Báo Công An Đà Nẵng

Đưa du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ xứng với tiềm năng sẵn có

Thứ tư, 27/05/2015 09:58

(Cadn.com.vn) - Dù đã có bước phát triển và đóng góp nhất định cho ngành du lịch cả nước nói chung nhưng du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ vẫn còn manh mún, thiếu tính liên kết, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Đó là nhận định của các đại biểu tham dự Hội nghị công bố, phổ biến và triển khai “Quy hoạch tổng thế phát triển du lịch duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, được tổ chức vào sáng 26-5 tại Đà Nẵng.

Quy hoạch lấy du lịch biển đảo làm mũi nhọn. Trong ảnh: Biển Đà Nẵng luôn thu hút đông du khách trong nước và quốc tế. 

 NHIỀU TIỀM NĂNG, THIẾU LIÊN KẾT

Vùng duyên hải Nam Trung Bộ bao gồm TP Đà Nẵng và 7 tỉnh là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận với diện tích tự nhiên 44.376 km2, dân số tính đến năm 2012 xấp xỉ 9 triệu người. Ngoài lợi thế đường bờ biển dài gần 1.200km với nhiều vũng, vịnh, đầm, ghềnh, bãi cát... duyên hải Nam Trung Bộ còn là vùng có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống gắn với các nền văn hóa đặc sắc.

Cạnh đó là hệ sinh thái với các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển gắn với biển đảo và các tài nguyên du lịch sinh thái. Với vị trí nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt, điểm đầu của các tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung, “Con đường xanh Tây Nguyên, là đầu cầu và cũng là cửa ngõ ra biển Đông của hành lang du lịch Đông – Tây.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên đánh giá, thời gian qua, du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ đã có bước phát triển và đóng góp nhất định vào sự nghiệp phát triển của du lịch cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, sự phát triển của du lịch vùng vẫn còn manh mún, chưa xứng với tiềm năng, thiếu tầm nhìn tổng thể, sự liên kết phát triển còn thiếu ổn định, bền vững.

Các đại biểu cũng cho rằng, vùng du lịch duyên hải Nam Trung Bộ có thế mạnh về vị trí du lịch, kết cấu hạ tầng, tiềm năng du lịch biển đảo, sinh thái và du lịch văn hóa. Tuy nhiên, khó khăn lớn của vùng chính là xuất phát điểm nền kinh tế của các địa phương còn thấp, tích lũy đầu tư nhỏ, hiệu quả đầu tư chưa cao.

Bên cạnh đó, ngoài Đà Nẵng và Khánh Hòa có tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp thấp thì các địa phương còn lại vẫn còn khá cao. Tiềm năng du lịch “hao hao” nhau, các ngành kinh tế chủ lực của các địa phương có sự trùng lắp, thiếu các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nên địa phương nào cũng bị phân tán nguồn lực đầu tư.

Ngoài ra, chất lượng nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ cao trong ngành du lịch của các tỉnh thành vẫn còn là một bài toán khó giải. Không những thế, một số đại biểu còn cho rằng, đã xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng do các tỉnh đều ưu tiên tập trung phát triển cảng biển, sân bay, khu kinh tế.

Bãi biển dài, đẹp là lợi thế phát triển du lịch các tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung. 

DU LỊCH BIỂN ĐẢO LÀM MŨI NHỌN

“Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt ngày 24-12-2014. Điều này thể hiện sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đối với sự phát triển ngành du lịch nói chung và du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng; tạo tiền đề cho tông tác đầu tư, quản lý phát triển du lịch vùng một cách đúng hướng và bền vững.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển du lịch biển  đảo trở thành thế mạnh hàng đầu của du lịch Việt Nam; phát triển các đô thị du lịch hiện đại, các khu du lịch, điểm du lịch quốc gia với các cơ sở dịch vụ cao cấp. Phấn đấu đến năm 2020 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế vùng, góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển và hải đảo Việt Nam.

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch, mục tiêu cụ thể đặt ra là đến năm 2020, vùng thu hút khoảng 15 triệu lượt khách, trong đó, khoảng 4,5 triệu lượt khách quốc tế. Đến năm 2030 thu hút khoảng 25 triệu lượt với 7,5 triệu lượt là khách quốc tế. Phấn đấu tổng thu từ khách du lịch đến năm 2020 đạt khoảng 70 nghìn tỷ đồng, đến năm 2030 là 160 nghìn tỷ đồng.

Tại Hội nghị, đại diện Tổng cục Du lịch cho rằng, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là một bước cụ thể hóa chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu và định hướng quy hoạch, các cơ quan và địa phương trong vùng cũng kiến nghị Thủ tướng và các Bộ, ngành sớm ban hành cơ chế ưu đãi, khuyến khích phát triển du lịch các tỉnh thành phố Duyên hải Nam Trung Bộ; đẩy mạnh đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là các trục đường bộ liên vùng; tăng cường phát triển hệ thống làng nghề; mở rộng phát triển du lịch ở các đảo xa bờ. Cạnh đó là tích cực lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm với phát triển du lịch trên địa bàn vùng.

Công Khanh