCLS này vừa được đưa về an táng tại nghĩa trang TP. Huế. Bộ CHQS tỉnh TT-Huế đã thông báo cho Bộ LĐ-TB & XH phối hợp tìm quê quán, thân nhân của 2 liệt sĩ có tên nói trên. Thượng tá Lê Ngọc Thông- nguyên Đội trưởng Đội quy tập 192 (hiện công tác tại Thanh tra Bộ CHQS tỉnh TT-Huế), trực tiếp đi tìm HCLS từ những ngày đầu Đội thành lập cho biết: Sau 40 năm giải phóng, núi rừng ở Lào thay đổi nhiều lắm, những chứng tích về cuộc chiến cũng đã phai mờ theo thời gian. Trong khi đó, thông tin về bộ đội Việt Nam hy sinh ở đâu, chôn cất ở vị trí nào ngày một hiếm dần vì những người chứng kiến không còn nhiều. Vì vậy, để đưa được đồng đội về với đất mẹ, anh em trong Đội 192 phải ngày đêm bám núi rừng. 24 năm đi tìm HCLS, đã để lại trong thượng tá Thông nhiều kỷ niệm buồn vui xen lẫn. “Có lần, anh em băng rừng, đi bộ cả tuần nhưng khi đến nơi thì phát hiện ngôi mộ đã bị đào trước đó. Hay là có lần, anh em đi vào các bản làng, khi tìm được HCLS thì người dân bản lại không cho đưa về bởi do phong tục tập quán còn lạc hậu. Thế là, đêm hôm khuya khoắt, anh em phải đi đường tắt và bằng mọi cách đưa đồng đội vượt ra khỏi bản, sớm đưa về quê mẹ”- thượng tá Thông nhớ lại.
An táng 13 HCLS (tìm thấy tại nước bạn Lào năm 2016) tại Nghĩa trang TP Huế. |
Lật sổ ghi chép những địa danh trên đất bạn Lào- nơi anh cùng đồng đội đặt chân đến để tìm HCLS, thượng tá Thông nghẹn ngào: Trên đường hành quân đi tìm mộ, những cơn mưa rừng bất ngờ đổ xuống, chứng kiến cảnh thành viên trong Đội bị sốt rừng hành hạ, anh em cứ thế ôm nhau vừa băng rừng vừa khóc. Một số đồng chí đi quá nhiều, chân bể cơ, thế là anh em phải thay nhau khiêng qua những đoạn đường dốc đá. Có khi, để đến được mộ, anh em trong Đội đi thuyền, vượt thác cả mấy ngày trời. Qua những đoạn cua ngặt đầy hiểm nguy, anh em chỉ biết ôm nhau cầu nguyện…Gian nan, hiểm nguy không thể nào tả được, thế nhưng nghĩ đến những đồng đội của mình đang nằm lạnh lẽo giữa núi rừng cheo leo, ai cũng cố vượt qua.
Hay một lần khác, tổ công tác Đội 192 vào bản A Vao (H. Tà Ôi, Salavan) thì nghe người dân bản kể ở bản Bạc, tỉnh SêKông có chôn cất liệt sĩ của Việt Nam, anh em mừng quá, tức tốc hành quân. Tuy nhiên, bản Bạc không phải là địa bàn tổ phụ trách nên không một ai biết đường đi, lương thực mang theo đến ngày thứ 7 thì chỉ còn vỏn vẹn mấy gói mì tôm. Anh em chia nhau ăn sống, cầm hơi qua ngày. Đói, mệt, một số chiến sĩ trong đội lả đi nhưng rồi lại động viên nhau vượt qua. Khi đến nơi, đào mộ lên, chứng kiến 4 HCLS quân tình nguyện Việt Nam, ai cũng rơi nước mắt.
KHI DÂN BẢN ĐỒNG LÒNG
Cũng như nhiều anh em Đội 192, trung tá Nguyễn Văn Hải, Đội trưởng Đội quy tập mộ liệt sĩ 192, có 14 mùa khô qua “cắm” bản ở Lào. Lần đến bản Tùng Vi (H.Tà Hội, Salavan) vào năm 2008 khiến anh nhớ nhất. Hôm đó, nhận được thông tin ở bản Tùng Vi có nhiều HCLS của ta, đoàn tức tốc hành quân. Lúc xe của đoàn vừa đến đầu bản thì gặp nhiều người dân giăng trạm gác, chặn lại không cho xe vào. Thấy lạ vì những lần trước vẫn vào được, anh Hải hỏi thăm thì mới biết, trong bản bệnh dịch tả đang hoành hành và có nhiều người chết. Một số người cho rằng, do “ma quỷ ám” nên mới xảy ra dịch bệnh. Sau khi gặp gỡ trưởng CAH Tà Hội nói chuyện, mới biết nguyên nhân dẫn đến bệnh dịch là do thời điểm giao mùa nhưng người dân lại không ăn chín uống sôi. Trong bản, có người chết thì dân bản lại mổ trâu, bò rồi ăn tái…Lúc này, anh Hải cùng anh em trong Đội đi vận động, tuyên truyền; lấy thuốc men, lương thực, dụng cụ y tế mang theo của đoàn cung cấp cho bà con và hướng dẫn cách ăn uống, sinh hoạt. Ba ngày sau đó, bệnh dịch tả ở Tùng Vi lắng xuống. Lúc này, người dân trong bản, từ già đến trẻ kéo đến cảm ơn anh em trong Đội 192. Sự kiện này đã được dân bản Tùng Vi ghi vào sổ của bản như thể hiện sự tri ân bộ đội Việt Nam. Sau đó, dân bản Tùng Vi cùng anh em tham gia tìm HCLS. Lần đó, chỉ trong 2 ngày, đoàn đã tìm được 8 HCLS bộ đội ta hy sinh ở vùng phía Nam Lào.
Trung tá Nguyễn Thanh Bình, chính trị viên Đội 192 cho biết, 24 năm từ ngày thành lập, các chiến sĩ Đội 192 đã hành quân qua hơn 870 bản làng của nước bạn Lào để tìm kiếm hài cốt đồng đội. Đến hẹn lại lên, cứ đầu tháng 10 khi mùa khô ở Lào bắt đầu, các chiến sĩ Đội 192 lại cơm đùm, gạo bới hành quân đến khắp các bản làng trên đất bạn Lào để tìm kiếm và cất bốc hài cốt các liệt sĩ. Dấu chân các anh đã in khắp những tuyến đường mòn trên đỉnh Trường Sơn cheo leo của 2 tỉnh Salavan và Sêkông. Không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm HCLS ở nước bạn Lào, Đội 192 còn tìm kiếm hơn ngàn HCLS ở vùng núi đồi của TT-Huế. Với những thành tích đó, Đội Quy tập mộ liệt sĩ 192 vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị AHLLVTND thời kỳ đổi mới. Rất nhiều cá nhân trong Đội được vinh dự trao tặng Huân chương Chiến công Hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Hải Lan